Hà Nội:

Bài 65: Quá thời hạn kháng nghị bản án 30 tháng tù treo vụ 194 phố Huế

(Dân trí) - "Trước những dấu hiệu bất thường của bản án 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung, VKSND TP Hà Nội hoặc VKSND Tối cao có quyền (và nghĩa vụ) kháng nghị bản án sơ thẩm này. Thời hạn để 2 đơn vị quyết định kháng nghị là 15 và 30 ngày kể từ khi tuyên án", luật sư Trương Quốc Hòe cho biết.



Phiên tòa sơ thẩm của Kỳ án 194 Phố Huế tuyên xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung đã khép lại hơn hai tháng nhưng vẫn khiến dư luận không khỏi bức xúc bởi mức án 30 tháng tù treo. Ngay sau khi TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu làm rõ căn cứ áp dụng án treo đối với cựu Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng Trịnh Ngọc Chung trong vụ án, báo cáo lại Chủ tịch nước.

Và cho đến nay, công luận vẫn chưa có bất cứ thông tin nào từ phía các cơ quan chức năng về việc có hay không việc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội hay Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đối với bản án kỳ lạ này.

TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo.
TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo.
TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo.

Tuy nhiên, thời hạn kháng nghị với một bản án sơ thẩm đã được pháp luật quy định rõ. Trong trường hợp bản án của TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích về thời hạn kháng nghị bản án này:

"Trước những dấu hiệu bất thường của bản án, theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng Hình sự về thẩm quyền kháng nghị thì VKSND thành phố Hà Nội hoặc VKSND Tối cao có quyền (và nghĩa vụ) kháng nghị bản án sơ thẩm này. Thời hạn để VKSND thành phố Hà Nội kháng nghị bản án sơ thẩm trong vòng 15 ngày; còn với VKSND Tối cao thì kháng nghị trong vòng 30 ngày kể từ ngày tuyên án (theo Khoản 1 Điều 234 Bộ luật TTHS)".

Tại phiên xử vụ 194 phố Huế, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam đối với bị cáo Trịnh Ngọc Chung, nhưng HĐXX chỉ tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù treo. Theo bạn mức án nào là hợp lý?
Mức án tù giam VKSND TP Hà Nội đề nghị
Mức án treo HĐXX đã tuyên
  

Theo luật sư Hòe, việc bị cáo trong vụ án có thực hiện quyền kháng cáo hay không cũng không liên quan đến việc các cơ quan có thẩm quyền là VKSND TP Hà Nội và VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị bản án bởi 2 cơ quan này thực hiện giám sát việc thực thi pháp luật có đúng hay không.

"Trong trường hợp những cơ quan có thẩm quyền không quyết định kháng nghị một bản án sơ thẩm, cụ thể trong trường hợp này là bản án sơ thẩm 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung mà sau này phát lộ sai phạm dẫn đến phát sinh việc giám đốc thẩm hay tái thẩm thì ngoài Hội đồng xét xử thì chính những cơ quan có thẩm quyền kháng nghị cũng phải chịu trách nhiệm", luật sư Hòe phân tích.

Theo hồ sơ vụ án thì bị cáo Trịnh Ngọc Chung đã ban hành Quyết định số 07/QĐTHA ngày 28/6/2011 để tiến hành cưỡng chế giao nhà 194 Phố Huế khi không còn căn cứ để thi hành án nữa, bởi Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM đã bị VKSNDTC Kháng nghị Giám đốc thẩm và đã bị TANDTC tuyên hủy, nghĩa là đã không còn hiệu lực pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã dẫn đến việc Trịnh Ngọc Chung bị VKSND tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự và bị TAND TP Hà Nội xét xử ngày 07/7/2014.




Khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”
Tội danh được quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự là tội danh có cấu thành vật chất, vì thế dấu hiệu “gây hậu quả” là một trong những dấu hiệu bắt buộc của tội danh này.

Theo hồ sơ vụ án, hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung đã gây hậu quả rất lớn về nhiều mặt: xâm hại trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước và cho gia đình 194 Phố Huế; gây tổn thất về tinh thần rất lớn cho gia đình 194 Phố Huế; gây bất bình và mất niềm tin sâu sắc trong quần chúng nhân dân về sự hoạt động nghiêm minh, đúng đắn của các cơ quan nhà nước.

Cáo trạng số 18/VKSTC-V1A ban hành ngày 08/7/2013 đã kết luận: “Thiệt hại do quyết định cưỡng chế giao nhà gây nên đối với gia đình ông Hoàng Ngọc Minh (bao gồm chi phí cưỡng chế, thiệt hại do bị mất thu nhập từ việc cho thuê nhà 194 Phố Huế, tiền thuê nhà cho các thành viên trong gia đình...) là 6.696.053.000 đồng”.
Thiệt hại nêu trên đã thỏa mãn theo quy định tại tiết c.5, điểm c, mục 3, phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT ngày 25/12/2001 của Bộ tư pháp, Bộ công an, TAND tối cao và VKSND tối cao hướng dẫn xác định hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Và theo Khoản 3 Điều 296 thì “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm”. Như vậy, hậu quả gây thiệt hại còn là căn cứ để định khung cho tội danh này. Chính vì việc gây ra thiệt hại rất lớn của vụ án này, Trịnh Ngọc Chung đã bị VKSNDTC truy tố theo Khoản 3 của Điều này.

Mặc dù luật đã quy định rõ ràng như vậy, nhưng HĐXX lại chỉ tuyên bị cáo Trịnh Ngọc Chung phạm tội theo Khoản 2 Điều 296 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Ngọc Chung không hề có động thái tích cực để ngăn ngừa, giảm bớt tác hại do hành vi phạm tội của mình đối với gia đình 194 Phố Huế; chưa hề khắc phục hậu quả; phạm tội gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; lại phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng; khi phạm tội hoàn toàn do bị cáo chủ động thực hiện hành vi chứ không do ai đe dọa, cưỡng ép bị cáo; bị cáo không tự thú dù trước đó VKSNDTC đã khởi tố vụ án, tại phiên tòa bị cáo liên tục quanh co chối tội...

Thế nhưng HĐXX lại nhận định: “xét nhân thân bị cáo tốt, trước khi phạm tội đã có thời gian công tác, cống hiến lâu năm, được nhiều giấy khen của Bộ tư pháp, UBND TP Hà Nội, bị cáo là người trưởng thành trong quân ngũ, do vậy khi lượng hình cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo... Bị cáo là người có công ăn việc làm ổn định, có nơi ở rõ ràng, có sức khỏe làm việc cống hiến cho xã hội, nên khi lượng hình tòa thấy không cần thiết phải bắt bị cáo phải cách ly với xã hội mà để cho bị cáo được cải tạo lao động sản xuất cũng đủ trở thành công dân tốt cho xã hội”.

Mặc dù tại phiên tòa bị cáo chưa một lần nhận tội, thậm chí còn lớn tiếng tranh cãi với công tố viên về việc mình vô tội, nhưng sau đó HĐXX đã áp dụng điểm p, điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong khi đó điểm p Khoản 1 Điều 46 quy định: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; điểm s Khoản 1 Điều 46: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác".

Do vậy, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, theo tội danh này thì bị cáo có nguy cơ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù, và tại phiên tòa, vị công tố viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5 đến 6 năm tù và buộc phải cách ly với xã hội, nhưng cuối cùng HĐXX lại đã tuyên phạt bị cáo có 30 tháng tù, cho hưởng án treo.

Liên quan đến vụ án 194 phố Huế, gia đình 194 Phố Huế khiếu nại, tố cáo Cục THA dân sự TP Hà Nội cố ý làm trái trong việc tự ý xử lý số tiền bán đấu giá nhà 194 Phố Huế, không tuân theo các quy định pháp luật cũng như bản án có hiệu lực của Tòa án, ông Phạm Ngọc Minh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục THA TP Hà Nội), đồng thời là chấp hành viên trực tiếp thụ lý sự việc cho biết chính bà Phùng Thị Thu Hiền, thủ quỹ Cục Thi hành án đã tự ý đem 5 tỷ đồng của bà Hồng trả cho phía ngân hàng.

Hiện nay, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đấu giá bất hợp pháp nhà 194 Phố Huế, sau khi trừ đi nghĩa vụ phải thực hiện với ngân hàng còn lại là 23.857.968.126 đồng (Hai mươi ba tỷ, tám trăm năm mươi bảy triệu, chín trăm, sáu mươi tám nghìn, một trăm hai mươi sáu đồng). Theo xác nhận của chấp hành viên Phạm Ngọc Minh: Ngoài 5 tỷ đồng do thủ quỹ tự lý lấy trả cho Ngân hàng mà không hề thông báo cũng như không hề có sự đồng ý của bà Hồng; số tiền còn lại hiện đang được gửi tại ngân hàng bằng sổ tiết kiệm mang tên chấp hành viên Phạm Ngọc Minh theo sự chỉ đạo của Cục trưởng Lê Quang Tiến.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: việc làm của Cục THA dân sự TP Hà Nội trong vấn đề xử lý số tiền bán đấu giá bất hợp pháp nhà 194 Phố Huế hoàn toàn không tuân theo quy định của pháp luật.

Về quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ 194 phố Huế, trả lời PV Dân trí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định chỉ đạo cơ quan tư pháp xử lý nghiêm, khách quan, đúng luật.


Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm