Như Dân trí đã đưa tin Cục Thi hành án (THA) TP Hà Nội đã tiếp nhận những nội dung khiếu nại, tố cáo của gia đình 194 phố Huế gồm:
1. Sai phạm của Cục THA dân sự TP Hà Nội khi tiến hành giải quyết số tiền bán đấu giá nhà đất 194 Phố Huế trong khi đã có kết luận của cơ quan điều tra về hành vi cưỡng chế THA trái pháp luật của bị can Trịnh Ngọc Chung. Tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, thành viên gia đình 194 phố Huế về việc một số cá nhân là lãnh đạo, cán bộ của Cục THA dân sự TP Hà Nội đã cùng phía ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng mà bà Hồng nhận được từ tài sản phân chia thừa kế ngôi nhà 194 phố Huế.
2. Xác định sai quyền sở hữu nhà đất 194 Phố Huế cũng như xác định sai diện, hàng thừa kế.
3. Thực hiện không đúng thẩm quyền, nhiệm vụ của mình trong việc tự ý chia thừa kế cho các đương sự; tự ý phân chia di sản của người phải thi hành án một cách không có căn cứ pháp luật.
4. Cục THA dân sự TP Hà Nội không trả lời đơn, thư khiếu nại của gia đình 194 Phố Huế về việc tự ý chia thừa kế trái pháp luật cho gia đình 194 Phố Huế mặc dù họ đã 5 lần gửi đơn khiếu nại.
Trao đổi với PV Dân trí về việc trả lời các nội dung khiếu nại trên, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hà Nội cho biết: Do vụ việc phức tạp, Cục Thi hành án TP Hà Nội đang báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án. Hiện phía Tổng cục chưa có chỉ đạo chính thức về giải quyết sự việc.
Để tìm hiểu làm rõ những nội dung khiếu nại, tố cáo của gia đình 194 phố Huế, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Minh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục THA TP Hà Nội), đồng thời là chấp hành viên trực tiếp thụ lý sự việc.
Về nội dung bà Nguyễn Thị Thu Hồng, thành viên gia đình 194 phố Huế tố cáo một số cá nhân là lãnh đạo, cán bộ của Cục THA dân sự TP Hà Nội đã cùng phía ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng mà bà Hồng nhận được từ tài sản phân chia thừa kế ngôi nhà 194 phố Huế, ông Minh cho biết: "5 tỷ là một phần số tiền nằm trong phần bà Hồng được nhận theo đề nghị chi trả của tôi và ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục THA TP Hà Nội đã ký. Sau khi Cục trả số tiền cho bà Hồng thì bà Hồng có đề nghị gửi lại Cục do thời gian đó đã giáp Tết.
Nhưng sau đó, chị Phùng Thị Thu Hiền là thủ quỹ Cục Thi hành án có nói với tôi đã trót chi số tiền 5 tỷ trả ngân hàng. Tôi có hỏi chị Hiền tại sao lại trả vậy thì chị Hiền nói được chỉ đạo trả. Tôi yêu cầu chị Hiền giải trình với lãnh đạo Cục. Tôi có nói với chị Hiền rằng đơn của bà Hồng chỉ là xin nhận số tiền 11 tỷ còn khi người ta nhận xong, người ta muốn trả cho ai là quyền của người ta chứ thủ quỹ tự mang trả cho ngân hàng là sai. Sau đó, lãnh đạo Cục gọi tất cả vào phòng và Cục trưởng thu hồi lại tất cả phiếu chi và giấy tờ liên quan đề xuất trả tiền. Mãi tới cuối năm 2013, từ thông tin tôi cung cấp, bà Hồng mới biết việc số tiền 5 tỷ đồng của mình bị trả mất cho ngân hàng nên ngày 10/10/2013 mới làm đơn tố cáo".
Báo cáo và đề xuất của ông Phạm Ngọc Minh gửi lãnh đạo Cục Thi hành án TP Hà Nội liên quan đến số tiền 5 tỷ đồng của thành viên gia đình 194 phố Huế bị thủ quỹ Cục tự ý trả ngân hàng.
Về sự việc, ông Minh khẳng định: "Quan điểm của tôi là không biết tại sao chị Hiền lại trả 5 tỷ cho ngân hàng. Chủ số tiền là chị Hồng phải gặp ngân hàng lấy tiền ra và tự tay trả ngân hàng chứ cơ quan thi hành án không thể làm tắt được, tự ý trả tiền của bà Hồng cho ngân hàng là không đúng".
Về phần tiền còn lại của bà Nguyễn Thị Hồng sau khi gửi lại Cục Thi hành án TP Hà Nội, ông Minh cho biết: "Số tiền còn lại của bà Hồng sau khi chị Hiền thủ quỹ tự mang trả ngân hàng mất 5 tỷ là hơn 6,9 tỷ đồng. Ngay lúc ấy, lãnh đạo Cục gồm Cục trưởng Lê Quang Tiến và bà Hạnh - Trưởng phòng kiểm tra yêu cầu tôi đứng tên gửi tiết kiệm thì tôi nói tiền này không nằm trong cơ quan nên tôi không thể gửi được.
Thế nhưng lãnh đạo Cục có nói thủ quỹ vội về Tết nên yêu cầu tôi chủ động gửi để ra Tết trả cho bà Hồng. Tôi đồng ý và giữ cho đến nay. Nhiều lần tôi cũng đề xuất xử lý số tiền này. Bà Hồng cũng có nguyện vọng nhận lại số tiền này nhưng ngay sau khi tôi gửi tiền vào ngân hàng, lãnh đạo Cục đã thu sổ tiết kiệm lại nên tôi không thể rút được tiền ra nữa. Đến giờ, tôi vẫn có quan điểm đề xuất lãnh đạo Cục ký trả số tiền đó và tất cả tôi đề xuất bằng văn bản nhưng lãnh đạo Cục không trả lời".
Theo ông Minh, quan điểm của lãnh đạo Cục thi hành án cho rằng ngân hàng họ thực hiện cam kết với ông Mậu (chủ sở hữu ngôi nhà 194 phố Huế), bà Hồng - vợ ông Mậu từ xưa là toàn bộ giá trị bán ngôi nhà 194 phố Huế trả hết cho ngân hàng các nghĩa vụ mà công ty Bắc Sơn nợ. "Tôi có quan điểm khác hẳn. Tôi chỉ thi hành theo nội dung bản án. Những nội dung ngoài bản án các bên phải giải quyết bằng một bản án khác. do tòa án quyết định. Vì vậy tôi cho rằng vẫn phải trả hết số tiền còn lại cho những người thừa kế trong gia đình 194 phố Huế chứ không thể giữ lại tiền chờ đàm phán để trả cho ngân hàng", ông Minh nói.
Về nội dung gia đình 194 phố Huế khiếu nại Cục THA dân sự TP Hà Nội không trả lời đơn, thư tố cáo việc tự ý chia thừa kế trái pháp luật mặc dù gia đình 194 phố Huế đã 5 lần gửi đơn khiếu nại, ông Phạm Ngọc Minh cho biết đã nhận được đơn và nhiều lần báo cáo hồ sơ bằng văn bản để giải quyết khiếu nại. Còn việc trả lời khiếu nại thuộc về thẩm quyền và trách nhiệm của lãnh đạo Cục. Ông Minh cũng cho rằng về tiến độ trả lời theo luật khiếu nại tố cáo có thời hạn nhất định. Nếu như lãnh đạo Cục đã trả lời khiếu nại gia đình 194 phố Huế thì ông phải nhận được một bản để lưu hồ sơ nhưng đến giờ ông vẫn chưa nhận được.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: "Theo quy định pháp luật, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại của gia đình 194 phố Huế thì Cục THA dân sự TP Hà Nội phải thụ lý giải quyết. Sau khi gia đình 194 Phố Huế liên tục gửi 05 đơn khiếu nại đến Cục THA dân sự TP Hà Nội nhưng chưa hề nhận được bất cứ văn bản trả lời nào, cũng như chưa bao giờ nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ hay được mời đến tham gia buổi đối thoại, chứng tỏ Cục THA dân sự TP Hà Nội đã bỏ qua hàng loạt các quy định pháp luật để không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình".
Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Dân trí đã có loạt bài điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau hàng chục bài báo đấu tranh không khoan nhượng của báo điện tử Dân trí, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” để điều tra làm rõ. Ngay sau đó, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung nhân danh “Nhà nước” cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà 194 phố Huế, đồng thời đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, TAND TP Hà vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này. Về quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ 194 phố Huế, trả lời PV Dân trí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định chỉ đạo cơ quan tư pháp xử lý nghiêm, khách quan, đúng luật. |
Dân trí sẽ tiếp tục liên hệ làm việc với Cục Thi hành án TP Hà Nội để thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế