Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang lên tiếng vụ "giữ hộ" con dấu và doanh nghiệp tan hoang

(Dân trí) - Liên quan đến vụ lùm xum tại nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang khẳng định chỉ là giữ hộ con dấu và việc tranh chấp tại công ty này chỉ là tranh chấp dân sự. Thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án.

Liên quan đến việc con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang bị Công an tỉnh Hà Giang giữ trong suốt một thời gian dài khiến nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh này không thể hoạt động đứng trước nguy cơ phá sản và hàng trăm công nhân của Công ty CP xi măng Hà Giang thất nghiệp, "thoi thóp" đợi tranh chấp giữa lãnh đạo công ty được giải quyết, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang.

Ông Hùng cho biết: "Quan điểm của Công an tỉnh Hà Giang rõ ràng việc tranh chấp tại Công ty CP xi măng Hà Giang là vấn đề tranh chấp dân sự, bao giờ có dấu hiệu hình sự thì công an mới xử lý. Còn con dấu là do các bên trong công ty nhờ cơ quan công an giữ hộ thì anh em giữ hộ. Nếu khi nào có việc, các bên đến cơ quan công an thì anh em đưa dấu cho đóng. Xong thì anh em lại giữ hộ, có thế thôi. Cơ quan công an chúng tôi cũng không phải làm trọng tài trong việc này mà là các bên nhờ và chủ tịch tỉnh có ý kiến thì chúng tôi mới giữ hộ chứ".

Theo ông Hùng, bây giờ câu chuyện là trong nội bộ công ty đang giành nhau số cổ phần. Đã cùng nhau mời kiểm toán rồi, bây giờ có kết quả kiểm toán nhưng có bên không chấp nhận. Nếu như các bên không đồng ý với kiểm toán thì lại đưa nhau ra tòa dân sự.

Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.

"Lần trước, tòa dân sự giải quyết đã giải quyết xong tư cách đại hội rồi. Còn bây giờ tranh chấp nhau về cổ phần, các bên đưa nhau ra tòa án chứng minh thôi. Còn khi tòa án đã quyết thì các bên đương nhiên phải thi hành còn không sẽ phải tiến hành cưỡng chế", ông Hùng nói.

Về việc 2 năm nay doanh nghiệp đóng băng và tài nguyên khoáng sản bị bỏ phí khiến hàng trăm công nhân mất việc, trong khi con dấu cơ quan công an đang giữ, ông Hùng tái khẳng định: "Cần xác định rõ ràng là chúng tôi giữ hộ con dấu chứ không phải là thu giữ. Hai bên nhờ, Chủ tịch tỉnh cũng có ý kiến chúng tôi mới giữ hộ chứ. Bao giờ các bên thống nhất trả dấu cho ai thì chúng tôi trả.

Đây là một doanh nghiệp tư nhân, cổ phần chứ không phải doanh nghiệp nhà nước, không phải tiền nhà nước mà là tiền của người ta. Nên hai bên tranh chấp thì cứ ra tòa đã chứ bây giờ hình sự hóa chuyện ấy là không được. Trước anh em đã khởi tố vụ án tại công ty này nhưng chỉ là để điều tra nhưng sau đó thấy chưa đủ căn cứ".

Về vụ việc này, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết điều cấp thiết là phải bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời đề xuất sớm trả con dấu cho doanh nghiệp hoạt động.

Đưa ra quan điểm về sự việc, ông Hoàng Văn Mậu - Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cho rằng: Với quan điểm của chúng tôi là mong muốn tháo gỡ nhanh chóng cho doanh nghiệp vì công ty rất quan trọng cho tỉnh, đóng góp một phần quan trọng cho công nghiệp tỉnh như cung ứng xi măng, công trình xây dựng cơ sở vật chất, các chương trình của tỉnh. Thêm vào đó, các cổ đông công ty đa phần là người địa phương, không có công ăn việc làm sẽ rất khó khăn.

"Quan điểm thông suốt từ tỉnh Hà Giang đến Sở ban ngành là sẽ trả con dấu cho doanh nghiệp sớm nhất", ông Mậu khẳng định.

Được biết, ngày 13/9/2013,TAND Tối cao đã chính thức có bản án phúc thẩm số 169/2013/KDTM-PT đưa ra phán xét để HĐQT hợp pháp của công ty trở lại hoạt động theo quy định pháp luật.

Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
Hoang lạnh nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang.
TAND Tối cao đã chính thức có bản án phúc thẩm số 169/2013/KDTM-PT đưa ra phán xét để HĐQT hợp pháp của công ty trở lại hoạt động theo quy định pháp luật.

Theo bản án của TAND Tối cao, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại Công ty CP xi măng Hà Giang là do tranh trấp, bất đồng giữa các cổ đông trong công ty. Cụ thể, theo Công ty CP Đồng Tâm cho rằng đã góp vốn tại Công ty xi măng Hà Giang là 63,37% vốn điều lệ trên thực tế, còn theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 58,37% vốn điều lệ trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty CP xi măng Hà Giang.

Tuy nhiên, ngày 22/10/2012, Ban kiểm soát Công ty CP xi măng Hà Giang tiến hành cuộc họp đại hội cổ đông  đã tự ý hạ tỷ lệ góp vốn của Công ty CP Đồng Tâm xuống còn 6,104%. Vì những lý do trên, Công ty Đồng Tâm đề nghị Tòa xem xét hủy quyết định của Đại hội cổ đông ngày 22/10 mà công ty này cho là trái quy định pháp luật.

Theo bản án, sau khi xem xét các khía cạnh vụ việc, HĐXX nhận thấy đại hội cổ đông của của Công ty CP xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012 đã vi phạm về trình tự, thủ tục tiến hành và nội dung nghị quyết của đại hội là trái các quy định của Luật doanh nghiệp. Do đó, Tòa quyết định hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết (quyết định) của Đại hội cổ đông Công ty CP xi măng Hà Giang ngày 22/10/2012. Đồng nghĩa với việc, mọi hoạt động công ty trở lại bình thường với bộ máy lãnh đạo được thừa nhận theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, PV Dân trí đã có mặt mục sở thị khung cảnh hoang lạnh của nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh Hà Giang từng được mệnh danh là "đầu tầu công nghiệp" của tỉnh này.

Khu vực sản xuất, kho nguyên liệu đều "đóng băng" và phủ đầy mạng nhện. Cỏ cây dại đã mọc kín khuôn viên nhà máy trong khi đại công trường sầm uất có khi đã đến cả hơn 300 công nhân hoạt động này giờ "vắng như chùa Bà Đanh".

Hiện con dấu của Công ty CP xi măng Hà Giang đang nằm tại Công an tỉnh Hà Giang dưới danh nghĩa "giữ hộ" và thủ tục để trả lại thì vẫn đang được phía chính quyền và công an đưa ra...bàn bạc. Trong khi đó, hệ lụy nhãn tiền là nhà máy trăm tỷ nằm đắp chiếu và hàng trăm công nhân đang phải vất vưởng "thoi thóp" sống.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế