Hà Giang:

Bài 5: ""Cò cưa" giữ hộ con dấu là công an tỉnh Hà Giang đang "bóp chết" doanh nghiệp"

(Dân trí) - "Việc Công an tỉnh Hà Giang “giữ hộ” con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang không khác gì làm khó cho doanh nghiệp, và có dấu hiệu gây cản trở những hoạt động bình thường của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đang đắp chiếu chờ đợi con dấu. Việc "Cò cưa" giữ hộ con dấu đang "bóp chết" doanh nghiệp", luật sư Vi Văn Diện phân tích.

Liên quan đến vụ việc Công an tỉnh Hà Giang "giữ hộ" con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang khiến nhà máy bị đình trệ sản xuất, hàng trăm công nhân rơi vào cảnh bơ vơ, "sống dở chết dở" do không có việc làm, PV Dân trí đã cuộc trao đổi với luật sư Vi Văn Diện về tính pháp lý của sự việc.

Luật sư Diện nhận định: "Xét hồ sơ và trình bày của đại diện Công ty cổ phần xi măng Hà Giang, tôi cho rằng việc cơ quan công an tỉnh Hà Giang lại có thỏa thuận “giữ hộ” con dấu của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp kêu trời, khẩn thiết đề nghị được “xin lại” để sử dụng là việc rất khó hiểu. Cơ quan công an tỉnh Hà Giang trả lời đề nghị xin lại con dấu của doanh rằng phải xây dựng quy chế sử dụng con dấu, đơn đề nghị xin lại con dấu phải có đủ chữ ký của các thành viên có mặt trong buổi làm việc trước đó, nghĩa là yêu cầu phải có đủ chữ ký của những người ký văn bản gửi dấu thì mới đồng ý trả lại, trong khi các thành viên Công ty có mâu thuẫn.

Luật sư Vi Văn Diện: 
Luật sư Vi Văn Diện: ""Cò cưa" giữ hộ con dấu là công an tỉnh Hà Giang đang "bóp chết" doanh nghiệp".

Thiết nghĩ, con dấu là tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, là điều kiện, yếu tố để xác định tư cách pháp nhân, con dấu thể hiện vị trí, giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp, con dấu không phải là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân các thành viên Công ty vậy nên nếu nhờ công an giữ hộ thì chỉ cần nội bộ doanh nghiệp thống nhất, quyết định và cử đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật đồng ý thực hiện là được.

Hơn thế đối với Công ty cổ phần còn có các cơ quan như Hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc… Vậy chỉ cần căn cứ quy định của pháp luật đơn vị nào, cá nhân nào trong doanh nghiệp theo quy định có thẩm quyền về quản lý sử dụng con dấu thì theo tôi một đại diện có thẩm quyền đó đề nghị là đủ".

Theo luật sư Diện, như cách trả lời của cơ quan Công an tỉnh Hà Giang về việc “giữ hộ” và nội dung đề nghị để giải quyết “giao trả lại” con dấu cho doanh nghiệp như vậy không khác gì làm khó cho doanh nghiệp, và có dấu hiệu gây cản trở những hoạt động bình thường của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đang đắp chiếu chờ đợi con dấu. Theo quy định tại Ngị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý, sử dụng con dấu thì rõ ràng việc các thành viên không được pháp luật ghi nhận, không được ủy quyền, không có sự thống nhất, thỏa thuận nội bộ hoặc quy chế quản lý, sử dụng con dấu thì không có thẩm quyền trong việc này.

 Khoản 3, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 58 nêu trên đã quy định:

“3. Việc đóng dấu vào các loại văn bản giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật;

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.; Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ. Trường hợp thật cần thiết để giải quyết công việc ở xa trụ sở cơ quan thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó có thể mang con dấu đi theo và phải chịu trách nhiệm về việc mang con dấu ra khỏi cơ quan”. Xét trường hợp này Công ty cổ phần xi măng Hà Giang cũng không thuộc diện bị thu hồi, hoặc tạm đình chỉ sử dụng con dấu Theo quy định tại Điều 7 Nghị định này .

Ngoài ra Điều 36, Luật doanh nghiệp 2005 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:

“1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ;

2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai”.

"Như vậy, rõ ràng luật pháp đã xác định con dấu là tài sản của doanh nghiệp, do người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nên việc quản lý và sử dụng như thế nào là quyền của doanh nghiệp (mà trực tiếp là người đại diện theo pháp luật) miễn là không vi phạm pháp luật.

Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.

Từ những phân tích và nhận định trên tôi cho rằng, chỉ cần đề nghị của Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần xi măng Hà Giang về việc xin lại con dấu để doanh nghiệp sử dụng thì Công an tỉnh Hà Giang đã phải trả lại cho doanh nghiệp, tao điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh nhà hoạt động trở lại đạt hiệu quả tốt theo tinh thần phát triển tiềm năng và lợi thế kinh tế của tỉnh, của doanh nghiệp.

Nếu giữ nguyên quan điểm cho rằng bắt buộc phải có quy chế, phải có đủ chữ ký của các thành viên khi gửi giữ mới trả con dấu thì Công an tỉnh Hà Giang đã mặc nhiên thừa nhận một vai trò mới là trông giữ giúp tài sản theo tinh thần “hợp đồng gửi giữ tài sản” giữa doanh nghiệp và Công an tỉnh Hà Giang, như vậy vô hình chung thừa nhận những thành viên Công ty không được pháp luật công nhận quyền về quản lý, sử dụng con dấu và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Được biết, tại thời điểm các thành viên Công ty ký văn bản gửi con dấu là do họ có mâu thuẫn nội bộ liên quan đến tranh chấp nội bộ cổ đông về quyền lợi đối với cổ phần, Biên bản họp Hội đồng cổ đông trái luật, vì không tin tưởng nhau liên quan đến việc lạm dụng quyền hạn sử dụng con dấu trái quy định nên họ cùng nhau kéo đến công an để “gửi” trong khi pháp luật quy định chỉ người đại diện theo pháp luật mới có quyền (trừ trường hợp có ủy quyền hợp pháp).

Vậy sau khi họ giải quyết xong tranh chấp nội bộ và người đại diên theo pháp luật đã có đơn đề nghị Công an tỉnh Hà Giang trả lại con dấu thì chẳng có lý do gì Công an Hà Giang tiếp tục giữ lại con dấu của doanh nghiệp. Pháp luật có đầy đủ quy định, chế tài cho những cá nhân, tổ chức về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan, nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và việc quản lý, sử dụng con dấu của doanh nghiệp cũng không ngoại lệ nên Công an tỉnh Hà Giang chẳng thể giữ lại dấu của doanh nghiệp theo cách đó".

Trong khi đó, PV Dân trí đã có mặt mục sở thị khung cảnh hoang lạnh của nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang từng được mệnh danh là "đầu tầu công nghiệp" của tỉnh này.

Khu vực sản xuất, kho nguyên liệu đều "đóng băng" và phủ đầy mạng nhện. Cỏ cây dại đã mọc kín khuôn viên nhà máy trong khi đại công trường sầm uất có khi đã đến cả hơn 300 công nhân hoạt động này giờ "vắng như chùa Bà Đanh".

Hiện con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang đang nằm tại Công an tỉnh Hà Giang dưới danh nghĩa "giữ hộ" và thủ tục để trả lại thì vẫn đang được phía chính quyền và công an đưa ra...bàn bạc. Trong khi đó, hệ lụy nhãn tiền là nhà máy trăm tỷ nằm đắp chiếu và hàng trăm công nhân đang phải vất vưởng "thoi thóp" sống.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm