Bài 24: Vụ án 194 phố Huế: Hành vi phạm tội “rõ như ban ngày”
(Dân trí) - Ngay sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Kỳ án 194 phố Huế: Dấy lên dư luận hồ nghi về “thế lực chống lưng”, tòa soạn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Công chúng đang chờ đợi và hy vọng về kết cục có hậu của vụ án này, với niềm tin pháp luật sẽ đứng về phía lẽ phải. Dù có thể, kẻ bị trừng trị là người đã từng nắm giữ quyền lực công.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Phó Trưởng văn phòng Luật sư Interla - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xung quanh vấn đề pháp lý này.
Thưa luật sư, xin bà cho biết, thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật đối với trường hợp của bị can Trịnh Ngọc Chung đã hết chưa? Nếu thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan điều tra phải làm những việc gì?
Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Theo hướng dẫn tại Điều 8 Bộ luật hình sự, tội “Ra quyết định trái pháp luật”(Điều 296) là loại tội phạm rất nghiêm trọng. Đối với loại tội phạm này, thời hạn điều tra nhiều nhất là 04 tháng và chỉ được gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần không quá bốn tháng. Như vậy, thời hạn điều tra tối đa (kể cả gia hạn điều tra) là 12 tháng.
Đối với vụ án này, như Dân trí đã đưa tin, ngày 28/10/2011 Cục Điều tra (Cục 6) - VKSNDTC ra quyết định khởi tố vụ án số 27/VKSTC - C6 (P3) “Ra quyết định trái Pháp luật” xảy ra tại Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội . Như vậy, tính từ ngày ban hành Quyết định khởi tố vụ án (28/10/2011) đến nay đã kéo dài tròn 01 năm. Thời hạn điều tra đã hết.
Khi thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra trong đó đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra, cụ thể Điều 162 BLTTHS nêu rõ:
1. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra.
2. Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
3. Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.
Xin luật sư cho biết, những trường hợp nào bị Đình chỉ điều tra?
Khoản 2 Điều 164 BLTTHS quy định Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 (người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm – trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại) và Điều 107(Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự) của Bộ luật này hoặc tại Điều 19 (tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội), Điều 25 (Miễn trách nhiệm hình sự) và khoản 2 Điều 69 (người chưa thành niên phạm tội) của Bộ luật hình sự;
Theo nhận định của luật sư, hành vi của Trịnh Ngọc Chung trong vụ án này có quá khó để Cơ quan điều tra chứng minh việc phạm tội hay không?
Theo tôi, hành vi phạm tội của bị can Trịnh Ngọc Chung trong vụ án này là tương đối rõ ràng, nếu không nói là “rõ như ban ngày”.
Chỉ riêng hành vi bị can Trịnh Ngọc Chung đã chỉ đạo cán bộ giúp việc làm lại và ghi thêm nội dung vào các văn bản giải quyết thi hành án quan trọng, với nội dung trái với yêu cầu của người phải thi hành án; đồng thời giả mạo ký tên các cán bộ của các cơ quan chuyên môn quận Hai Bà Trưng trong biên bản kê biên tài sản ngày 24/4/2009 để làm thủ tục chuyển bán đấu giá nhà 194 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội trái pháp luật.
Sau đó, ngày 23/6/2011, TAND TP. Hà Nội đã có thông báo việc thụ lý vụ án số 517/TB-TLVA, nhưng ngày 28/6/2011, Trịnh Ngọc Chung vẫn ký quyết định cưỡng chế giao nhà số 07, và ngày 7/7/2011 đã tổ chức cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế cho người trúng đấu giá trái với Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, xâm phạm hoạt động đúng đắn của Cơ quan Thi hành án, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Hành vi trên của Trịnh Ngọc Chung đã phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự. Điều này đã được ghi nhận tại Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, việc cưỡng chế nhà 194 phố Huế do Chi cục THADS quận HBT còn có dấu hiệu giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 284 BLHS. Trong khi cơ quan thi hành án khẳng định việc thực hiện các trình tự thi hành án khi cưỡng chế đều có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp, thì VKSND quận Hai Bà Trưng lại khẳng định tại Công văn số 270/KSTHA/CV : “Tại các biên bản: Biên bản phá khóa; Biên bản cưỡng chế giao nhà; Biên bản liệt kê tài sản do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, đồng thời ghi vào cuối biên bản nội dung: “Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã vắng mặt lúc thông qua biên bản” là không đúng với thực tế”
Như vậy, việc tiếp tục cưỡng chế thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đã không có sự đồng thuận của Viện KSND cùng cấp và đặc biệt còn có hành vi gian dối khi tiến hành lập các biên bản nêu trên.
Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì Cơ quan điều tra làm gì?
Như vậy, sau gần 30 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Hy vọng người dân yêu lẽ phải của thủ đô Hà Nội nói riêng và bạn đọc cả nước nói chung sớm có được tin vui về bản kết luận điều tra đề nghị truy tố đúng người, đúng tội của VKSNDTC đối với hành vi phạm tội của bị can Trịnh Ngọc Chung trong vụ án 194 phố Huế. |
Vũ Văn Tiến (thực hiện)