Bình Dương:
Bài 5: Vụ gần 4.000m2 đất “bốc hơi”: Nỗi lo “chìm xuồng”?
(Dân trí) - Trong khi bà Lan mỏi mòn chờ đợi công lý thì cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương lại “đá” trách nhiệm cho nhau. Hơn 10 năm trôi qua nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ, bà Lan và dư luận cho rằng, có thể sự việc 4.000m2 đất bị “bốc hơi” đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.
Khiếu nại hơn 10 năm vẫn “dậm châm tại chỗ”!
Ngày 14/3, bà Châu Lan (ngụ phường 4, quận 6, TP. HCM) cho biết, đến thời điểm hiện tại bà vẫn chưa nhận được thông báo giải quyết vụ 4.000m2 đất của gia đình bà bị giả mạo chữ ký bán cho nhiều người dân tại ấp Lai Khê (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). “Sự việc kéo dài hơn 10 năm qua nhưng chính quyền địa phương vẫn cố tình phớt lờ. Dù tôi đã gửi đơn kiến nghị sự việc lên UBND huyện Bến Cát, UBND huyện Bàu Bàng, UBND tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Bình Dương. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn chưa được giải quyết. Phải chăng vụ việc của tôi đã bị lãng quên, bị chìm xuồng” - Bà Lan bức xúc.
Theo trình bày của bà Lan, năm 2001 bà Lan có mua 42.706m2 (tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nay là ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) với giá 850 triệu đồng. Sau khi mua đất xong, bà Lan được UBND huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thửa đất trên với số 01739 QSDĐ/909/QĐ-UB ngày 21/12/2001.
Sau khi làm xong GCNQSDĐ, bà Lan đã giao sổ đỏ và các giấy tờ liên quan đến thửa đất cho bà Lư Kỳ Tuyết (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM, bạn trên thân của bà Lan) giữ dùm. Đến đầu năm 2005, bà Lan yêu cầu bà Tuyết trả lại những giấy tờ nhà đất liên quan thì bà Lan phát hiện diện tích đất lúc này chỉ còn hơn 38.000m2. “Khi tôi thắc mắc thì chỉ nhận được sự im lặng của bà Tuyết. Nghi ngờ bà Tuyết chiếm đất của mình nên tôi đã ra UBND xã Lai Hưng xin trích lục các hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tôi. Qua trích lục tôi phát hiện trong thời gian từ năm 2002-2004, bà Tuyết đã giả chữ ký của tôi, tự ý phân lô và bán gần 4.000m2 đất của tôi cho 13 người” – Bà Lan khẳng định.
Bà Lan cho biết thêm: “Toàn bộ hợp đồng mua bán được trích lục ra đều không phải chữ ký của tôi. Tôi không hiểu rõ pháp luật và quy trình sang nhượng đất nhưng thông thường sẽ phải có chữ ký, lăn tay của chủ đất cùng nhiều thủ tục nữa. Tuy vậy, thời gian trên tôi chưa từng đến UBND huyện Bến Cát thực hiện các thủ tục sang nhượng đất. Tôi không hiểu tại sao UBND huyện Bến Cát lại có thể sang nhượng gần 4.000m2 đất đã cấp quyền sử dụng cho tôi trong khi tôi chưa từng biết đến sự việc”.
Chính quyền “đá” trách nhiệm?
Để làm rõ mọi thông tin về quy trình mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất và cấp sổ đỏ, PV Dân trí từng có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bàu Bàng. Ông Hùng cho biết: “Mọi thủ tục sang nhượng đất tại thời điểm đó đều do UBND xã Lai Hưng thực hiện. Phòng TN&MT chỉ dựa theo những thông tin phía UBND xã cung cấp để cấp sổ đỏ cho người dân. Do đó, nếu có trường hợp giả chữ ký Phòng TN&MT cũng không thể biết được”.
Ông Phạm Ngọc Hùng khẳng định: “Việc cấp sổ cho 11 hộ trong đơn thư phản ánh của bà Châu Lan là đúng quy trình pháp luật. Tại thời điểm đó, việc sang nhượng đất được thực hiện tại UBND xã Lai Hưng. Sau đó, UBND xã Lai Hưng chuyển thông tin xin cấp sổ cho Phòng TN&MT. Sau khi xét hồ sơ bao gồm hợp đồng chuyển nhượng đất, diện tích đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Phòng TN&MT sẽ tiến hành làm các thủ cấp sổ cho người dân. Như vậy, việc cấp sổ cho các hộ dân trên của Phòng TN&MT là đúng quy trình pháp luật”.
Trước thông tin mà Phòng TN&MT cho rằng “mọi thủ tục sang nhượng đất tại thời điểm đó đều do UBND xã thực hiện”, ông Trần Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) thẳng thắn cho biết, toàn bộ hồ sơ sang nhượng, cấp sổ đỏ thời điểm đó xã làm theo chỉ đạo của UBND huyện.
“Lúc đó tôi đang giữ chức Chủ tịch xã và cũng là người ký xác nhận của tất cả các hồ sơ sang nhượng đất của địa phương. Tôi có thể khẳng định việc cấp sổ đỏ lúc bấy giờ là xã làm dưới sự giám sát của UBND huyện. Do địa bàn rộng nên cán bộ địa chính xã đi cùng với cán bộ đo đạc của huyện để làm các thủ tục xác định hiện trạng đất. Thời điểm đó cán bộ địa chính xã còn nhiều hạn chế nên không thể vẽ được hiện trạng đất nên tất cả do UBND huyện làm” - Ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, mọi hồ sơ cấp sổ đỏ đều được nộp tại UBND huyện, sau đó Phòng TN&MT huyện cử người xuống làm các thủ tục pháp lý. Về hợp đồng chuyển nhượng lúc bấy giờ cũng chưa bài bản như hiện nay, khi sang nhượng đất xã chỉ cần bắt buộc có bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng sang nhượng người dân có thể ký kết với nhau bên ngoài, sau đó đến UBND xã xin xác nhận. Thời điểm đó chưa áp dụng ký kết hợp đồng tại UBND xã.
Với các thông tin mà Phòng TN&MT huyện Bàu Bàng và Bí thư xã Lai Hưng đã trả lời như trên thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Nhìn nhận về vụ 4.000m2 đất bị “bốc hơi”, Luật sư Nguyễn Khắc Bảo Tùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải do chủ sử dụng đất hợp pháp là bà Lan thực hiện và bà Lan cũng không ủy quyền cho ai thì việc sang nhượng này không đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Trương Minh Tuỳ, Văn phòng Luật sư Sài Gòn Luật nhìn nhận: “ Việc UBND xã Lai Hưng để người dân tự ký khống hợp đồng chuyển nhượng đất bên ngoài là hoàn toàn sai luật và việc Chủ tịch xã ký chứng thực mà chưa có vẽ bản vẽ tách một phần thửa đất để chuyển nhượng cũng là sai”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Kiên - Xuân Hinh