Di tích danh nhân văn hóa Lê Ngô Cát bị xâm hại:

Bài 3: Viện Sử học lên tiếng vụ di tích danh nhân bị xâm hại

(Dân trí) - Trước tình trạng cụm di tích Nhà thờ - Lăng mộ danh nhân Lê Ngô Cát bị xâm hại ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Viện Sử học đã lên tiếng khẳng định tính cấp thiết của việc bảo tồn cụm di tích này.

Đường Lê Ngô Cát - Huế chạy qua Đàn Nam Giao, dài 2202m

Đường Lê Ngô Cát - Huế chạy qua Đàn Nam Giao, dài 2202m

Nội dung công văn số 25/VSH-LSĐP&CN do Phó Viện Trưởng, PGS. TS Nguyễn Ngọc Mão gửi một số cơ quan chức năng nêu rõ: Viện sử học khẳng định, Lê Ngô Cát (1827 -1875) là một danh nhân lịch sử lớn của đất nước thế kỷ XIX. Lê Ngô Cát là người văn chương xuất chúng, nhất là thư chữ Nôm. Không chỉ có công với nước, Lê Ngô Cát còn có nhiều đóng góp cho quê hương bản quán.

Sau khi Lê Ngô Cát mất, con cháu trong dòng họ và nhân dân làng Hương Lãng đã xây lăng mộ và lập đền thờ. Ngày 14/11/2006, UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định số 1979/QĐ-UBND xếp hạng Nhà thờ - Lăng mộ danh nhân Lê Ngô Cát là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Quyết định do ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây ký . Đây là một vinh dự, tự hào của con cháu dòng họ Ngô nói riêng, của chính quyền và nhân dân xã.

Văn bản của Viện Sử học khẳng định tính cấp thiết của việc bảo toàn cụm di tích
Văn bản của Viện Sử học khẳng định tính cấp thiết của việc bảo toàn cụm di tích
 
Việc phá huỷ hoàn toàn ngôi nhà thờ cổ trên 100 năm tuổi để xây một ngôi nhà sát đó cách 80cm làm nhà ở của gia đình mình, hòng xoá đi mọi dấu vết cổ xưa mà không xin phép chính quyền của ông Ngô Thế Sơn- người trông nom đất đai nhà thờ của tổ tiên - là vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước.
 
Điều 2 của quyết định số 1979/QĐ-UBND quy định: “Nghiêm cấm mọi hoạt động làm ảnh hưởng tới giá trị của di tích; việc tu sửa, tu bổ, tôn tạo lại phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước hiện hành".
 
Điều 32 của luật Di sản văn hoá nêu rõ: “Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích”.

Điều 98 của luật Đất đai cũng quy định rõ trách nhiệm bảo vệ đất có di tích: "Đất có di tích lịch sử- văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Uỷ b an nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử- văn hoá, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Việc ông Ngô Thế Sơn, bà Nguyễn Thị Sâm cùng các con "tự nguyện dành ba gian nhà thờ và một phần đất để làm nơi thờ các cụ, chiều ngang là mười hai mét (12m), chiều dài ba mươi mét  (30m), tổng diện tích là ba trăm sáu mươi mét vuông (360m2) là không đúng với quy định, bởi số quỹ đất đó vốn thuộc khu vực I và II ( tức khu vực phải được bảo vệ nguyên trạng) theo Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích nhà thờ danh nhân Lê Ngô Cát được các cơ quan chức năng có thẩm quyền ký nhận vào ngày 23/10/2006.

Theo hồ sơ địa chính tại thôn Phú Bến, từ năm 1989 đến ngày 14/11/2006, khu di tích nhà thờ cụ Lê Ngô Cát đã được quy hoạch và nằm trong thửa đất số 115 với tổng diện tích 1.807m2. 3 năm sau khi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2009, người đứng tên chủ sử dụng là Ngô Thế Sơn đã cắt 200m2 đất thuộc khu di tích để bán là trái với quy định.
 
Kết luận Thanh tra nêu rõ những sai phạm tại cụm di tích danh nhân Lê Ngô Cát
Kết luận Thanh tra nêu rõ những sai phạm tại cụm di tích danh nhân Lê Ngô Cát

Điều 100 Luật đất đai ghi rõ: "Việc sử dụng đất có các công trình là đền, đình, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ phải đúng mục đích phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt".

Ngày 7/7/2009, UBND Huyện Chương Mỹ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Thế Sơn thuộc tờ bản đồ số 5 với diện tích 1.600m2 tại xã Thụy Hương là vi phạm cực kỳ nghiêm trọng, bởi đã xâm hại toàn bộ đến khu vực I và khu vực II cũng như quy hoạch khu nhà thờ danh nhân Lê Ngô Cát. Tại điều 46 Luật Đất đai, không có điều khoản nào cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thửa đất có di tích lịch sử văn hoá đã được công nhận.

Để tưởng nhớ, truy tôn đến những vị tiên hiền có công với dân, với nước cũng là để tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hiện hành. Viện Sử học đề nghị UBND xã Thụy Hương, UBND huyện Chương Mỹ và UBND thành phố Hà Nội, chi họ Ngô Tân An và gia đình ông Ngô Thế Sơn bàn bạc, thống nhất phương thức giải quyết phù hợp, thấu tính đạt lý và đúng quy định của pháp luật, khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
 

Trong đơn gửi đến Báo Dân trí, đại diện hậu duệ danh nhân Lê Ngô Cát cho biết, sau hơn 5 tháng kiểm tra, xác minh theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, ngày 7/11/2011 Thanh tra thành phố đã mời đại diện dòng họ đến làm rõ một số nội dung, và cho biết dự thảo kết luận với ba nội dung chính. Đó là việc cấp sổ đỏ cho ông Ngô Thế Sơn của UBND huyện Chương Mỹ là trái quy định của pháp luật; kiểm điểm, xử lý các cá nhân liên quan; Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ phải giải phóng mặt bằng, thu hồi lại 437m2 đất trả lại nhà thờ danh nhân… Sau đó 10 ngày Thanh tra đã ra Kết luận chính thức số 2723/KL-TTTP-P6 để báo cáo UBND TP. Hà Nội.

Từ đó đến nay đã gần 1 năm trôi qua, gia tộc danh nhân Lê Ngô Cát vẫn đang trông mong quyết định xử lý của UBND TP. Hà Nội nhưng chưa thấy hồi âm. Dù rất đau xót vì ngôi nhà thiêng liêng, hiện vật gốc gắn bó với danh nhân đã bị phá hủy, nhưng gia tộc vẫn kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng sớm được phục dựng lại di tích, để có nơi hương khói, tôn vinh tổ tiên, cũng như giữ gìn một địa chỉ văn hóa của Thủ đô văn vật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương