Bài 14: 7 điều bất thường tại phiên tòa xét xử kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ

(Dân trí) - Sau khi bài phỏng vấn luật sư Lê Quốc Đạt về phiên tòa ngày 26/8/2013 tại TAND TP. Hà Nội được đăng tải, đông đảo bạn đọc cả nước, trong đó có những người trực tiếp chứng kiến phiên tòa đều mong muốn làm rõ dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng của HĐXX.

 
Trong bài viết gửi đến tòa soạn báo Dân trí, bạn đọc Quốc Lê, một người rất quan tâm đến loạt bài của báo Dân trí xung quanh “kỳ án” oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Nội dung bài viết của bạn đọc cho biết: “Chiều 26/8/2013, tôi đến Tòa Hà Nội và được chứng kiến toàn bộ việc xét xử của Tòa án. Điều đặc biệt đầu tiên đập vào mắt tôi là Hội đồng xét xử (HĐXX) rất cẩu thả, không tuân thủ quy định của ngành toà án về trang phục.

Điều đặc biệt thứ hai là tại sao một phiên tòa dân sự lại có nhiều cảnh sát bảo vệ đến thế? Theo ghi nhận, đã có gần chục cảnh sát tận tụy tham gia suốt phiên tòa. Trong đó có 6 chiến sỹ cảnh sát ngồi quây kín các phóng viên và theo sự chỉ đạo của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Minh Tân, không phóng viên nào được tác nghiệp tại phiên tòa mà chỉ được ngồi nghe như những người đến tham dự bình thường.

Điều đặc biệt thứ ba là có 2 cảnh sát luôn túc trực sau lưng luật sư Lê Quốc Đạt, tôi còn được nghe rõ một cảnh sát nhắc nhở ông luật sư Đạt: “Anh cất máy ghi âm của anh đi”. Nhưng cái mà chiến sỹ cảnh sát gọi là máy ghi âm chỉ là một cái điện thoại bình thường chứ đâu phải máy ghi âm ?  
Phiên tòa ngày 26/8/2013 diễn ra tại Tòa án TP. Hà Nội
Phiên tòa ngày 26/8/2013 diễn ra tại Tòa án TP. Hà Nội

Tôi mang chi tiết này trao đổi với mấy người bạn, họ nói sao vô lý thế, cảnh sát chỉ có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc giữ gìn anh ninh trật tự tại phiên tòa, làm gì có quyền quây quanh ngăn cản phóng viên tác nghiệp, lại càng không có quyền can thiệp vào hoạt động của luật sư.

Điều đặc biệt thứ tư là luật sư Lê Quốc Đạt đã đưa ra nhiều đề nghị rất đúng với quy định của pháp luật về đình chỉ hoặc hoãn xét xử phiên tòa, đặc biệt là luật sư còn đọc nguyên văn văn bản quy định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn ngành tòa án trong công tác xét xử nhưng không hiều vì lý do đặc biệt gì mà Hội đồng xét xử vẫn thống nhất đồng ý với vị đại diện Viện Kiểm sát cho xét xử.

Điều đặc thứ năm là trong suốt quá trình xét xử, gia đình bà Bình và luật sư của họ nói rất nhiều chuyện để kể về cái đúng của mình, nhưng khi luật sư Lê Quốc Đạt yêu cầu họ xuất trình tài liệu để chứng minh cho ý kiến của họ thì họ không có. Tuy nhiên, cuối cùng HĐXX vẫn chấp nhận thông tin thiếu căn cứ của gia đình bà Bình, bỏ ngoài tai ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão.

Điều đặc biệt thứ sáu là bà Bình, luật sư của bà Bình và cả luật sư Lê Quốc Đạt đều nhất trí tạm hoãn phiên tòa để giám định các văn bản của hồ sơ vụ án theo đúng yêu cầu do luật sư của bà Bình đưa ra, nhưng bà thẩm phán, chủ tọa phiên tòa lại khéo léo 2 lần nhắc bà Bình và ông luật sư kia không nên như vậy và phiên tòa vẫn tiếp tục.

Điều đặc biệt thứ bảy là thông thường các thẩm phán khi xét xử đều có khẩu khí rất dõng dạc, đanh thép nhưng không hiểu sau tại phiên tòa này, bà thẩm phán, chủ tọa phiên tọa xử lại tuyên án như thể đang bàn chuyện kín, khiến các phóng viên, luật sư và những người ở dưới không thể nghe rõ nội dung bản án của Hội đồng xét xử đưa ra. Phải chăng bà thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã cố tình nhằm “vô hiệu hóa” các phóng viên ghi lại phần tuyên án có những dấu hiệu bất thường?.

Đây là bức xúc của tôi về vụ án này, mong báo Dân trí và dư luận quan tâm tìm hiều, giải đáp những uẩn khúc của phiên tòa ngày 26/8/2013 diễn ra tại trụ sở TAND TP. Hà Nội!”.

Quốc Lê