Bài 4:

Vụ án kho gỗ trắc và bìa đỏ không chính chủ: "Quá nhiều sai phạm của các cơ quan chức năng liên quan"

(Dân trí) - Liên quan đến nội dung vụ án “kho gỗ trắc và bìa đỏ không chính chủ”, phóng viên báo Điện tử Dân trí đã có buổi làm việc với Luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng VPLS Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dưới góc độ pháp lý.

Thưa Luật sư Trương Quốc Hoè, xin luật sư cho biết trong vụ án này những sai phạm của vụ án đã xuất phát từ đâu?

Luật sư Trương Quốc Hoè: Có thể nói, hồ sơ vụ án đã thể hiện rất nhiều những sai phạm của các cơ quan chức năng có liên quan, tuy nhiên, xuất phát điểm của những sai phạm này lại chính là ở vấn đề xem xét, đánh giá và thực hiện Bản di chúc chung của cụ Phan Cù cùng vợ là cụ Lê Thị Miều của các cá nhân (là các đồng thừa kế hay người nhận chuyển nhượng trái pháp luật tài sản thừa kế) và các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án (như Phòng Công chứng, như Phòng TNMT – UBND TP Kon Tum, TAND TP Kon Tum…).

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng, TAND TP Kon Tum từng bị Tòa tỉnh tuýt còi.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng, TAND TP Kon Tum từng bị Tòa tỉnh "tuýt còi".

Nội dung vụ án thể hiện, cụ Phan Cù và cụ Lê Thị Miều là đồng sở hữu khối tài sản là nhà đất theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số 184/CNSH do Sở xây dựng Kon Tum cấp ngày 22/10/1992. Đây là khối tài sản cụ Phan Cù đã tạo dựng thông qua việc mua bán từ ngày 10/10/1955 và quá trình xác lập quyền sở hữu của hai cụ đã được lưu giữ tại trích lục bản đồ ngày 15/11/1958 đến nay.

Năm 1990 cụ Cù và cụ Miều cùng lập di chúc chung để lại toàn bộ khối tài sản trên gồm toàn bộ nhà đất với diện tích 1.476m2 cho vợ chồng người con trai là ông Phan Văn Kế và bà Trương Thị Công Phường. Năm 2001 cụ Cù chết.

Điều 671 BLDS năm 1995 quy định Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”

Căn cứ theo quy định tại Luật công chứng năm 2006, Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, Mục 7 Phần I Thông tư số 03/2001/TP-CC Hướng dẫn thi hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì để có quyền sở hữu đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, người được thừa kế phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thủ tục này được tiến hành tại văn phòng công chứng. Theo đó, những người hưởng di sản thừa kế phải nộp hồ sơ gồm: GCNQSDĐ; Giấy chứng tử của cụ Cù; Di chúc; giấy tờ tùy thân của các thừa kế; Giấy tờ khác của người nhận thừa kế…. Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản, thời gian niêm yết là 15 ngày. Đặc biệt, cơ quan công chứng, chứng thực phải cử người trực tiếp niêm yết, có sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án cho thấy rất rõ, trước khi tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng số 88 và có Văn bản khai nhận di sản thừa kế, không có thông tin nào chứng minh Phòng công chứng số 1 và công chứng viên Bùi Đình Khuyên đã tiến hành niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế tại UBND phường Thắng Lợi. Công chứng viên Bùi Đình Khuyên đã công chứng luôn Văn bản khai nhận di sản thừa kế và Hợp đồng chuyển nhượng số 88 trong cùng một ngày 16/06/2010 để các bên tiến hành thủ tục chuyển nhượng là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Rõ ràng, Công chứng viên Bùi Đình Khuyên đã bỏ qua các quy định pháp luật, tiến hành công chứng Hợp đồng nói trên, tạo tiền đề cho hàng loạt các sai phạm về sau của Phòng TNMT TP Kon Tum trong quá trình cấp GCN QSDD cho ông Thuận; cũng như sau này chính thẩm phán TAND TP Kon Tum trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án cũng không hề xem xét đến hiệu lực của di chúc, công nhiên thừa nhận hang loạt những sai phạm của các cơ quan trên, dẫn đến việc quyền – lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế trong vụ án này bị xâm phạm nghiêm trọng.

Vậy thưa luật sư, theo hồ sơ vụ án, công chứng viên Bùi Đình Khuyên đã có những sai phạm nào trong quá trình ký công chứng Hợp đồng chuyển nhượng số 88?

Luật sư Trương Quốc Hoè: Liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng số 88 giữa cụ Lê Thị Miều, bà Trương Thị Công Phường và ông Phạm Đức Thuận, ngoài sai phạm về việc không tuân thủ các quy định pháp luật về thủ tục khai nhận di sản thừa kế đã nêu ở trên, công chứng viên Bùi Đình Khuyên còn có những sai phạm như sau:

Luật sư Trương Quốc Hoè: Quá nhiều sai phạm của các cơ quan chức năng có liên quan.
Luật sư Trương Quốc Hoè: "Quá nhiều sai phạm của các cơ quan chức năng có liên quan".

Thứ nhất, công chứng viên Bùi Đình Khuyên vẫn tiến hành việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng số 88 mặc dù bà Phường và cụ Miều chưa được nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với tài sản chuyển nhượng: Theo Hồ sơ vụ án, ngày 09/02/2009, ông Kế cùng vợ là bà Phường và các con đã tiến hành lập “Văn bản thỏa thuận tài sản chung của vợ chồng thành tài sản riêng của vợ sau ly hôn”, ông Kế có khai nhận một số tài sản chung của hai vợ chồng trong đó có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số 184/CNSH (tức toàn bộ diện tích 1.260 m2 bao gồm quyền sử dung đất và tài sản gắn liền với đất trên), và đồng ý chuyển toàn bộ số tài sản trên từ tài sản chung của hai vợ chồng thành tài sản riêng của bà Phường và các con. Văn bản thoả thuận này hoàn toàn không hợp pháp bởi tại thời điểm này các đồng thừa kế của cụ Phan Cù vẫn chưa tiến hành khai nhận di sản thừa kế do cụ Phan Cù để lại. Giấy chứng nhận QSDD vẫn chưa mang tên ông Kế, do vậy ông Kế không thể tự ý định đoạt để thoả thuận chuyển khối tài sản này sang tên bà Phường và các con chung của ông bà được.

Cũng theo nội dung văn bản thỏa thuận giữa ông Kế và bà Phường thì: “toàn bộ tài sản nhà và đất hiện đang được thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Bà Trương Thị Công Phường và toàn bộ các con là người nhận toàn bộ số tài sản này và đồng thời bà có trách nhiệm trả nợ toàn bộ số tiền đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng”. Căn cứ theo quy định tại Điều 348, Điều 349 Bộ Luật dân sự năm 2005, để chuyển giao nghĩa vụ liên quan đến các tài sản thế chấp giữa ông Kế và bà Phường cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng Vietcombank. Trong hồ sơ vụ việc cũng như tại các phiên tòa, không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện sự đồng ý của ngân hàng bên nhận thế chấp đồng ý việc chuyển giao nghĩa vụ trên của vợ chồng ông Kế, bà Phường. Do đó, việc định đoạt khối tài sản khi chưa được sự cho phép của ngân hàng là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Sau đó, các con của bà Phường đã làm văn bản ủy quyền cho bà Phường được toàn quyền định đoạt khối tài sản trên. Văn bản này cũng hoàn toàn sai phạm, không có giá trị pháp lý bởi như đã phân tích ở trên…

Theo quy định tại Điều 35 Luật công chứng năm 2006 thì công chứng viên phải kiểm tra, làm rõ tính hợp pháp của giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản được chuyển nhượng giữa các bên. Do đó, việc công chứng của ông Khuyên đối với Hợp đồng chuyển nhượng giữa cụ Miều, bà Phường và ông Thuận đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Thứ hai, tại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công chứng viên Bùi Đình Khuyên đã không ký vào từng trang của hợp đồng chuyển nhượng: Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Công chứng năm 2006 thì: “Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch”.

Thứ ba, liên quan đến việc ký, điểm chỉ của cụ Miều vào Hợp đồng số 88, công chứng viên đã không đưa ra được chứng cứ chứng minh cụ Miều đã trực tiếp điểm chỉ vào Hợp đồng:

Điều 41 Luật công chứng năm 2006 quy định về việc Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:

“1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng phải ký vào văn bản công chứng trước mặt công chứng viên.

2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Trong vụ án này, cụ Miều không phải là người bị khuyết tật không thể ký, cụ là người biết chữ và có thể ký tên được bởi chính cụ đã ký tên vào di chúc chung của hai vợ chồng. Do đó, rõ ràng công chứng viên đã tiến hành thủ tục công chứng đối với hợp đồng chuyển nhượng không đúng theo quy định của pháp luật.

Tại Kết luận giám định số 300/C54C của Phân viện Khoa học hình sự Bộ công an tại TP Đà Nẵng ngày 11/7/2014 thì do dấu vân tay nhoè nên không đủ cơ sở để xác định đó có phải là dấu vân tay của cụ Miều không, do vậy không tiến hành giám định. Vì thế cho đến nay chưa có căn cứ nào khẳng định dấu vân tay này là của cụ Miều, thế nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP Kon Tum vẫn mặc nhiên thừa nhận đây là dấu vân tay của cụ, từ đó công nhận tính hợp pháp của Hợp đồng chuyển nhượng số 88.

Ngoài ra, hợp đồng công chứng thể hiện công chứng viên xác nhận các bên đã trực tiếp tới văn phòng công chứng để ký, điểm chỉ vào hợp đồng chuyển nhượng số 88 trước sự chứng kiến của công chứng viên. Tuy nhiên, theo lời khai của các con cụ Miều và xác nhận của hàng xóm xung quanh thì thời điểm đó, cụ Miều đã 90 tuổi, bị ốm nặng, nằm liệt giường và sống thực vật, không đi lại được nên không thể tới văn phòng công chứng để điểm chỉ vào hợp đồng chuyển nhượng được. Trong trường hợp này, nếu đúng cụ Miều có điểm chỉ vào hợp đồng mua bán thì công chứng viên sẽ phải tiến hành việc công chứng tại nhà (trong khi đó, tại văn bản lại thể hiện việc công chứng hợp đồng được tiến hành tại phòng công chứng). Trong quá trình giải quyết vụ án, công chứng viên không đưa ra được bằng chứng chứng minh cụ Miều đã trực tiếp đến văn phòng công chứng để tiến hành ký kết hợp đồng. Do đó, rõ ràng việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng đã không đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, diện tích đất và tài sản chuyển nhượng không đúng với hiện trạng

Tại Hợp đồng chuyển nhượng số 88 mô tả về quyền sử dụng đất chuyển nhượng là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” số 184/CNSH do Sở xây dựng tỉnh Kon Tum cấp ngày 22/10/1992. Theo đó, đối tượng chuyển nhượng gồm: Diện tích đất: 1260m2; Diện tích nhà ở: 112m2; Kiến trúc: Loại nhà trệt, số phòng 04, cột khung gỗ, vách gạch, mái ngói, nền xi măng”

Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm chuyển nhượng (16/06/2010), diện tích đất là khoảng trên 1.476m2, tài sản trên đất là căn nhà trệt cũ đã không còn tồn tại, thay vào đó là khu Văn phòng làm việc của Công ty TNHH Đăng Khoa. Đáng nói hơn là toàn bộ phần diện tích nhà đã được xây dựng mới này thuộc phần đất chuyển nhượng (thửa đất số 48) là khoảng tầm 140m2(lấn từ thửa số 49 sang khoảng 4m theo chiều ngang).

Căn cứ theo quy định tại Chương XXVIII Bộ luật dân sự 2005 thì trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung : Loại đất, hạng đất diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất. Đối chiếu với quy định này thì trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thiếu sự mô tả về tình trạng đất, ranh giới đất thực tế. Điều khoản về đối tượng chuyển nhượng trong hợp đồng là điều khoản cơ bản của hợp đồng, vì vậy, việc các bên không mô tả đúng đối tượng chuyển nhượng có thể dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.

Thứ năm, toàn bộ diện tích 140m2 đất và nhà ở gắn liền với đất được chuyển nhượng tại Hợp đồng này đang được thế chấp tại ngân hàng mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp

Năm 2008, để đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Đăng Khoa, bà Phường và ông Kế đã đồng ý dùng tài sản là nhà đất thuộc thửa đất số 49 tại địa chỉ số 3 Thi Sách để thế chấp tại Vietcombank theo Hợp đồng bảo lãnh số 31/12/VCB ngày 31/12/2008.

Đến năm 2010, trong khối tài sản là 1.421,8m2 đất được chuyển nhượng cho ông Thuận theo Hợp đồng số 88 có phần diện tích 140m2 nhà và đất là tài sản vẫn đang thế chấp tại ngân hàng từ năm 2008 (chưa được xóa thế chấp) vì vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 348, Điều 349 Bộ Luật dân sự 2005 thì để chuyển giao nghĩa vụ liên quan đến các tài sản đang thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng Vietcombank. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, tại thời điểm này không có văn bản nào thể hiện ngân hàng đồng ý với việc chuyển quyền sử dụng đất của bên thế chấp cho ông Thuận (chỉ trong Biên bản thỏa thuận ngày 06/04/2012 ngân hàng mới đồng ý để bà Phường chuyển nhượng diện tích đất trên cho ông Phạm Tiến Thành). Do đó, việc bà Phường đem một phần tài sản thế chấp chuyển nhượng cho ông  Thuận là trái với quy định của pháp luật và công chứng viên khi tiến hành công chứng đã không xem xét kỹ hồ sơ, vẫn ký công chứng là trái với quy định pháp luật.

Mặc dù sai phạm của công chứng viên Bùi Đình Khuyên trong việc công chứng Hợp đồng chuyển nhượng đã được UBND thành phố Kon Tum Kết luận rõ tại Thông báo số 173/TB-UBND nhưng trong lời khai trước và trong các phiên tòa giải quyết vụ án, ông Khuyên vẫn khẳng định việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng là đúng theo quy định của pháp luật. Những sai phạm trên cộng thêm hành vi khai báo không đúng sự thật trước tòa của công chứng viên này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS), Tội khai báo gian dối (Điều 307 BLHS)

Xin cảm ơn luật sư.

Tuệ Mẫn