Vụ thi hành án (THA) bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm

Bài 9: Cưỡng chế trái pháp luật nhìn từ vụ 194 phố Huế đến vụ TP Việt Trì

(Dân trí) - Sau vụ cưỡng chế THA trái pháp luật tại nhà 194 phố Huế (Hà Nội), Chi cục trưởng Chi cục THA quận Hai Bà Trưng Trịnh Ngọc Chung đã bị khởi tố. Tạo dựng kịch bản tương tự, Chi cục phó Chi cục THA TP Việt Trì Đặng Xuân Quang vẫn "thách đố" pháp luật. <br><a href='http://dantri.com.vn/event-2470/Vu-cuong-che-thi-hanh-an-trai-phap-luat-tai-TP-Viet-Tri.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;           Vụ cưỡng chế thi hành án trái pháp luật tại TP Việt Trì</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/event-1791/Vu-cuong-che-ngoi-nha-194-pho-Hue.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;           Vụ cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế</b></a>

Sau 8 bài điều tra báo Dân trí đăng tải  lật tẩy việc thi hành án trái pháp luật của chấp hành viên Đặng Xuân Quang - Chi cục phó Chi cục Thi hành án (THA) TP Việt Trì khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn, có chủ ý. Vụ việc được chính lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ khẳng định là vụ cưỡng chế thi hành án trái pháp luật chưa từng có trong tiền lệ ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ.

Chi cục phó Đặng Xuân Quang đã cố tình thực hiện đến cùng việc cưỡng chế thi hành một Quyết định trái pháp luật đẩy hàng loạt người dân ra đường ngày trước Tết nguyên đán. Chiếc "phao" duy nhất để vị chấp hành viên này kiên quyết thực hiện hành vi cưỡng chế là việc cố tình áp dụng sai Điều 24b Nghị định 125/2013NĐ-CP.

Tình trạng cố tình áp dụng sai các Nghị định, quy định pháp luật để "lập lờ" trắng đen "thách đố" pháp luật gây ra những vụ cưỡng chế thi hành án trái pháp luật nhằm trục lợi đã bị báo Dân trí vào cuộc phanh phui trước công luận. Điển hình là vụ cưỡng chế thi hành án nhà 194 phố Huế (Hà Nội) và vụ cưỡng chế tại TP Việt Trì (Phú Thọ). Hai vụ việc này đều là những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với những điểm sai phạm tương đồng.


Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung kịch bản vi phạm pháp luật.
Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung kịch bản vi phạm pháp luật.
Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung "kịch bản" vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, tài sản kê biên trong hai vụ án này đều không đủ điều kiện để kê biên theo quy định pháp luật.

Đối với vụ án 194 Phố Huế, khi ông Hoàng Đình Mậu - nguyên Giám đốc công ty Bắc Sơn qua đời, theo Điều 632, Điều 636, và Điều 637 Bộ luật Dân sự thì các đồng thừa kế của ông Mậu đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với khối di sản mà ông Mậu để lại kể từ thời điểm mở thừa kế, bao gồm cả nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ hợp pháp theo quy định pháp luật. Tuy nhiên có một điều đáng chú ý là cho đến thời điểm bị cưỡng chế THA trái pháp luật, tất cả những người thừa kế này đều chưa thực hiện thủ tục mở thừa kế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi tiến hành kê biên nhà 194 Phố Huế, nguyên Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung đã không hỏi hết ý kiến của toàn bộ những người thừa kế là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền - lợi ích hợp pháp của họ. Cụ thể tại buổi kê biên tài sản chỉ có bà Nguyễn Thị Thu Hồng là một trong sáu người thừa kế của ông Mậu có mặt còn những người khác vắng mặt và đương nhiên không có chữ ký cũng như ý kiến trong Biên bản kê biên. Có thể thấy, việc làm của ông Chung đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về kê biên tài sản trong quá trình THA.

Hơn nữa, ở nhà số 194 Phố Huế trước đó đã có Quyết định phong tỏa tài sản số 02/TB-THA ngày 20/01/2000 của Đội THA quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, vẫn còn nguyên hiệu lực đến tận thời điểm bị nguyên Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo cưỡng chế THA trái pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì tài sản đang bị kê biên sẽ không được thế chấp, cầm cố, chuyển dịch... do vậy đây cũng chính là căn cứ để cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và TANDTC đã tuyên hủy Quyết định số 143/2007. Thế nhưng ông Trịnh Ngọc Chung vẫn kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế THA nhà số 194 Phố Huế.

Đối với vụ cưỡng chế tại TP Việt Trì,  tại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cấp cho công ty Việt Hưng ngày 22/5/2003 thì tổng diện tích là 300m2 đất.

Và theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC trong đó có quy định về Tài sản thế chấp là Nhà cấp 3, 06 tầng và 01 tầng tum,  xây dựng trên diện tích đất 300m2.

Thế nhưng khi tiến hành kiểm kê thì phát hiện thấy “Tài sản kê biên gồm: Kết cấu toàn nhà xây khung bê tông cốt thép chịu lực, móng cọc, nhà có 7 tầng (01 tầng âm và 6 tầng nổi, 1 mái tum). Diện tích xây dựng một sàn là 319.09m2”. Như vậy, đã có sự chênh lệch rất lớn về diện tích đất (từ 300m2 lên đến 319,09m2) và số tầng (từ 06 tầng lên 07 tầng) giữa hồ sơ vụ án với thực tế.

Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung kịch bản vi phạm pháp luật.
Chấp hành viên Đặng Xuân Quang - Chi cục phó Chi cục THA TP Việt Trì đọc quyết định thi hành án trước khi gây ra vụ cưỡng chế chấn động chưa từng có trong lịch sử ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ.

Như vậy, trong trường hợp này, Chấp hành viên Đặng Xuân Quang cần phải có công văn đề nghị TAND TP Việt Trì giải thích rõ Quyết định số 16/2012 để có hướng giải quyết đối với phần diện tích chênh lệch nói trên. Và căn cứ vào Điểm đ, khoản 1, Điều 48 Luật thi hành án dân sự thì Cơ quan thi hành án cần phải có một Quyết định hoãn thi hành án.

Tuy nhiên, nguyên Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung lẫn Chấp hành viên Đặng Xuân Quang đều phớt lờ quy định trên của pháp luật, ngang nhiên tiếp tục kê biên tài sản để rồi sau đó cố tình hoàn thiện hồ sơ bán đấu giá dù biết rõ tài sản không đủ điều kiện để kê biên, xâm phạm nghiêm trọng quyền - lợi ích hợp pháp của người có tài sản đảm bảo.

Thứ hai, cả hai vụ THA đều gặp phải sự phản đối - không đồng thuận của đại diện Viện kiểm sát trong quá trình kê biên tài sản.

Ở vụ án 194 Phố Huế, trong cuộc họp Hội đồng cưỡng chế THA (tại trụ sở UBND phường Phố Huế) trước khi triển khai công tác cưỡng chế, đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội qua kiểm sát đã có ý kiến, yêu cầu Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng làm rõ một số nội dung liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế THA. Sau đó, Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng không tiến hành làm rõ theo yêu cầu nên VKSND quận Hai Bà Trưng đã thông báo sẽ không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 Phố Huế và không đến địa điểm cưỡng chế THA. Thế nhưng, trong tất cả các biên bản do Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng lập như: Biên bản phá khóa, Biên bản cưỡng chế giao nhà, Biên bản liệt kê tài sản... đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng.

Trong vụ án tại TP Việt Trì, tại buổi kê biên tài sản ngày 09/7/2013, khi phát hiện thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa tài sản trong hồ sơ vụ án với tài sản trên thực tế, đại diện VKSND TP Việt Trì đã không đồng ý việc tiếp tục kê biên tài sản và có ý kiến chỉ đạo: “Do diện tích xây dựng mặt sàn mỗi tầng của ngôi nhà trung tâm thương mại dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng lớn hơn diện tích sử dụng của Công ty Việt Hưng được cấp giấy chứng nhận, do đó Viện kiểm sát yêu cầu tạm dừng việc kê biên đối với ngôi nhà trung tâm thương mại và dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng”.


Tuy nhiên cả hai vị Chấp hành viên này đều phớt lờ ý kiến chỉ đạo của đại diện Viện kiểm sát, bất chấp các quy định pháp luật quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi cưỡng chế THA trái pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan THA dân sự.

Thứ ba, cả hai vụ án nói trên đều kết thúc bởi Quyết định công nhận hòa giải thành giữa các đương sự, tuy nhiên những Quyết định này đều đã bị người có thẩm quyền ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm và bị Tòa án cấp trên tuyên hủy, không còn hiệu lực pháp luật nhưng Chấp hành viên vẫn cố tình cưỡng chế THA trái pháp luật.

Trong vụ án 194 Phố Huế, ngày 04/9/2009, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-KNGGĐT-V12 đối với Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM, trong đó nêu rõ: “Tạm đình chỉ thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP Hà Nội chờ kết quả giám đốc thẩm”. Ngày 21/12/2010, TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT xử hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP Hà Nội,

Còn trong vụ án tại TP Việt Trì, ngày 09/01/2014, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã ra Kháng nghị Giám đốc thẩm số 01/QDKN-GDT-KDTM đối với Quyết định số 16/2012, trong đó nêu rõ: “Tạm đình chỉ thi hành án Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/7/2012 của TAND thành phố Việt Trì để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm”. (Sau đó, ngày 22/01/2014, TAND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định giám đốc thẩm số 02/2014/KDTM-GGDT “Hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/ADDST-KDTM ngày 23/07/2012 của TAND TP Việt Trì”).

Trong cả hai vụ án này, sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền, cả hai cơ quan Thi hành án đều không có Quyết định tạm đình chỉ THA theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Sau đó, do không có quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị nên cũng không có căn cứ để hai cơ quan THA này ban hành quyết định tiếp tục THA theo Khoản 3 Điều 49 Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Thế nhưng cả hai vị Chấp hành viên này đều cố ý thực hiện đến cùng hành vi cưỡng chế THA trái pháp luật, dù các quy định của Luật ngành đã quy định quá rõ ràng, cụ thể.

Thứ tư, đều vận dụng văn bản dưới luật để chống lại các quy định của Luật

Trong vụ án 194 Phố Huế, nguyên Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung đã vận dụng các quy định tại Khoản 5, Điều 2, Thông tư 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục THA dân sự và phối hợp liên ngành trong THA “Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện hồ thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật.”

Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung kịch bản vi phạm pháp luật.
Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung kịch bản vi phạm pháp luật.
Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm thuộc Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Thọ đã chính thức tuyên hủy quyết định vi phạm tố tụng mà Chi cục THA TP Việt Trì cố tình cưỡng chế thi hành án.

Còn trong vụ án công ty Việt Hưng, Chấp hành viên Đặng Xuân Quang đã vận dụng các quy định tại Khoản 2 Điều 24b Nghị định 125/2013/NĐ-CP:

“2. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị đình chỉ thi hành án, kháng nghị, sửa đổi hoặc hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục hoàn thiện thủ tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp sau đây:

a) Trình tự, thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật do lỗi của người mua được tài sản bán đấu giá;

b) Người phải thi hành án, người được thi hành án và người mua được tài sản bán đấu giá có thỏa thuận khác”

Trong hai vụ án nói trên, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đều đã bị Kháng nghị giám đốc thẩm và đều bị Tòa án cấp trên tuyên hủy, do vậy căn cứ vào Khoản 1 Điều 49 Luật thi hành án dân sự năm 2008, điểm d, Khoản 1, Điều 50 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì Thủ trưởng cơ quan THA buộc phải ban hành Quyết định tạm đình chỉ và Quyết định đình chỉ THA.

Xét về thẩm quyền ban hành văn bản, trong trường hợp này, theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì Luật là do Quốc hội ban hành (Điều 2) và Chủ tịch nước ban hành lệnh để công bố Luật (Điều 57), còn Nghị định do Chính phủ ban hành và Thông tư do các cơ quan liên ngành ban hành (Điều 2) đương nhiên không thể có giá trị pháp lý cao như Luật được. Và theo quy định tại Điều 83 về vấn đề áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do vậy, hai vị Chấp hành viên nói trên hoàn toàn không thể lấy các quy định của các văn bản dưới Luật để “chống” lại các quy định của Luật được.

Vụ cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế và vụ TP Việt Trì đều có chung kịch bản vi phạm pháp luật.
Ông  Phùng Văn Quang - Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ: "Với Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm thì việc yêu cầu dừng thi hành án không chỉ còn mang tính chất thông báo mà đã là bắt buộc phải thực hiện do pháp luật quy định".

Thứ năm, không chỉ vận dụng một văn bản dưới Luật để “chống” lại Luật, cả hai vị Chấp hành viên này còn vận dụng sai các quy định pháp luật một cách cố ý và trắng trợn, xâm hại nghiêm trọng quyền - lợi ích hợp pháp của người có tài sản bảo đảm.

Trong vụ án 194 Phố Huế, nguyên Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung đã căn cứ vào Khoản 5, Điều 2, Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC là hoàn toàn không có căn cứ bởi Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2010 thì không thể áp dụng ngược trở lại để điều chỉnh một vụ việc có Quyết định THA từ ngày 06/01/2009 được. Việc cố ý áp dụng như trên đã vi phạm quy định của pháp luật về vấn đề “Hiêu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật” được ghi nhận tại Điều 79 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Mặc khác, như đã phân tích ở trên, nhà 194 Phố Huế không đủ điều kiện kê biên tài sản cùng nhiều yếu tố sai phạm khác nên quá trình bán đấu giá ngôi nhà 194 Phố Huế có rất nhiều những vi phạm nghiêm trọng, do đó không thể áp dụng thông tư này để tiếp tục THA Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM.

Theo như chúng tôi đã thông tin tại những kỳ báo trước, trong vụ cưỡng chế tại TP Việt Trì, Nghị định 125/2013/NĐ-CP chỉ được áp dụng trong trường hợp không vi phạm quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 24b Nghị định này: “Trình tự, thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật do lỗi của người mua được tài sản bán đấu giá;” Thế nhưng thực tế đã chứng minh Ngân hàng - người mua đã hoàn toàn có lỗi do trong quá trình tham gia vào việc kê biên tài sản, phía Ngân hàng đã biết rõ có sự chênh lệch lớn về tài sản trên thực tế và trong hồ sơ, biết rõ theo quy định của pháp luật khi có những sai phạm nêu trên thì khối tài sản này không thể tiến hành bán đấu giá được, biết rõ đấu giá tài sản trong trường hợp này là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình tham gia mua tài sản đấu giá. Như vậy phía ngân hàng hoàn toàn có lỗi trong quá trình tiến hành thủ tục mua đấu giá tài sản, vi phạm quy định của pháp luật, do vậy Chấp hành viên Đặng Xuân Quang không thể áp dụng Nghị định 125/2013/NĐ-CP trong trường hợp này để tiến hành cưỡng chế THA giao tài sản cho người mua trúng tài sản đấu giá được.

Thứ sáu hành vi cố ý làm trái của hai vị chấp hành viên này đều gây thiệt hại rất lớn về tinh thần cũng như vật chất cho người có tài sản đảm bảo.

Vụ án 194 Phố Huế, nguyên Trưởng Chi cục THA quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, bằng hành vi cố ý làm trái của mình đã thẳng tay đuổi 3 gia đình với gần 20 con người, trong đó có 9 trẻ em ra đường, khiến cho gia đình ly tán, con xa mẹ, vợ xa chồng, mỗi người phải đi lánh nạn một nơi. Từ đó, VKSNDTC đã truy tố Trịnh Ngọc Chung phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật” - Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù giam.

Còn trong vụ án tại TP Việt Trì của công ty Việt Hưng, giữa lúc chỉ còn nửa tháng nữa là Tết cổ truyền của dân tộc sẽ về, ngày 14/01/2014, Chấp hành viên Đặng Xuân Quang đã nhân danh Nhà nước rầm rộ chỉ đạo tiến hành cưỡng chế thi hành án trái pháp luật, ước tính đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho công ty Việt Hưng, đẩy hàng loạt người dân vô tội - trong đó có cả người già và trẻ em - ra ngoài đường, không nơi sinh sống, không công ăn việc làm, khiến cho đông đảo quần chúng nhân dân vô cùng căm phẫn, bất bình.

Thứ bảy, Trong cả hai vụ án này, những người thực hiện hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người có tài sản bị THA, đều là người có chức vụ, quyền hạn lớn trong cơ quan.

Nguyên Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung lúc tại vị là Trưởng Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), còn Chấp hành viên Đặng Xuân Quang hiện chính là Phó Chi cục THA dân sự TP Việt Trì (Phú Thọ). Lẽ ra là những người nắm giữ cương vị quan trọng trong một cơ quan thực thi pháp luật, cả hai vị chấp hành viên này phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc, thực hiện công việc được giao một cách cẩn trọng trên tinh thần tôn trọng pháp luật, bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp của những người liên quan thì ngược lại họ lại bất chấp chính các quy định pháp luật, bỏ qua chữ tình mà cố ý làm trái, "thách đố" pháp luật.

Trước hàng loạt những vi phạm pháp luật gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho đương sự, hiện nay Trịnh Ngọc Chung đã bị VKSNDTC truy tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, còn ông Đặng Xuân Quang thì vẫn đang tại vị với chức danh Phó Chi cục THA dân sự TP Việt Trì (Phú Thọ).

Báo Dân trí kính đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ động cơ, mục đích của hành vi cố ý làm trái của chấp hành viên Đặng Xuân Quang thuộc Chi cục THA TP Việt Trì trong vụ án này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế