Hà Nội:
Bài 7: Dự án thoát nước chậm tiến độ do nhà thầu yếu và ì ạch giải phóng mặt bằng
(Dân trí) - Các dự án cải tạo mương Y cụ - Y khoa và mương T6A - Nguyên Hồng của Ban quản lí dự án thoát nước Hà Nội chậm tiến độ kéo dài khiến người dân khốn đốn. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chọn nhà thầu yếu và giải phóng mặt bằng quá chậm.
Dự án cải tạo mương Y cụ - Y Khoa thuộc Dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) do Ban Quản lí thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm từ năm 2012. Thế nhưng, sau một thời gian triển khai, dự án dừng đột ngột và nằm "án binh bất động" khiến người dân sinh sống dọc bờ mương phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc và tình trạng ô nhiễm dai dẳng.
Hệ lụy ô nhiễm không chỉ là nỗi bức xúc của người dân mà chính quyền địa phương cũng tỏ ra sốt sắng. Theo lãnh đạo UBND phường Khương Thượng cho biết, cứ có dự báo mưa to là lãnh đạo phường thấp thỏm cùng dân; điều động người lo việc đóng cọc tiêu, căng dây phân chia ranh giới giữa đường xóm và con mương, hạn chế đến mức thấp nhất nguy hiểm khi nước và đường hòa làm một. Con đường men mương chỉ vẻn vẹn 1m, rình rập đầy nguy hiểm.Ngoài ra, theo ông Tuấn, khi thi công công trình còn phải đảm bảo công tác dẫn dòng thoát nước, đặc biệt mùa mưa phải dừng thi công hoàn toàn để phục vụ thoát nước của thành phố. Thêm vào đó, vướng mắc các công trình ngầm, nổi, trong quá trình thi công phải thỏa thuận việc di chuyển, thay thế hoặc bảo vệ các tài sản với chủ quản mới tiếp tục thi công.
Tuyến mương này có chiều dài 732m và chủ yếu là thoát nước thải sinh hoạt của người dân, cộng thêm việc người dân xả rác thường xuyên xuống mương nên gây mùi hôi thối, khó chịu khi nắng nóng. Ông Tuấn cũng đề nghị UBND quận Đống Đa, UBND phường Khương Thượng và Trung Tự sớm triển khai bàn giao mặt bằng 441m còn lại phục vụ công tác thi công tiếp theo được thuận lơi.
Đối với dự án T6A - Nguyên Hồng, ông Tuấn cho biết hiện đã thi công cống xong 627m trên tổng số 708m. Lí do chậm tiến độ là vướng giải phóng mặt bằng rãnh thu nước thải của nhà dân đổ vào cống chính.
"Hiện có 73 trường hợp nằm trong diện đền bù GPMB, trong đó có 6 tổ chức và 67 hộ dân nhưng còn 53 hộ đang có đơn khiếu kiện gửi cơ quan ban ngành thành phố Hà Nội. Do cơ chế hỗ trợ, đền bù của thành phố liên tục thay đổi nên không thống nhất được với người dân về cách áp giá hỗ trợ, bởi thế 3 năm nay không có mặt bằng thi công", ông Tuấn cho biết thêm.
Đặc biệt, nhà thầu thực hiện gói thầu số 3 cải tạo hệ thống mương nước của Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội là Tổng công ty cổ phần Sông Hồng. Về trách nhiệm của đơn vị này trong việc dự án chậm tiến độ, ông Tuấn cũng thừa nhận một phần do năng lực nhà thầu yếu.
Trước đó, liên quan đến những bất cập trong việc thi công gói thầu số 9 xây dựng cống, ông Nguyên Viết An, đại diện Ban quản lý thoát nước Hà Nội cũng thừa nhận với PV Dân trí một phần nguyên do là nhà thầu yếu. Đơn vị này cũng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với đơn vị thi công công trình là liên danh Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng.
Được biết, hơn 10 dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội của Ban Quản lí dự án thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm sử dụng nguồn vốn vay ODA ưu đãi. Thế nhưng, điều bất thường là trong cả 2 dự án mà người dân bức xúc do việc thi công ì ạch đều xảy ra tình trạng nhà thầu yếu. Vậy tại sao các đơn vị này vẫn "lọt lưới" trúng thầu?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế