Hàng trăm công nhân kêu cứu tại Hà Giang: “Phải cấp thiết bảo vệ người lao động”
(Dân trí) - Về việc hàng trăm công nhân của Công ty CP xi măng Hà Giang kêu cứu khi rơi vào cảnh thất nghiệp, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết điều cấp thiết là phải bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời đề xuất sớm trả con dấu cho doanh nghiệp hoạt động.
Theo lời kêu cứu khẩn cấp của cả trăm công nhân Công ty CP xi măng Hà Giang, sau 2 năm xảy ra tranh chấp giữa các thành viên hội đồng quản trị đã đẩy công ty vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn dẫn đến cả trăm công nhân không có việc làm.
Đến ngày 13/9/2013, sau một thời gian dài ròng rã các lãnh đạo của Công ty CP xi măng Hà Giang đưa nhau "đáo tụng đình", TAND Tối cao đã chính thức có bản án phúc thẩm số 169/2013/KDTM-PT đưa ra phán xét để HĐQT hợp pháp của công ty trở lại hoạt động theo quy định pháp luật.
Những tưởng câu chuyện đã được tháo gỡ thì cả công ty nháo nhác bởi không còn con dấu để hoạt động. "Chúng tôi khẩn thiết mong muốn Công an tỉnh Hà Giang trả lại con dấu cho công ty để công ty có thể trở lại sản xuất kinh doanh bình thường, giúp công nhân chúng tôi có thể ổn định cuộc sống",công nhân Công ty CP xi măng Hà Giang bày tỏ nguyện vọng.
Được biết, hiện con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang đang nằm tại Công an tỉnh Hà Giang dưới danh nghĩa "giữ hộ" và thủ tục để trả lại thì vẫn đang được phía chính quyền và công an đưa ra...bàn bạc.
Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), một trong những đơn vị đươc UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo phối hợp giải quyết sự việc.
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Giám đốc sở KH&ĐT cho biết: "Cơ quan quản lý nhà nước thì thứ nhất phải tôn trọng pháp luật, thứ hai phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu chủ sở hữu doanh nghiệp không phải là nhà nước, nếu có tranh chấp thì mời các ông ra tòa với nhau, chúng tôi không được phép can thiệp. Sự tranh chấp của các bên, ví dụ ông mới, ông cũ, ông này tăng, ông này giảm, việc đó là của các ông, nhưng về nguyên tắc thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt phải quan tâm đến quyền lợi của người lao động.
Về chuyện bên công an không chịu trả lại con dấu cho doanh nghiệp, nếu đi vào sâu thì có những chuyện mà, có thể chúng tôi vẫn chưa nắm được. Theo quan điểm của tôi, cái này nó còn “lình xình”. Chắc là từ giờ cho đến 20/8, chuyện con dấu có thể giải quyết xong để thực hiện theo đúng tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật và quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Còn những vấn đề tranh chấp nội bộ trong công ty, nếu các ông ngồi lại với nhau không giải quyết được thì mời các ông đưa ra tòa".
Đưa ra quan điểm về sự việc, ông Hoàng Văn Mậu - Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cho rằng: Với quan điểm của chúng tôi là mong muốn tháo gỡ nhanh chóng cho doanh nghiệp vì công ty rất quan trọng cho tỉnh, đóng góp một phần quan trọng cho công nghiệp tỉnh như cung ứng xi măng, công trình xây dựng cơ sở vật chất, các chương trình của tỉnh. Thêm vào đó, các cổ đông công ty đa phần là người địa phương, không có công ăn việc làm sẽ rất khó khăn.
"Quan điểm thông suốt từ tỉnh Hà Giang đến Sở ban ngành là sẽ trả con dấu cho doanh nghiệp sớm nhất", ông Mậu khẳng định.
Theo ông Vũ Duy Quân, đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Công ty CP xi măng Hà Giang ngày 14/6/2014 đã đưa ra Nghị quyết thông nhất bầu ông làm chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ thứ IV.
Từ đó đến nay, ban lãnh đạo Công ty CP xi măng Hà Giang đã liên tục có đơn đề nghị gửi Tỉnh ủy - UBND tỉnh - Công an tỉnh Hà Giang về việc xin Công an tỉnh Hà Giang trả lại con dấu để công ty hoạt động.
"Để tháo gỡ cho Công ty ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ phá sản công ty như hiện nay, tạo điều kiện công ăn việc làm cho gần 200 cán bộ, công nhân viên công ty, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương, tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, chúng tôi những thành viên HĐQT hợp pháp khẩn thiết mong muốn Công an tỉnh Hà Giang hoàn trả lại con dấu cho đại diện hợp pháp của Công ty CP xi măng Hà Giang", đơn kiến nghị bày tỏ.
Tuy nhiên, lời kêu cứu khẩn thiết của hàng trăm công nhân và ban lãnh đạo của nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang vẫn chỉ đang được các cơ quan ban ngành tỉnh Hà Giang xem xét. Trong khi đó, hệ lụy nhãn tiền là nhà máy trăm tỷ nằm đắp chiếu và hàng trăm công nhân đang phải vất vưởng "thoi thóp" sống.
Dân trí sẽ tiếp nhận thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế