Bắc Ninh: Tiếp tục chốt lịch xét xử kỳ án chiếc dùi đục “tưởng tượng”
(Dân trí) - Sau 03 lần bị trì hoãn vào các ngày 28/7; 26/8 và 22/9/2016, tới đây, ngày 29/9/2016, TAND thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh sẽ đưa vụ kỳ án gây thương tích bằng chiếc dùi đục “tưởng tượng” ra xét xử sơ thẩm (lần hai) sau hơn một năm kể từ khi thực hiện hoạt động điều tra lại và cũng là hơn 03 năm kể từ ngày xảy ra vụ án.
Trao đổi với VPLS Trương Anh Tú - đơn vị tham gia bào chữa cho bị cáo Đàm Thuận Thao thì được biết tại phiên tòa tới đây, để làm rõ các nội dung liên quan tới vụ án, TAND thị xã Từ Sơn đã triệu tập cả 03 giám định viên thuộc Viện pháp y quốc gia tham gia tố tụng nhằm làm rõ những nội dung trong bản kết luận giám định (giám định lại) mà cơ quan này ban hành.
Bản giám định pháp y của Viện pháp y quốc gia kết luận về thương tích của người bị hại là một trong những tài liệu quan trọng trong hồ sơ vụ án, do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) thị xã Từ Sơn đã “cố gắng” bằng mọi giá để có được một tỷ lệ thương tích nhằm buộc tội bị cáo Đàm Thuận Thao. Nhận thấy bản Kết luận giám định lại của Viện giám định pháp y Quốc gia có rất nhiều điểm mâu thuẫn, cần phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa tới đây. Chính vì vậy, phía luật sư đã chủ động có đơn đề nghị Tòa án triệu tập giám định viên tham gia tố tụng.
Ngoài ra, trong phiên tòa tới đây, 05 người làm chứng đã tham gia tại phiên tòa phúc thẩm vào năm 2015 (đã được HĐXX Phúc thẩm thẩm vấn làm rõ, kêt quả HĐXX cấp phúc thẩm đã nhận định lời khai lời trình bày của những người này có nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý, nêu rõ trong bản án phúc thẩm) tiếp tục được triệu tập tới phiên tòa tới đây. Trong giai đoạn điều tra lại, CQĐT vẫn tiếp tục lấy tiến hành lấy lời khai lời khai của những người này. Nhận định về việc triệu tập cũng như tiếp tục xác định tư cách người làm chứng của những người này, luật sư bào chữa cho bị cáo Đàm Thuận Thao nhận định rằng đây là một việc làm hết sức “kỳ lạ”, bởi lẽ khi HĐXX cấp phúc thẩm đã bác lời khai, lời trình bày của những người này rồi thì việc tiếp tục lấy lời khai của những người này để chứng minh điều gì? Mặt khác, trong trường hợp mà họ có những lời trình bày mới khác vơi nội dung trước đây thì rõ ràng trước đây những người này đã có những lời khai báo gian dối.
Trao đổi với PV Dân trí, bị cáo Đàm Thuận Thao cho biết: “Tôi và gia đình đang rất mong chờ tới thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm với hy vọng kết quả phiên tòa tới đây có thể trả lại sự trong sạch cho tôi. Sau khi TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND thị xã Từ Sơn kết tội tôi gây thương tích cho bà Hoa để điều tra lại, tôi có nhận được nhiều lời “gợi ý” về việc chấp nhận xin lỗi bà Hoàng Thị Hoa để bà Hoa rút đơn tố cáo và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, trước sau như một tôi vẫn khẳng định rằng bản thân tôi không đánh bà Hoa thì không việc gì tôi phải xin lỗi cả. Trong trường hợp xấu nhất, phiên tòa sơ thẩm tới đây, HĐXX tiếp tục tuyên tôi có tội để bảo vệ quan điểm của mình tới cùng, tôi sẽ tiếp tục kháng án. Tôi và gia đình hy vọng tại phiên tòa tới đây, HĐXX sẽ thật sự vô tư khách quan để có thể tìm ra sự thật khách quan và trả lại sự trong sạch cho tôi.”
Bản giám định pháp ý có nhiều yếu tố "tưởng tượng" đã được Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Ninh xin rút lại.
Vụ án Đàm Thuận Thao bị quy kết gây thương tích cho bà Hoàng Thị Hoa bằng chiếc dùi đục “tưởng tượng” là một vụ án thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội bởi nhiều tình tiết hết sức “không bình thường” khi CQTHTT thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh giải quyết vụ án.
Trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - người bào chữa cho bị cáo Đàm Thuận Thao, luật sư Tú cho “Với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, chúng tôi khẳng định rằng bị cáo Đàm Thuận Thao có dấu hiệu hàm oan một các rõ ràng. Theo quy định của pháp luật thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm là thuộc về các CQTHTT, do vậy khi đã có quan điểm buộc tội một bị can, bị cáo nào đó, các CQTHTT thường có xu hướng là bảo vệ quan điểm của mình tới cùng, dù cho tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ căn cứ để khẳng định bị can, bị cáo không phạm tội. Tồn tại thực trạng này là bởi quá trình tố tụng của chúng ta chưa thực sự coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa mà phần nhiều phụ thuộc hồ sơ do phía cơ quan điều tra thiết lập.
Do vậy, phiên tòa sơ thẩm tới đây sẽ là nơi kiểm chứng rõ ràng nhất về việc các CQTHTT thực hiện tinh thần đổi mới của Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị cũng như BLTTHS năm 2015, đó là việc coi kết quả tranh tụng tại phiên tòa là trọng tâm của việc xét xử.
“ Điều 26. Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm
…
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.”
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế