Theo nội dung văn bản số 305 - BC/BTGTU báo cáo khái quát báo chí phản ánh các vụ việc bức xúc liên quan đến TP. Hà Nội đề ngày 1/11/2012, do Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long ký gửi: Đồng chí Phạm quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội... Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã báo cáo hàng loạt vụ gây bức xúc dư luận thời gian qua, trong đó có 2 vụ việc được báo Dân trí phản ánh qua các loạt bài “Hơn 20 năm sống cơ cực vì không được cấp sổ đỏ giữa thủ đô” và “Hà Nội: chuyện “kỳ cục” trong xử lý vi phạm tại quận Hoàn kiếm”.
Văn bản báo cáo Bí thư Thành ủy của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Văn bản số 305 - BC/BTGTU nêu rõ: Bài báo “Hơn 20 năm sống cơ cực vì không được cấp sổ đỏ giữa Thủ đô” đăng trên Dân trí, ngày 29/10/2012 phản ánh: Được xã Dịch Vọng cấp đất từ năm 1990, hàng năm hơn 10 hộ dân đều nộp thuế theo quy định, nhưng đã 21 năm qua trôi qua, các gia đình Khu tập thể giáo viên Tổ 57 phường Dịch Vọng chưa được cấp sổ đỏ. Do vậy, quyền lợi tối thiểu mà các hộ dân mơ ước đến tấm sổ đỏ vẫn là thứ xa vờ, nhiều gia đình muốn sửa chữa lại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp cũng không được chính quyền “bút phê”. Báo Dân trí Đề nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng nhà nước khẩn trương quan tâm giải quyết những quyền lợi chính đáng của người dân.
Cả khu tập thể giáo viên Tổ 57 phường Dịch Vọng "trắng" sổ đỏ
Bài “Hà Nội: chuyện “kỳ cục” trong xử lý vi phạm tại quận Hoàn Kiếm” đăng trên Dân trí, ngày 28/10/2012 phản ánh: Sau bài viết phản ánh việc quận Hoàn Kiếm không thực hiện việc cưỡng chế đối với các hạng mục vi phạm ở nhà 18 Ngô Quyền đăng trên báo Dân trí, ngày 25/10/2012, Chánh văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn đã ký công văn số 927/UBND - VP gửi báo Dân trí thông báo việc cưỡng chế các hạng mục sai phạm kéo dài nhiều năm tại nhà số 18 Ngô Quyền mà báo Dân trí phản ánh trong nhiều bài viết.
Tuy nhiên, sau khi triển khai xong kế hoạch tổ chức cưỡng chế, UBND phường Tràng Tiền nhận được đơn của bà Vũ Thị Hồng ở 18 Ngô Quyền, đề nghị UBND phường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc thực hiện cưỡng chế vào ngày 26/10/2012, với lý do: Ngày cưỡng chế đúng vào ngày giỗ mẹ đẻ của bà Vũ Thị Hồng.
Đón nhận quyết định tạm dừng bất ngờ của Chủ tịch tịch UBND phường Tràng Tiền, các hộ gia đình sinh sống tại nhà 18 Ngô Quyền tỏ ra rất bức xúc. Theo phản ánh của các hộ dân, đây là lần thứ 6 việc cưỡng chế các hạng mục sai phạm ở nhà 18 Ngô Quyền bị dừng vào phút chót khiến người dân phải đặt ra dấu hỏi về tính công tâm của chính quyền sở tại đối với những sai phạm đã rõ như ban ngày?. Những sai phạm xảy ra ở nhà số 18 Ngô Quyền rõ như ban ngày và kéo dài suốt nhiều năm, nhưng các hạng mục sai phậm vẫn hiên ngang thách thức dư luận. Trong khi đó, UBND phường Tràng Tiền và UBND quận Hoàn Kiếm lại có những quyết định “tiền hậu bất nhất” khiến cho dư luận phải đặt ra câu hỏi có hay không việc chính quyền “chống lưng” cho sai phạm tồn tại?!
Từ những sự việc báo chí phản ánh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận có vụ việc liên quan đến phản ánh của báo chí cần xử lý kịp thời, trả lời báo chí theo luật và có văn bản gửi về Ban Tuyên giáo Thành ủy (qua phòng Báo chí - Xuất bản) để Ban kịp thời định hướng thông tin báo chí và báo cáo Thường trực Thành ủy chỉ đạo.
Xin được nhắc lại, liên quan đến những sai phạm xảy ra tại nhà số 18 Ngô Quyền, từ năm 2009 đến nay, Thanh tra TP. Hà Nội và UBND TP. Hà Nội đã ký hàng loạt kết luận và văn bản chỉ đạo xử lý sai phạm tồn tại kéo dài ở số 18 phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền.
Công trình sai phạm ở 18 Ngô Quyền vẫn thách thức dư luận (Ảnh: Ngọc Cương)
Ngày 15/9/2009, kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội số 1749/KL-TTTP (P2) nêu rõ: Trong quá trình thi công xây dựng, hộ bà Vũ Thị Hồng đã thi công không phép và không đúng giấy phép của UBND quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra còn vi phạm nhiều hạng mục khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân ở cùng số nhà.
Đến ngày 17/3/2010, UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 68/TB-UBND yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm phải xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, kinh doanh ăn uống trái phép mất vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh rượu bia, thuốc lá tại vỉa hè, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại 18 Ngô Quyền.
Ngày 15/12/2010, UBND TP. Hà Nội có công văn số 10219 do Phó Chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình ký gửi UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ: Việc UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tạm thời cho tồn tại sử dụng trần bê tông trên tầng 2 nhà 18 Ngô Quyền là chưa xử lý dứt điểm sự việc theo thẩm quyền. UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm sự tồn tại về mặt pháp lý của hạng mục công trình nêu trên.
Ngày 6/1/2012, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 104/UBND-BTCD Yêu cầu: UBND quận Hoàn Kiếm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, tập trung giải quyết dứt điểm những hạng mục xây dựng sai phép, không phép đối với hộ bà Vũ Thị Hồng theo kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 68/TB-UBND ngày 17/3/2010; báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy và UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 25/2/2012.
Ngày 16/7/2012, UBND quận Hoàn Kiếm ra thông báo số 125/TB-UBND về việc thực hiện triệt để thông báo số 68/TB-UBND của UBND TP. Hà Nội và Quyết định 4382/QĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về xử lý vi phạm trật tự tại số 18 phố Ngô Quyền.
Tuy nhiên, cho đến lúc này những sai phạm ở nhà 18 Ngô Quyền vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương