Bật khóc, hối hận vì tuổi thơ chuyên đặt bẫy, săn bắt chim trời

PV

(Dân trí) - "Tôi đã bật khóc khi xem ảnh chụp 3 chú chim non chết đói còn lại xương khi mẹ chúng đi kiếm mồi bị bắt. Con người ăn được miếng thịt chim cũng không bổ béo hay chữa được bách bệnh đâu".

Như thông tin Dân trí phản ánh, trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn nút giao Thạch Thất - Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, tồn tại khu chợ cóc tự phát, chuyên bán các loại chim trời làm món ăn. Dù giá thành không rẻ, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để mua, từ loại chim bình thường tới những giống loài quý hiếm.

Theo lãnh đạo xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội), hàng tháng, lực lượng chức năng vẫn ra quân xử phạt tiểu thương vi phạm hành lang giao thông, bày bán vật nuôi trên vỉa hè song không thể giải quyết dứt điểm. Vị lãnh đạo cho biết các tiểu thương không phải người địa phương, buôn bán không cố định nên khó xử lý triệt để.

Dưới góc độ pháp lý, các văn bản liên quan đến bảo vệ chim hoang dã đều đã có, nhưng trên thực tế nhiều địa phương triển khai theo kiểu chống chế, "ném đá ao bèo". Tại nhiều nơi, người dân vẫn coi thịt thú rừng, chim rừng là món ăn quý dẫn tới tình trạng "tận diệt chim trời".

Bật khóc, hối hận vì tuổi thơ chuyên đặt bẫy, săn bắt chim trời - 1

"Chợ cóc chim trời" bày bán công khai trên đường gom Đại lộ Thăng Long (Ảnh: Khôi Vũ).

Theo các chuyên gia về bảo tồn động vật, lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương là các đơn vị có trách nhiệm và cần quyết liệt, sát sao hơn nhằm chấm dứt vấn đề này.

Có chung quan điểm với các chuyên gia, nhiều độc giả Dân trí cũng bày tỏ sự lo lắng, bất bình trước thực trạng này và cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm giải quyết triệt để vấn đề "tận diệt chim trời".

Bình luận dưới bài viết Nghĩa địa tận diệt chim trời Hà Nội: Vấn nạn nhiều năm nhưng khó ngăn chặn? , độc giả Khang Minh chia sẻ: "Tôi có một tuổi thơ chuyên bẫy chim, bắt tôm cá. Nhưng đến giờ, cảm thấy nuối tiếc và hối hận. Tôi đã bật khóc khi xem một bức ảnh chụp 3 chú chim non chết đói còn lại xương khi mẹ chúng đi kiếm mồi bị bắt. Nhìn những chú chim bị bắt, bị buộc chân trông rất tội!

Hãy vì môi trường sống, hãy từ bỏ việc đánh bắt chim trời, đừng ăn thịt chúng. Hãy trả lại môi trường sống cho nó. Con người ăn được một miếng thịt chim cũng không bổ béo hay chữa được bách bệnh đâu. Đừng vì tò mò tham ăn mà tận diệt chim trời!".

"Cái gốc của việc tận diệt chim trời, động vật hoang dã là các quán ăn nhậu và thực khách xem đây là đặc sản khoái khẩu. Nếu tuyên truyền, vận động và có chế tài để các quán nói không với việc kinh doanh chim trời, động vật hoang dã thì có thể ngăn ngừa", anh Tùng Bùi nêu ra nguyên nhân của vấn đề.

"Nguyện cầu cho những người làm nghề săn bắn mau sớm tỉnh ngộ, dừng lại ngay hành vi tội lỗi này", độc giả Vũ Hải viết.

Còn theo độc giả Hai Yen, tình trạng trên không chỉ xảy ra ở khu vực huyện Quốc Oai mà còn xuất hiện ở một khu vực rất gần trung tâm thủ đô là đoạn tuyến đường vòng xoay dưới chân cầu Chương Dương.

"Đề nghị cơ quan chức năng lập đường dây nóng, phổ biến rộng rãi để kịp thời phản ánh. Vài năm nay, thi thoảng tôi thấy người bẫy chim bán cò, vạc dưới chân cầu Chương Dương mà không biết báo cơ quan nào để xử lý. Nhìn đám chim co ro trong lồng buồn thiu, trông rất thương mà không làm được gì cả.

Ba tôi kể ngày xưa đất của ông bà ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) rất rộng, quanh nhà ken dày tre, rất nhiều loại chim cư trú, có cả rắn. Tuy nhiên, cụ và ông tôi cấm con cháu không được lấy trứng chim, không được làm hại chim", độc giả này chia sẻ.

Bật khóc, hối hận vì tuổi thơ chuyên đặt bẫy, săn bắt chim trời - 2

Tiểu thương ra giá 700.000 đồng cho một con chim diệc xanh khoảng 1,2kg (Ảnh: Khôi Vũ).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết một trong những nguyên nhân dẫn tới việc khó xử lý là do các tiểu thương không phải người địa phương, buôn bán không cố định nên khó xử lý triệt để. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy không thực sự thuyết phục bởi lý do này.

Họ cho rằng nếu chính quyền thực sự quyết liệt, mạnh tay và áp dụng những chế tài nghiêm khắc nhất, tình trạng trên hoàn toàn có thể bị loại bỏ.

"Sao lại khó xử đến vậy? Cứ phạt tiền, tịch thu các phương tiện, dụng cụ dùng để buôn bán chim, đánh mạnh vào kinh tế là xong hết. Quan trọng có làm mạnh và triệt để hay không thôi", chị Thuy Nguyen nêu quan điểm. Trả lời bình luận phía dưới, chủ tài khoản Dân Ta đồng tình và đặt câu hỏi rằng, rất nhiều việc khó hơn mà chính quyền còn làm được, vậy tại sao chỉ có vài người bẫy chim, bán chim lại không thể xử lý dứt điểm?

Có chung sự bức xúc, người dùng Trương Thanh Bình bình luận: "Để vi phạm tồn tại kéo dài tại địa bàn mình phụ trách mà không kịp thời phát hiện, xử lý thì chính quyền địa phương, kiểm lâm, cảnh sát kinh tế, môi trường và các cơ quan chức năng khác phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Không thể cứ để người dân, báo chí phản ánh sai phạm rồi lãnh đạo các cơ quan mới biết và hứa kiểm tra, xử lý".

"Thời buổi công nghệ thông tin, Chính phủ đã quản lý công dân bằng căn cước gắn chíp. Thông tin mỗi người được số hóa, pháp luật cũng quy định rất rõ về việc xử lý các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm. Vậy mà chính quyền địa phương đưa ra những lý do như trên để biện hộ cho việc không thể dẹp tình trạng buôn bán chim ở địa phương là không thể chấp nhận được", thêm một ý kiến bất bình từ độc giả Tuyến Vo trước thực trạng "tận diệt chim trời" đang xảy ra hiện nay.

"Khó ở chỗ nào, có ông nào làm đâu mà kêu khó?", "Tôi thấy hoạt động diễn ra công khai lắm. Rồi nếu trình báo rõ ràng thời gian, địa điểm mà không xử lý hoặc không xử lý kịp thời thì ai là người chịu trách nhiệm?", "Tại làm không nhiệt tình, làm gì cũng nhiệt tình thì việc gì cũng xong thôi", "Nhìn mấy chiếc xe máy chở lồng to tướng đỗ trên đường vậy mà kêu khó xử lý?", "Hà Nội bây giờ vẫn để thế này, sao tuyên truyền được các tỉnh khác?"… nhiều độc giả khác bình luận.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm