Người phụ nữ khốn khổ nợ nần vì hơn 20 năm đi tìm công lý
Bài 1: Sự trả giá của… lòng tốt
(Dân trí) - Sau khi cho ông Tùng mượn đất để ở, đến khi gia đình bà Có ngỏ ý lấy lại thì ông Tùng không chịu trả và ngang nhiên chiếm đoạt. Vụ việc kéo dài hơn 20 năm nay nhưng chính quyền địa phương giải quyết bất nhất, khiến người bị hại sống trong bấp bênh.
Lấy oán báo ơn
Năm 1975, gia đình ông Võ Văn Thống (SN 1946, trú tổ 4, khối phố 2, phường 7, thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai- Kon Tum; sau đó là phường Thống Nhất và bây giờ tách thành phường Đống Đa, TP.Pleiku) được Tập đoàn sản xuất số 2 giao cho 1 lô đất chiều ngang khoảng 15m, chiều dài khoảng 90-100m (tổng 1.218 m2). Tháng 6/1976, ông Thống sang nhượng lô đất này cho gia đình bà Ngô Thị Có và Nguyễn Tấn Khôi với giá 3 phi lúa khô. Đến tháng 11/1977, thấy gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng (là thành viên Hội đồng nhân dân xã Biển Hồ, Trưởng trạm y tế xã lúc bấy giờ) là người quen chưa có đất định cư, gia đình bà Có đã thương tình cho ông này mượn để ở.
Sau một thời gian được gia đình bà Có cho mượn đất, gia đình ông Tùng đã mua được 1 lô đất liền kề lô đất nhà bà Có cho mượn. Năm 1988, gia đình bà Có lên tiếng lấy lại đất nhưng ông Tùng xin trì hoãn thời gian trả. Đến năm 1991, gia đình bà Có đã quyết định lấy lại bằng được lô đất đất đã cho mượn thì mới ngã ngửa âm mưu chiếm đoạt đất nhà mình của ông Tùng đã hoàn tất.
Để “trả ơn” ân nhân của mình, ông Tùng âm thầm lên kế hoạch chiếm đoạt đất với kịch bản phi pháp đầy vụng về. Ông Tùng làm một tờ đơn với nội dung “xin được hoán đổi đất để lập vườn và nhà ở” với diện tích là 2500m2 (bao gồm đất ông Tùng mới mua và lô đất bà Có cho mượn- PV) và thời gian của tờ đơn này được ông Tùng cho quay vòng về năm 1978. Để “củng cố” thêm “sự thuyết phục” cho tờ đơn này, ông Tùng cùng với một nhóm người mà trong đơn có đề là ông Hà Trọng Sơn- Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, ông Lê Chưng- Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, và Công chứng viên Ngô Văn Dần.
Sau khi tờ đơn này được xây dựng thành công, ông Tùng làm đơn xin cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) và vu cho gia đình bà Có tranh chấp đất của nhà mình. Để tăng thêm tính “pháp lý” cho lá đơn, ông Tùng lại tiếp tục “mượn” danh ông Lê Chưng viết vào tờ đơn với nội dung “đề nghị Ủy ban xã Biển Hồ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sử dụng đất cho ông Tùng”.
Sau khi kịch bản của 2 lá đơn “kì quặc” này hoàn thành, chẳng hiểu sao UBND thị xã Pleiku đã “nhắm mắt” cấp giấy chứng nhận QSDĐ số B 972385 ngày 04/3/1993 cho ông Nguyễn Cảnh Tùng (?!)
Quá bức xúc vì cách “trả ơn” của ông Tùng, bởi không chỉ cho ông Tùng mượn không mảnh đất, mà từ năm 1976 đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Có đã luôn đóng thuế cho mảnh đất này để gia đình ông Tùng được yên tâm ở. Nắm trong tay tất cả các bằng chứng về giấy tờ sở hữu hợp pháp lô đất trên, và nhất là các biên lai đóng thuế đất, gia đình bà Có đã đặt niềm tin vào công lý, quyết định làm đơn khiếu nại đòi lại tài sản nhà mình.
Cơ quan pháp luật ở Gia Lai là cơ quan nào?
Mặc dù nắm trong tay các bằng chứng xác đáng nhất, còn ông Tùng thì lộ rõ hành vi vi phạm pháp luật về tội “chiếm đoạt tài sản” và “giả mạo hồ sơ”, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà cơ quan hành pháp tại Gia Lai lại đứng về phía ông Tùng (?!).
Trước những “chứng cứ” về quyền sở hữu đất của ông Tùng, ngày 10/1/1997, Công an thị xã Pleiku đã có kết luận: về việc giám định mẫu chữ viết, chữ ký và con dấu của UBND phường Thống Nhất, thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai- Kon Tum thời điểm năm 1978 như sau: “Chữ ký, chữ viết của ông Lê Chưng là không phải, còn con dấu thì đóng không đúng thời điểm sử dụng (1978-PV) mà con dấu được đóng trong đơn xin hoán đổi đất là con dấu được sử dụng năm 1991”.
Những tưởng có kết luận cụ thể trên về hành vi “giả mạo” giấy tờ của ông Tùng và các giấy tờ của bà Có, cơ quan chức năng tại Gia Lai sẽ có những phán xét công minh. Nhưng ngược lại, sau khi được gia đình bà Có gửi đơn khiếu nại, ngày 16/9/1997, TAND tỉnh Gia Lai lại ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án” (?).
Không đồng ý với cách giải quyết của tòa tỉnh, Gia đình bà Có làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm là TAND tối cao tại Đà Nẵng. Thì ngày 3/11/1997, Tòa tối cao đã có quyết định số 53/QĐ-PT cho rằng vụ việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND (?!).
Nhận được các quyết định giải quyết tắc trách trên của các cấp Tòa, gia đình bà Có lại đến UBND thị xã và tỉnh để kêu cứu thì lại nhận được một “quả bóng” khác. Ngày 22/12/1997, UBND tỉnh Gia Lai đã ra công văn số 886/CV-UB với nội dung: “Hồ sơ vụ khiếu nại của bà TAND tỉnh đã chuyển đến Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng để xét xử hoặc hồ sơ có hoàn trả về tỉnh thì các cơ quan pháp luật sẽ xem xét và trả lời cho bà”.
Là nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, nhưng các cơ quan trên lại không hề “biết” (?), khiến cho gia đình bà Có như rơi vào “ma trận” khi phải mang đơn đi lòng vòng khắp nơi để kêu cứu. Sự việc kéo dài hơn 20 năm nay, nhưng có lẽ do TAND chưa chuyển đơn đến “cơ quan có thẩm quyền” hoặc UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa tìm ra “cơ quan pháp luật” ở Gia Lai là cơ quan nào, nên công lý vẫn chưa đến được với gia đình bà Có.
Chính cách giải quyết đùn đẩy trên đã khiến cho bị hại trong vụ án có một cảnh đời đầy đau khổ, nợ nần chồng chất, không nhà cửa chỉ vì hơn 20 năm qua bà tin vào công lý sẽ xuất hiện.
Thiên Thư