Bài 1:

Hơn 20 năm sống cảnh cơ cực vì không được cấp sổ đỏ giữa Thủ đô

(Dân trí) - Được xã Dịch Vọng cấp đất từ năm 1990, hàng năm người dân đều thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Nhưng đã 21 năm trôi qua, các gia đình khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng chưa được cấp sổ đỏ, không được sửa chữa dù nhà xuống cấp.

Theo đơn đề nghị của 11 hộ gia đình cư trú ổn định ở khu tập thể giáo viên tổ 57 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội gửi đến báo Dân trí phản ánh: Khu tập thể giáo viên Tổ 57 được hình thành từ cuối năm 1990, các hộ gia đình đều có quyết định cấp đất của Chủ tịch UBND xã Dịch Vọng khi đó là ông Nguyễn Mạnh Hiến. Kể từ khi được cấp đất, hàng năm các hộ gia đình đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định Nhà nước. Nhưng suốt 21 năm qua, quyền lợi tối thiểu mà các hộ dân mơ ước đến tấm sổ đỏ vẫn là thứ xa vời, nhiều gia đình muốn sửa chữa lại ngôi nhà cấp 4 đang xuống cấp cũng không được chính quyền “bút phê”.
 
Người dân khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng chưa được xác lập
Người dân khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng chưa được xác lập
"chủ quyền" trên tài sản của chính mình

Qua tìm hiểu thực tế được biết, cuối năm 1990, UBND xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội trước đây có chủ trương cấp đất làm nhà ở cho tập thể giáo viên tại tổ 57. Theo quyết định cấp đất được ký bởi Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hiến, có 11 hộ gia đình được cấp đất ở lâu dài tại khu đất thuộc tổ 57, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy ngày nay.

Theo quyết định phân đất số 24/QĐ-UB ký ngày 10/12/1990 của UBND xã Dịch Vọng, cả xã có 16 hộ gia đình được cấp đất, trong đó có 8 hộ được cấp đất tại tổ 57 gồm: Phan Đăng Tiện, Phạm Đức Hy, Vũ Thị Liên, Bùi Thị Phiến, Đặng Thị Kim Thoa, Phạm Thị Kim Liên, Hoàng Thị Bản, Triệu Đức Thâm. Đến ngày 31/1/1991, UBND xã Dịch Vọng tiếp tục ký quyết định cấp đất cho 2 cán bộ khác là Lê Văn Thư, Vũ Đức Ngân. Ngày 17/11/1992, UBND xã Dịch Vọng ban hành thêm quyết định cấp đất cho ông Nguyễn Minh Yến.
 
Quyết định cấp đất của xã Dịch Vọng cho 8 hộ đợt đầu ký tháng 12/1990
Quyết định cấp đất của xã Dịch Vọng cho 8 hộ đợt đầu ký tháng 12/1990

Kể từ khi được cấp đất và xây nhà đến nay, chưa có gia đình nào sang nhượng, mua bán. Hàng năm, tất cả 11 hộ gia đình tđều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của nhà nước, nghiêm túc thực hiện quy định ghi trong quyết định cấp đất của chính quyền địa phương. Trong bản đồ địa chính của phường Dịch Vọng cũng thể hiện rõ phần đất mà 11 hộ gia đình đang sử dụng ổn định từ cuối năm 1990 đến nay.

Vào các năm 1997 và 2003, các hộ gia đình sinh sống tại khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng đã nộp đơn đề nghị UBND phường Dịch Vọng làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, bởi đây là khối tài sản hợp pháp của các hộ và được Nhà nước công nhận. Nhưng mong muốn của các hộ dân đã không được chính quyền sở tại giải quyết với lý do, khu nhà tập thể các hộ dân đang ở nằm trong dự án đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng.

Nhận được thông tin từ UBND phường Dịch Vọng, các hộ dân khu tập thể giáo viên tổ 57 mới đi tìm hiểu thông tin về dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng được TP. Hà Nội phê duyệt vào ngày 14/8/2000. Trong dự án được phê duyệt, Công ty Kinh doanh nhà số 3 thuộc Sở Địa chính nhà đất Hà Nội, nay chuyển thành Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng. Thời gian hoàn thành dự án được quy định kéo dài từ quý IV/2000 đến quý IV/2005.
 
Hàng năm các hộ gia đình đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế
Hàng năm các hộ gia đình đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế

Theo ghi nhận, đến thời điểm này Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã thực hiện xong phần lớn các hạng mục thuộc dự án, đã bán và đưa vào sử dụng nhà từ trước năm 2005. Riêng khu đất thuộc lô C dự án, nơi 11 hộ dân khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng đang sử dụng vẫn “giậm chân tại chỗ” và chưa có dấu hiệu sẽ triển khai ở thì tương lai gần.

Khi công trình xây dựng lô C dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng bị “treo”, 11 hộ gia đình với hàng chục nhân khẩu khu tập thể giáo viên tổ57,  phường Dịch Vọng sẽ bị đẩy vào hoàn cảnh rất khó khăn trong những ngôi nhà cấp 4 xây từ 21 năm trước. Trong lúc chủ đầu tư không đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc có triển khai tiếp dự án hay không, hàng chục lá đơn xin cấp sổ đỏ, hoặc chỉ xin sửa chữa nhà để ở cho an toàn hơn của các hộ dân đều bị thẳng thừng từ chối.
 
Trao đổi với PV Dân trí ngày 26/10/2012, tổ trưởng  tổ dân phố 57, ông Triệu Đức Thâm cho biết: “Là chủ sở hữu hợp pháp của khu đất và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, chúng tôi có quyền được ổn định cuộc sống như những khu dân cư khác. Nếu chưa xem xét cấp sổ đỏ, chính quyền cần cho người dân sửa chữa nhà để sinh hoạt cho an toàn. Hiện cả dẫy nhà đều xuống cấp nghiêm trọng, nếu xảy ra tai nạn thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?”.
 
Cả dẫy nhà xuống cấp nhưng người dân không được sửa chữa
Cả dẫy nhà xuống cấp nhưng người dân không được sửa chữa

Trong hành trình xin xác lập “chủ quyền” trên mảnh đất của chính mình kéo dài 21 năm qua, có những người đã về với thế giới bên kia như ông Nguyễn Minh Yến mà chưa thể nở nụ cười trọn vẹn. Người còn lại đã gần 90 tuổi đời như vợ chồng cựu giáo chức Phạm Đức Hy cũng chỉ có mơ ước nhỏ nhoi là được cầm trên tay cuốn sổ đỏ những ngày tháng cuối đời.

Đề nghị của 11 hộ dân sinh sống tại khu tập thể giáo viên tổ 57,  phường Dịch Vọng đưa ra đều rất cấp thiết và xứng đáng, nhưng tất cả chỉ nhận được thái độ thờ ơ từ các cơ quan chức năng. Vì vậy, trong lá đơn gửi đến báo Dân trí, các hộ gia đình sống tại khu tập thể giáo viên tổ 57 phường Dịch Vọng khẩn thiết đề nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng nhà nước khẩn trương quan tâm giải quyết những quyền lợi chính đáng của người dân.

(Còn nữa)

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương