Hà Nội:
Bài 8 dự án thoát nước chậm tiến độ: Tiền đã giải ngân, nhà thầu vẫn thi công ì ạch
(Dân trí) - Về 2 gói thầu 3 và 9 thuộc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đảm nhiệm, 2 nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng và Tổng công ty CP Sông Hồng đều yếu năng lực dẫn tới chậm tiến độ dự án trong khi tiền đã được ứng trước.
Việc thi công ì ạch các dự án thoát nước gây ra những hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Làm việc với PV Dân trí về 2 gói thầu 3 và 9 thuộc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư, đại diện đơn vị này đều khẳng định, 2 nhà thầu thi công công trình là Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng và Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đều yếu về năng lực dẫn tới chậm tiến độ dự án.
Gói thầu 9 - Dự án xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước ngầm của cả khu vực nội thành Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng, thi công tại 46 tuyến phố của 7 quận, với tổng chiều dài là 21.160m cống các loại và gói thầu 3 thi công mương trên 16 tuyến phố.
Cả 2 gói thầu trên sử dụng phần nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhưng việc triển khai đến nay đang cho thấy sự ì ạch, tiến độ chậm so với dự kiến của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã đề ra.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Ban quản lí dự án thoát nước Hà Nội cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ một phần do nhà thầu thi công yếu kém. Hiện, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đang triển khai gói thầu 3 – thi công 16 tuyến mương thuộc địa bàn thành phố. Ban quản lí dự án Hà Nội đã giải ngân tiền theo hợp đồng cho đơn vị thi công nhưng nhiều bộ phận đang bị chậm tiến độ, đặc biệt tại một số tuyến như Dân trí đã nêu đang gây bức xúc cho nhân dân - ông Tuấn cho biết thêm.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân chính các dự án chậm tiến độ vẫn là công tác giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương còn quá chậm, dẫn tới kéo dài thời gian thi công nhưng thực tế một phần là do năng lực thi công của nhà thầu còn yếu. Nếu nhà thầu thực sự có thực lực thì sau khi có mặt bằng đến đâu phải thi công đến đó.
Về việc thi công gói thầu 9 - xây dựng cống thuộc dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội của đơn vị thi công là liên danh Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, ông Nguyễn Viết An, đại diện Ban quản lý thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) khẳng định, thực trạng thi công dự án thoát nước trên một số tuyến đường trong gói thầu 9 gây bức xúc cho dư luận như báo phản ánh là có thật. Ngay sau khi có thông tin, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh không để tình trạng như trên.
Như Dân trí đã đăng tải, việc nhà thầu thi công tuyến đường Lò Đúc kéo dài nhiều tháng, gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Hơn nữa, những điểm được đào xới thi công sau đó bị vá víu khiến nhiều tuyến đường này rơi vào tình trạng mất an toàn giao thông. Nghiêm trọng hơn, nhiều hố sâu trên đường Trần Hưng Đạo được đơn vị thi công dùng những miếng gỗ đậy lại, chăng dây cảnh báo người đi đường, khiến con đường này càng nhiều thêm hiểu họa khôn lường cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Hay ở dự án cải tạo mương Y cụ - Y Khoa thuộc Dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) do Ban Quản lí thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm. Dự án này chính thức khởi công khiến 118 hộ dân nằm sát mương Y Cụ - Y khoa (Khương Thượng, Đống Đa) phấn khởi. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa kéo dài được 7 tháng thì dự án dừng lại, khiến người dân sinh sống dọc bờ mương tiếp tục phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc và tình trạng ô nhiễm dai dẳng.
Dự án tuyến mương T6A-Nguyên Hồng, phường Thành Công, Ba Đình (Hà Nội) cũng tương tự. Việc triển khai ì ạch, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Việc chậm trễ không những gây cản trở lưu thông, khó khăn kinh doanh mà còn gây bụi bặm, tiếng ồn và ngập úng…
Theo trả lời của đại diện BQL dự án thoát nước Hà Nội thì điều bất thường là cả 2 nhà thầu đều được chủ đầu tư nhận định là yếu về năng lực mà vẫn trúng thầu thi công dự án.
Trong khi đó, ngày 02/01/2014 UBND Thành phố Hà Nội ra chỉ thị số: 01/CT-UBND do Chủ Tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo ký về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” với mục tiêu tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế