Vụ "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình:
Bài 1: Để xe dù bến cóc lộng hành, bến xe Mỹ Đình bị "tuýt còi"
(Dân trí) - Sau khi người dân lên tiếng phản ánh tình trạng ô nhiễm, môi trường, xe dù, bến cóc hoạt động công khai xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. Ngày 2/4/2013, Sở GTVT Hà Nội đã ký tờ trình điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách ra khỏi bến xe Mỹ Đình.
Trước thực trạng đó, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp với CSGT, CSTT - Công an TP. Hà Nội, chính quyền địa phương, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, vi phạm trong hoạt động vận tải. Quá trình kiểm tra xử lý đã giải tỏa được một số bến cóc khu vực quanh bến, xử lý hàng trăm xe khách vi phạm các quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô, trong đó có hàng chục trường hợp bị đình chỉ hoạt động.
Đến nay, hiện tượng mất an toàn trật tự giao thông, ùn tắc khu vực bến xe Mỹ Đình tuy có giảm nhưng chưa triệt để.
Mục đích điều chuyển nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, giảm ùn tắc giao thông và tình trạng mất trật tự an toàn giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình; đảm bảo việc đi lại của nhân dân ít bị xáo trộn; ảnh hưởng ít đến hoạt động kinh doanh của từng đơn vị vận tải; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác vận tải.
Sau khi tiến hành khảo sát, Sở GTVT báo cáo UBND Thành phố phương án điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến xe Mỹ Đình với các nội dung:
Xây dựng các tuyến xe bus nhanh bến nối bến để phục vụ việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, ít bị xáo trộn.
Theo giải thích của Sở GTVT, việc điều chuyển này là phù hợp với hướng tuyến. Các tuyến Tây Bắc đi theo hành trình Quốc lộ 6 nên vào bến xe Yên Nghĩa là hợp lý. Đối với các tuyến đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định đi theo đường 70, đường Lê Trọng Tấn – Lê Văn Lương kéo dài – đường trên cao vành đai 3 để vào bến xe Yên Nghĩa, đi theo QL1, cầu Thanh Trì hoặc QL 39, QL5 vào bến xe Gia Lâm.
Việc điều chuyển phù hợp với thực trạng của bến xe Yên Nghĩa, là bến xe loại 1, mới đi vào sử dụng, được đầu tư hiện đại, diện tích 6,9ha, tần suất xe hoạt động tại bến còn thấp 310 lượt xe/ngày. Phù hợp thực trạng bến xe Gia Lâm, chủ yếu khai thác các tuyến đường ngắn nên công suất có thể đạt 800 lượt xe/ngày.
Tổng số phương tiện đang khai thác các tuyến trên từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Yên Nghĩa, bến xe Gia Lâm là 525 phương tiện. Số chuyến xe điều chuyển 433 chuyến/ ngày. Số đơn vị vận tải điều chuyển là 59.
Trước đó, trong tháng 1/2013, báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh tình trạng mất vệ sinh do phóng uế bừa bãi, nhiều “bến cóc”, “xe dù” mọc lên như nấm xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình đe dọa cảnh quan, an toàn trật tự giao thông. Từ những lý do trên, đông đảo người dân kiến nghị di dời bến xe Mỹ Đình ra khỏi khu vực này.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương