Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam: Vô cảm!

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Tý, sinh năm 1946, hiện sống tại thôn An Khoái, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, Hà Nam đã nhiều lần ngược xuôi bằng xe ôm lên Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hà Nam xin giải quyết chế độ nhưng không được ai quan tâm đúng mức…

Những căn cứ gốc

Bà Nguyễn Thị Tý được Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) tuyển dụng vào làm công nhân Xí nghiệp Gạch ngói Bình Lục theo quyết định số 14/UB ký ngày 17/5/1970. Bà đã gắn bó với chức danh công nhân xí nghiệp gạch Bình Lục liên tục đến tháng tháng 9/1987.
 
Bà Tý tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam ngày 2/7/2013
Bà Tý tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam ngày 2/7/2013

Vào thời điểm này, để giải quyết khó khăn chung, Chính phủ đã thực hiện chính sách giảm biên chế đối với lao động dư thừa và bà Nguyễn Thị Tý thuộc trong diện này. Để giảm khó khăn cho ngân sách, bà Tý phải về nghỉ theo chế độ mất sức lao động từ tháng 9/1987. Theo Quyết định số 38/UB do Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh ký ngày 10/8/1987, Bà Nguyễn Thị Tý được nghỉ chế độ mất sức lao động hưởng lương BHXH kể từ ngày 01/9/1987.

Quyết định ghi rõ, thời gian công tác liên tục là 17 năm, lương hưởng 42% là 115,00 đồng (một trăm mười lăm đồng) trong thời gian 8 năm 6 tháng. Sổ trợ cấp mất sức lao động của bà Tý cũng được ghi đúng nội dung trên và bà cũng đã ký nhận hưởng lương trợ cấp từ tháng 9/1987 đến tháng 2/1996 thì bị cắt trợ cấp.

Để bù đắp lại phần nào thiệt thòi của những lao động bị tinh giảm biên chế giai đoạn 1986 - 1990, ngày 6/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 613/QĐ - TTg về việc trợ cấp hàng tháng cho những người có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã bị cắt chế độ trợ cấp mất sức lao động.

Tất cả đều vô cảm

Căn cứ Quyết định 613, ngày 28/7/2010, bà Nguyễn Thị Tý làm đơn gửi BHXH tỉnh Hà Nam đề nghị được giải quyết chế độ theo Quyết định 613 của Thủ tướng nhưng không được trả lời.

Ngày 1/3/2013, bà Tý tiếp tục làm đơn gửi BHXH huyện Bình Lục (Hà Nam) kèm hồ sơ tài liệu gốc chứng minh thời gian làm việc nhưng không nhận được văn bản hồi âm. Ấm ức với cách làm việc thiếu tôn trọng người lao động, bà trực tiếp tới BHXH tỉnh Hà Nam đề nghị được xem xét lại hồ sơ và trả lời bằng văn bản. Ngày 21/3/2013, ông Trịnh Văn Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Nam có văn bản trả lời bà Nguyễn Thị Tý, khẳng định, bà chỉ có thời gian công tác thực tế là 13 năm 5 tháng được tính từ tháng 5/1972 đến 9/1985 nên không được giải quyết theo chế độ 613.

Căn cứ duy nhất mà cơ quan BHXH tỉnh Hà Nam lưu trữ có được là phiếu trợ cấp mất sức và QĐ số 732/QĐ ngày 2/8/1985 của UBND huyện Bình Lục. Như vậy toàn bộ hồ sơ gốc mà bà Nguyễn Thị Tý gửi kèm đến cơ quan BHXH tỉnh Hà Nam gồm Quyết định tuyển dụng vào biên chế ký ngày 17/5/1970, QĐ số 38/UB ngày 10/8/1987 của UBND huyện Bình Lục và sổ trợ cấp mất sức lao động ký ngày 10/8/1987 đã không được BHXH tỉnh Hà Nam xem xét.

Theo bà Nguyễn Thị Tý, những căn cứ và cách làm việc của cơ quan BHXH tỉnh Hà Nam là thiếu chính xác và vô cảm trước nỗi vất vả của người lao động. Bà có quyết định tuyển dụng vào biên chế tháng 5/1970 và chính thức nhận trợ cấp từ tháng 9/1987 theo sổ trợ cấp do Chủ tịch huyện Bình Lục ký. Nếu không có hồ sơ lưu, BHXH tỉnh Hà Nam chỉ cần xem xét 2 yếu tố trên là đủ căn cứ để giải quyết cho bà nhưng các yếu tố này không được xem xét đến. Bà Tý khẳng định, bà thừa điều kiện để được hưởng chế độ trợ cấp theo quyết định 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng không được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Tý đã bước qua tuổi 68 với sức khỏe yếu và không có lương hưu nên đang mong muốn nhận được trợ cấp theo QĐ 613 của Thủ tướng để đỡ thiệt thòi những năm tháng lao động đóng góp chung cho xã hội, sống nốt những năm tháng cuối đời. Bà đã nhiều lần lặn lội đến BHXH tỉnh Hà Nam đề nghị xem xét hồ sơ của cá nhân bà một cách chi tiết nhưng không được cán bộ nào quan tâm. Nhiều lần, bà chỉ nhận được câu trả lời từ cán bộ tiếp dân rằng “không đủ thời gian nên không giải quyết” mà chẳng có văn bản giấy tờ gì, hồ sơ gửi sao họ trả lại nguyên hiện trạng như vậy.

Quyết định 613/QĐ - TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bù đắp phần cho những lao động diện giảm biên chế những năm 1986 - 1990, là một quyết định hợp lòng dân. Tuy nhiên, khi thực thi quyết định, những cán bộ của cơ quan BHXH tỉnh Hà Nam đã lạm quyền, vô cảm. Không biết, ngoài trường hợp của bà Nguyễn Thị Tý, mỏi mòn chờ chế độ ở tuổi 68, liệu còn bao nhiêu trường hợp ở tỉnh Hà Nam bị những cán bộ mang tâm hồn vô cảm cản trở, gây khó khăn? Dư luận rất cần câu trả lời!.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc