Vụ đất vàng tranh chấp, huyện Phú Quốc vẫn cấp sổ đỏ:

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc

(Dân trí) - Ông Lê Tiến Tình cho biết, nội dung văn bản số 316 do Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh ký ngày 6/6 gửi báo Dân trí có nhiều điểm bất nhất, thật giả không phân biệt được. Ông Tình yêu cầu Chủ tịch huyện Phú Quốc tổ chức đối thoại với dân, mọi việc sẽ sáng tỏ.

Dân mong được đối thoại với Chủ tịch huyện Phú Quốc

Sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, ngày 21/6 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc. Tại buổi họp này, ông Lê Tiến Tình (xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã trình bày nổi uất ức của ông với Đoàn công tác, khi mảnh đất gia đình ông khai khẩn từ 2003, bất ngờ đến năm 2008, bà Hồ Thị Bích Phượng từ TP Hồ Chí Minh đến tranh chấp với ông. Đáng nói, mặc dù mảnh đất đang tranh chấp nhưng đến 7/2011 UBND huyện Phú Quốc lại cấp sổ đỏ cho bà Phượng.

Sau khi trình bày nội dung vụ việc với Đoàn đại biểu QH tỉnh Kiên Giang, ông Tình đã gửi đơn và toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng nhiều bài báo Dân trí phản ánh đến Đoàn đại biểu QH tỉnh Kiên Giang.

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 1

Đơn của ông Lê Tiến Tình gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang vào ngày 21/6 khi đoàn có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 2

Ông Tình bức xúc đặt câu hỏi: “Vì sao đất của tôi canh tác từ năm 2003 có cán bộ ấp và nhiều người dân có đất lân cận xác nhận lại không được UBND huyện xem xét thấu đáo. Trong khi, vào năm 2008 bà Phượng từ đâu tới tranh chấp đất với tôi. Việc này được UBND xã Bãi Thơm tổ chức hòa giải không thành, biên bản hòa giải được Phó Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm ký đóng dấu đỏ hẳn hoi... Vậy tại sao đất đang tranh chấp, UBND huyện ký cấp sổ đỏ cho bà Phượng?

Ngoài ra, ông Tình còn cho biết thêm, qua báo Dân trí ông biết được vào ngày 6/6 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh ký văn bản 316 về việc cung cấp thông tin liên quan đến báo Dân trí phản ánh. Theo ông nội dung công văn 316 có nhiều điểm bất nhất, thật giả không phân biệt được.

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 3

Cơ quan chức năng đã xác nhận nguồn gốc đất của bà Hồ Thị Bích Phượng được mua từ bà Trần Thị Cho vào năm 2002. Trong khi công văn 316 của lãnh đạo huyện Phú Quốc thì nói khác.

Cụ thể, nguồn gốc đất trong văn bản 316 đang mâu thuẫn với các văn bản xác minh nguồn gốc đất mà cơ quan chức năng huyện Phú Quốc đã xác minh và công nhận cho bà Phượng. Như vậy, nội dung nào đúng?

Mặt khác nhiều văn bản thể hiện cuộc họp vào 14/01/2009 do Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Phạm Vũ Hồng chủ trì (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) là giải quyết vấn đề tranh chấp đất giữa ông và bà Phượng; trong khi công văn 316 cho rằng đây là cuộc họp giải quyết “đơn thưa trồng cây và lấn chiếm đất” của bà Phượng gửi riêng cho UBND huyện Phú Quốc?

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 4

UBND xã Bãi Thơm công nhân hố sơ xin cấp giấy đỏ của bà Hồ Thị Bích Phượng vì tranh chấp trước kia giữa bà Phượng và ông Tình đã được UBND huyện "giải quyết" và kiến nghị ông Tình giao trả đất cho bà Phượng?

Hơn nữa, công văn 316 cho rằng, thực hiện ý kiến chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ngày 1/7/2009 Phòng TN – MT đã trao đổi với UBND xã Bãi Thơm cho rằng ông chiếm đất 2007 là vi phạm Điều 10 Nghị định 182/NĐ-CP của Chính phủ, tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm đối với ông. Ông Tình cho biết điều này là không đúng. Vì đến giờ này ông chỉ biết UBND xã Bãi Thơm lập biên bản vi phạm hành chính số 51, ngày 30/4/2012 nhưng sau đó, Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm đã hủy biên bản này.

Ông Tình nói: “Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Phạm Vũ Hồng (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) chỉ đạo Phòng TN –MT kiểm tra 03 nội dung quan trọng và chỉ đạo cụ thể là: “có biên bản làm việc rõ với UBND xã Bãi Thơm về nguồn gốc này”. Thế nhưng, công văn 316 cho thấy Phòng TN –MT chỉ đến trao đổi với UBND xã và thống nhất nội dung... Điều này, UBND huyện Phú Quốc báo cáo đúng, vì từ sau chỉ đạo ông Phạm Vũ Hồng, đến nay chưa có cán bộ Phòng TN –MT nào gặp tôi để hỏi về nguồn gốc đất tranh chấp với bà Phượng”.  

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 5

Gia đình ông Tình khai khẩn mảnh đất từ năm 2003 và trồng 1.000 cây đào, 3.000 cây tràm bông vàng... Đến nay những cây còn sống to như thế này, bỗng đâu 2008 bà Phượng đến tranh chấp đất với ông?

Ông Tình kiến nghị với Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang sớm có ý kiến với Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc tổ chức đối thoại với dân về việc cấp giấy đỏ cho bà Hồ Thị Bích Phượng để đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông. Vì mảnh đất này, gia đình ông đã bỏ công khai khẩn và canh tác liên tục gần 20 năm qua nhưng nay huyện cấp sổ đỏ cho bà Phượng là điều không thể chấp nhận được.

Diễn biến Sự việc…

Như Dân trí phản ánh, vào năm 2008 ông Lê Tiến Tình và bà Hồ Thị Bích Phượng xảy ra tranh chấp thửa đất có diện tích trên 13.000m2 tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (ông Nguyễn Văn Quốc ủy quyền cho bà Phượng đứng ra tranh chấp). Đến tháng 4/2008, UBND xã Bãi Thơm tổ chức hòa giải việc tranh chấp đất giữa ông Tình và bà Phượng nhưng không thành.

Sau đó mảnh đất này “bỗng nhiên” trở thành đất của bà Phượng và bà Phượng có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Phú Quốc. Ngày 14/01/2009, tại buổi họp giải quyết tranh chấp đất giữa ông Tình và bà Phượng, Phòng TN – MT báo cáo Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Phạm Vũ Hồng (nay là chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) về việc ông Tình sử dụng đất trái pháp luật; còn bà Phượng thì sử dụng đất đúng qui định. Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Vũ Hồng chỉ đạo Phòng TN –MT kiểm tra hiện trạng, xác minh nguồn gốc đất giữa hai bên, đặc biệt là việc chuyển nhượng từ ông Ô Rê cho bà Phượng.

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 6

Giấy xin xác minh nguồn gốc đất của ông Lê Tiến Tình và được Ban nhân dân ấp Rạch Tràm và nhiều người dân ký xác nhận

Như vậy, Phòng TN - MT có thực hiện việc kiểm tra nguồn gốc đất giữa ông Tình và bà Phượng cũng như việc chuyển nhượng mảnh đất từ ông Ô Rê sang bà Phượng hay không? Nếu có kiểm tra thì lí do gì ông Lê Tiến Tình và bà Trần Thị Cho (vợ ông Ô Rê) không hề biết việc này?

Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2009 đến tháng 7/2011, Phòng TN  - MT và một số cán bộ UBND xã Bãi Thơm đã âm thầm thực hiện các thủ tục hợp thức hóa mảnh đất tranh chấp (giữa ông Lê Tiến Tình và bà Hồ Thị Bích Phượng) cho bà Phượng.

Đến tháng 7/2011, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng ký cấp sổ đổ cho bà Hồ Thị Bích Phượng. Đến tháng 12/2011, bà Phượng bán thửa đất lại cho bà Trần Thị Út – xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc.

Bài 9: Người dân mất đất đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch huyện Phú Quốc - 7

Ông Lê Văn Thống - nguyên trưởng ấp Rạch Tràm và những người dân có đất lân cận với ông Tình cho biết, không hề biết bà Phượng là ai, vì sao đất đang tranh chấp với ông Tình nhưng bà Phượng được cấp sổ đỏ?

Đến cuối 2017, ông Tình mới biết việc bà Phượng được UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ mảnh đất hơn 10.000m2 mà ông và bà Phượng từng tranh chấp từ năm 2008 nên ông Tình làm đơn khởi kiện tranh chấp đất với bà Hồ Thị Bích Phượng và yêu cầu UBND huyện Phú Quốc hủy bỏ Quyết định cấp đất cho bà Phượng.

Bà Trần Thị Cho (bà Phượng khai mua đất từ bà Cho) nhiều lần khẳng định mảnh đất mà UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho bà Phượng là của ông Tình khai khẩn từ năm 2002 - 2003. Ngoài ra, bà Cho còn khẳng định không hề bán đất cho bà Phượng và không hề ký giáp ranh cho bà Phượng.

Trong biên bản xác minh nguồn gốc đất cho bà Phượng, UBND xã Bãi Thơm đã ghi tên và giả chữ ký nhiều hộ dân. Hiện những người dân này đang bức xúc trước cách làm gian dối của một số cán bộ UBND xã Bãi Thơm.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm