Bảo vệ "giăng bẫy" barie bắt cướp: Sẽ ra sao nếu tên cướp thương vong?

Khả Vân

(Dân trí) - Bên cạnh cơn mưa lời khen dành cho hành động dũng cảm của nhóm bảo vệ Phú Mỹ Hưng giăng barie bắt cướp, một số bạn đọc thắc mắc, lỡ tên cướp thương vong, những người bảo vệ có vướng vòng lao lí?

Sự việc bảo vệ Phú Mỹ Hưng chặn bắt cướp bằng barie đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong những ngày qua. Được biết, trước đó biện pháp này đã được tổ bảo vệ nhiều lần dùng để bắt cướp.

Bảo vệ giăng bẫy barie bắt cướp: Sẽ ra sao nếu tên cướp thương vong? - 1

Clip ghi cảnh nhân viên bảo vệ "giăng bẫy" bắt kẻ cướp iPhone trên đường.

Sau khi clip quay lại cảnh các nhân viên bảo vệ giăng barie đón lõng, bắt gọn kẻ cướp được đăng tải, nhiều bạn đọc Dân trí đã bày tỏ sự ủng hộ, tán thưởng hành động của các anh. Bạn đọc Trần Bá Hưng viết: "Nếu chỉ xem clip mà không đọc bài báo thì tôi lại nghĩ là họ đang quay cảnh cho bộ phim nào đó. Xuất sắc, rất cảm ơn các anh bảo vệ. Các anh là những người dũng cảm chấp nhận rủi ro để bắt cướp, mang lại bình an cho xã hội".

"Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao độ của đội bảo vệ tại đây. Cảm ơn các anh đã góp phần làm giảm tệ nạn cướp giật. Tuy nhiên tôi cũng xin góp một ý nhỏ, đó là giữa 2 barie chắn ngang, ta treo 1 tấm lưới (kiểu có mắc lưới to như lưới bóng đá) để kẻ cướp giật không dừng lại, tự tông vào mắc lại cả người và xe, nhân viên bảo vệ được an toàn và nhanh chóng tóm gọn kẻ gian, đồng thời không tác động đến người và xe kẻ cướp giật", bạn đọc Thái Minh bày tỏ.

Bảo vệ giăng bẫy barie bắt cướp: Sẽ ra sao nếu tên cướp thương vong? - 2

Bảo vệ khu đô thị Phú Mỹ Hưng giăng barie để đón lõng kẻ cướp (Ảnh cắt từ clip).

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, bắt trộm cướp là hành động tốt, nhưng với cách thức như bảo vệ khu Phú Mỹ Hưng đã làm thì trong trường hợp tên cướp thương vong, những người bảo vệ có vướng vào lao lí không? "Rồi con cái, gia đình của những bảo vệ đó sẽ ra sao. Mấy anh, mấy chú nên nghĩ điều đó trước. Mình có nhiều cách để bắt mà, ghi lại biển số xe cũng là một cách, rồi nay camera đầy ra, nó chạy cũng khó thoát", bạn đọc Nguyễn Quang nêu vấn đề.

Giải đáp băn khoăn này của bạn đọc, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, việc làm của bảo vệ Phú Mỹ Hưng là vì sự bình yên của người dân sinh sống trên địa bàn, góp phần đấu tranh hiệu quả với tình trạng cướp giật xảy ra phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về khả năng thương vong của kẻ cướp, Luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm: "Quan sát clip có thể thấy tấm barie được giăng ra từ trước chứ không phải là hành động gây bất ngờ, vì thế các phương tiện đều đã dừng lại. Bản thân tên cướp cũng có quyền lựa chọn dừng hoặc tông, hành động tông thẳng cho thấy chúng quyết tâm thoát bằng mọi giá, không màng tính mạng bản thân cũng như mọi người".

Tuy nhiên, trong trường hợp chẳng may kẻ cướp bị thương vong, nhóm bảo vệ Phú Mỹ Hưng có tránh khỏi vòng lao lý hay không thì cần phân tích sâu hơn về góc độ pháp lý.

Nếu kẻ cướp thương vong, nhóm bảo vệ Phú Mỹ Hưng có bị liên đới pháp luật?

Luật sư Lực cho rằng, có thể thấy, trong vụ việc này hành vi kéo barie để cản kẻ cướp của nhóm bảo vệ Phú Mỹ Hưng là ở trong hoàn cảnh ngăn chặn việc trốn chạy của tên cướp. Nếu kẻ cướp tử vong thì hậu quả trong vụ việc là rất lớn, thể hiện tổn thất tính mạng con người và mất mát rất nhiều cho gia đình nạn nhân.

Bảo vệ giăng bẫy barie bắt cướp: Sẽ ra sao nếu tên cướp thương vong? - 3

Bảo vệ khu đô thị Phú Mỹ Hưng khống chế các nghi phạm (Ảnh cắt từ clip).

Theo đó, để xác định hành vi phạm tội của nhóm bảo vệ cần phải căn cứ vào những dấu hiệu cấu thành tội phạm trong các tội xâm phạm đến tính mạng con người được quy định trong các điều tại chương XIV Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ nhất, việc chặn xe một người vừa cướp giật tài sản không phải là hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, ý thức của nhóm người thực hiện hành vi chỉ muốn ngăn chặn việc trốn chạy của một đối tượng phạm tội. Ở đây không tồn tại ý thức cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân, mà trong ý thức của người thực hiện hành vi chỉ thể hiện hành động có tính nghĩa hiệp, ngăn chặn sự chạy trốn và mong muốn giành lại tài sản bị cướp giật cho người bị hại. Do đó, ở đây không đủ dấu hiệu cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, việc kéo barie khiến kẻ cướp ngã xuống đường trong lúc đối tượng này phóng xe với tốc độ nhanh, thể hiện khả năng rất cao có thể dẫn đến chết người. Nhóm bảo vệ ý thức điều này nhưng lại đứng trước hoàn cảnh không thể lựa chọn biện pháp khác nên buộc phải làm vậy với đối tượng vừa có hành vi cướp giật tài sản để ngăn chặn việc chạy thoát.

Như vậy, nhóm bảo vệ ý thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng buộc phải lựa chọn việc thực hiện hành vi đó nhằm mục đích đấu tranh chống lại hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người khác. Hơn nữa, không đủ căn cứ để chứng minh nhóm bảo vệ cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 nên không thể xác định hành vi của nhóm bảo vệ được thực hiện một cách vô ý. Vì vậy, hành vi của họ không đủ dấu hiệu cấu thành tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ ba, nhóm bảo vệ trong trường hợp này không thuộc chủ thể thực hiện nhiệm vụ công theo nghề nghiệp, do công tác như công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, hải quan, đồng thời, nhóm bảo vệ thực hiện hành động kéo barie cản tên cướp không phải trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cũng không phải trong trường hợp đang cùng với người có nhiệm vụ cùng thực hiện một nhiệm vụ công (Ví dụ: người này tự nguyện cùng với công an đuổi bắt cướp, hoặc được công an đề nghị giúp đỡ việc bắt cướp…).

Hiện nay, việc người dân tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân như đuổi bắt trộm, cướp, phòng chống tham nhũng… chưa được quy định là hành vi thực hiện nhiệm vụ công. Như vậy, hành vi của nhóm bảo vệ không được coi là hành vi thuộc trường hợp đang thi hành công vụ, thế nên, không phải là dấu hiệu cấu thành "tội làm chết người trong khi thi hành công vụ" theo Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ tư, trong trường hợp này hành vi cướp giật tài sản được thực hiện đối với một người phụ nữ qua đường, không phải cướp giật tài sản của nhóm bảo vệ hoặc người thân thích của họ, do đó hành động của nhóm bảo vệ không phải là dấu hiệu cấu thành tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 Bộ luật Hình sự.

Thứ năm, hành vi cướp giật tài sản của đối tượng đã hoàn thành, do đó việc kéo barie không mang tính chất "phòng vệ". Bởi vì, hành vi có tính phòng vệ chỉ đặt ra khi kẻ cướp đang có hành vi vi phạm pháp luật, nghĩa là hành vi cướp giật đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Do vậy, không thể xác định đây là hành vi "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" theo Điều 22 Bộ luật Hình sự.

Vì vậy theo Luật sư Lực, nếu xảy ra trường hợp kẻ cướp tử vong thì hành vi của nhóm bảo vệ Phú Mỹ Hưng đã vi phạm điều 126 Bộ luật Hình sự quy định về hành vi giết người do "vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội". Theo đó, giết người trong trường hợp do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là hành vi của người tiến hành bắt giữ người phạm tội, đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết làm cho người bị bắt giữ chết.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX, cho rằng, trong vụ việc này nếu đối tượng cướp giật sau khi va vào barie nhựa dẫn đến thương tích nặng hoặc tử vong thì những người bảo vệ có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do "vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội", theo điều 136 của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm

Thậm chí trong quá trình bắt giữ người phạm tội mà lực lượng bảo vệ gây thiệt hại tài sản, sức khỏe cho người dân tham gia giao thông thì những người bảo vệ còn phải có trách nhiệm bồi thường.