Bao giờ chấm dứt tình trạng loạn sách tham khảo?

Đánh vào tâm lý lo thi của học sinh, nhiều nhà xuất bản xem việc xuất bản sách tham khảo là “mảnh đất màu mỡ”, đem lại lợi nhuận cao, bất chấp chất lượng và những hệ lụy do chúng gây nên.

Đây là một trong những lý do khiến cho thị trường sách tham khảo phát triển sôi động trong thời gian qua thể hiện ở sự đa dạng, phong phú về chủng loại và cách trình bầy, nhưng về chất lượng còn nhiều điều đáng bàn.

Ăn theo những nhà xuất bản là những cơ sở kinh doanh bán sách. Họ bầy bán la liệt các loại sách tham khảo trong các trung tâm sách và thiết bị trường học trực thuộc Sở, các phòng GD&ĐT hay trong các nhà sách, cửa hàng sách tư nhân. Đã qua rồi thời kỳ sách tham khảo xuất bản kiểu “nhỏ giọt”, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các lớp học sinh cuối cấp nhằm ôn luyện, nâng cao kiến thức, hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh giỏi. Hiện nay, sách tham khảo có đủ ở tất cả các bậc, cấp học, từ Tiểu học đến Cao đẳng, Đại học và Sau đại học. Ngay cả đối với học sinh lớp 1 cũng có hàng loạt các đầu sách tham khảo, thoả sức lựa chọn: “Giải Toán lớp 1”; “Bài tập Toán nâng cao lớp 1”; “Toán chọn lọc lớp 1”; “Em học Tiếng Việt lớp 1”; “Luyện chữ lớp 1”…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Qua tìm hiểu ở một số nhà sách có quy mô, không khó để nhận thấy sách tham khảo bạt ngàn trên các giá sách với đầy đủ chủng loại, kiểu dáng, được trình bày bìa khá bắt mắt. Trong khi, sách giáo khoa chỉ chiếm một khoảng không gian khiêm tốn. Một điều dễ nhận thấy khi tìm hiểu các đầu sách tham khảo ở các nhà sách nêu trên là: càng lên các lớp cao, số lượng các đầu sách tham khảo càng nhiều, nhất là đối với các lớp cuối cấp học. Chẳng hạn: môn Toán lớp 5 có 14 đầu sách, môn Ngữ văn lớp 9 có 24 đầu sách, môn Toán lớp 12 có 19 cuốn, môn Tiếng Anh lớp 12 có 21 cuốn. Nhiều hơn cả là các chủng loại sách: “Để học tốt”, “Giải bài tập”, “Các bài văn mẫu”.

Trong thời gian qua, khi Bộ GD&ĐT chủ trương thi trắc nghiệm đối với môn Ngoại ngữ và một số môn tự nhiên, đã xuất hiện tình trạng “ăn theo” của nhiều nhà xuất bản. Rất nhiều đầu sách tham khảo cho từng môn thi trắc nghiệm được các nhà xuất bản tung ra thị trường với lời “quảng cáo” trong phần giới thiệu là: “Thiết thực đối với học sinh trong việc rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm”. Ngay cả đối với các môn Khoa học xã hội như: Ngữ Văn, Lịch sử, Địa Lý là những môn học mà Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương thực hiện thi trắc nghiệm trong những kỳ thi quan trọng, số lượng các đầu sách phục vụ cho thi trắc nghiệm cũng không phải là nhỏ.

Mặc dù đa dạng, phong phú về chủng loại song chất lượng sách tham khảo hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều đầu sách tham khảo “đội lốt” dưới các tên gọi khá “kêu” như: “Để học tốt”, “Rèn luyện kỹ năng giải bài tập”… thực chất là lấy bài tập, đề bài, các câu hỏi phần hướng dẫn học bài, phần luyện tập trong SGK để giải mà không có phần hướng dẫn hay gợi ý để học sinh tự làm bài. Hiện tuợng các loại sách tham khảo có nội dung na ná giống nhau do cùng một người hoặc một nhóm tác giả biên soạn được các nhà xuất bản khác nhau phát hành không phải là hiếm. Trong số các loaị sách tham khảo, sách tham khảo môn Ngữ văn chiếm số lượng lớn các đầu sách, nhiều hơn cả vẫn là sách giới thiệu các bài văn mẫu, các bài văn chọn lọc. Trong những loại sách kiểu này, rất hiếm có những cuốn sách có kèm câu hỏi, lời bình luận, nhận xét hay gợi ý, định hướng để học sinh rút ra thu hoạch từ đó mà biết cách viết những bài văn của riêng mình. Và vì thế, nhiều học sinh tìm mua những cuốn sách tuyển chọn các bài văn mẫu chỉ để làm “phao”, làm tài liệu quay cóp khi gặp những đề văn tương tự. Điều này vô hình trung đã góp phần gia tăng sức ì, tạo tâm thế ỷ lại vào tài liệu trong thi và kiểm tra môn Ngữ văn của học sinh. Các cuốn sách tham khảo phục vụ cho các môn thi sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan hiện nay cũng đang “có vấn đề”. Trong một số cuốn, nhiều câu hỏi chỉ nhằm tái hiện những kiến thức tủn mủn, vụn vặt, thiếu trọng tâm. Tình trạng chọn “nhầm” các phương án trong đáp án trả lời hay đưa ra nhiều phương án trả lời đúng trong một câu hỏi đã gây ra không ít bối rối, khó khăn trong quá trình sử dụng của học sinh.

Tình trạng “nở rộ” của thị trường sách tham khảo kéo theo đó là những hạn chế, tồn tại trong chất lượng, nội dung các loại sách tham khảo hiện nay một phần lớn bắt nguồn từ sự bất cập trong công tác quản lý. Sách tham khảo dùng cho giáo viên và học sinh tất nhiên thuộc lĩnh vực giáo dục nhưng Bộ GD&ĐT lại không có chức năng quản lý chất lượng nội dung của chúng. Cục xuất bản được giao nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực xuất bản nhưng lại không chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản của các ấn phẩm. Trách nhiệm vè nội dung xuất bản thuộc về nguời đứng đầu các nhà xuất bản. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà chủ yếu là vì lợi nhuận, hàng năm vào dịp đầu năm học, các nhà xuất bản vẫn cho ra đời hàng loạt đầu sách tham khảo, trong đó có những đầu sách kém chất lượng. Việc phát hiện, xử lý những vi phạm về chất lượng của các ấn phẩm còn gặp khó khăn bởi có quá nhiều đầu sách. Các chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe, chủ yếu mới dừng lại ở phạt hành chính.

Qua thực tiến cho thấy, đối với những học sinh có học lực trung bình khá trở lên, nếu biết sử dụng đúng phưong pháp và nhất là biết lựa chọn những cuốn phù hợp, có chất lượng, sách tham khảo sẽ giúp các em củng cố nâng cao “nền” kiến thức. Nhưng đối với học sinh có học lực trung bình hay yếu kém lại không có phương pháp sử dụng sách tham khảo thì hầu như không phát huy được tác dụng, thậm chí còn gây ra những hệ lụy phản tác dụng. Bởi, khi học sinh lệ thuộc quá nhiều vào sách tham khảo, nhất là các cuốn sách “Giải bài tập” tất yếu sẽ dẫn đến việc các em không nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Nghiêm trọng hơn, có thể gây tâm lý chán nản, mất phương hướng, hứng thú trong học tập. So với sách giáo khoa, sách tham khảo thường có giá bán cao hơn từ 4-5 lần, có cuốn cao hơn đến gần 10 lần. Và như thế, cứ vào dịp đầu năm học mới, cùng với gánh nặng của các khoản đóng góp như: Sách giáo khoa, học phí, đồng phục… các bậc phụ huynh lại phải chi một khoản đáng kể để mua sách tham khảo cho con em. Nên chăng, trong điều kiện “loạn” sách tham khảo hiện nay, nhà trường và các bậc phụ huynh cần có những tư vấn cần thiết cho học sinh trong việc tìm mua sách tham khảo. Điều quan trọng là mỗi học sinh cần căn cứ vào lực học của bản thân để lựa chọn những cuốn sách tham khảo phù hợp và nhất là phải biết sử dụng đúng phương pháp, tránh tình trạng” tiền mất, tật mang” khi mua phải những cuốn sách không cần thiết mà còn gây phản tác dụng, nhưng được in rất đẹp và quảng cao rôm rả nhằm thu được nhiều lợi nhuận, chứ đâu có phải để phục vụ học sinh với ý đồ tốt đẹp.

 

Bùi Minh Tuấn
Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí - Tình trạng “loạn sách tham khảo” là một lỗ hổng đáng lưu tâm trong công tác quản lý xuất bản và quản lý giáo dục nói chung. Rất đáng tiếc nhiều nhà xuất bản chạy theo đồng tiền mà xuất bản bừa bãi. Báo VnExpress đã nêu lên một vụ điển hình là một quan chức của Bộ Giáo dục-Đào tạo - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông đã chủ biên 8 cuốn sách từ Toán, Tin, Lý, Hóa cho đến Văn, Địa, Anh văn… thì thử hỏi làm sao người ta không đặt dấu hỏi về chất lượng những cuốn sách như vậy.

Lập lại trật tự trong việc xuất bản sách tham khảo là nhiệm vụ của các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Không thể để cho tình trạng chạy theo đồng tiền của một số nhà xuất bản mà ảnh hưởng xấu đến chất lượng và kết quả học tập của hàng triệu học sinh, làm méo mó phương pháp học tập và gây thêm tình trạng học quá tải vốn đã nặng nề đối với số đông học sinh.

Các bậc phụ huynh cũng nên thận trọng khi mua sách tham khảo cho con em mình kẻo dễ dàng rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” như lời cảnh báo của tác giả bài viết trên đây.