Bắc Ninh: Quy kết bị cáo “Cố ý gây thương tích” bằng chiếc dùi đục…tưởng tượng?

(Dân trí) - Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Đàm Thuận Thao cố ý gây thương tích” nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều chi tiết bất thường vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong phiên toà sơ thẩm, người nhà bị cáo bất bình kêu oan cho rằng bị cáo đã bị quy kết “Cố ý gây thương tích” bằng một chiếc dùi đục…tưởng tượng?

Theo đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí, gia đình bị cáo Đàm Thuận Thao, trú tại Hương Mạc - Từ Sơn (Hà Nội) cho biết: khoảng 18g ngày 27-9-2013, bà Hoàng Thị Hoa là người thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã cùng Trương Đức Tuyên, SN 1985, thường trú tại thôn Phù Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bất ngờ xông vào nhà của bà Đàm Thị Hòa với mục đích đòi nợ vì trước đó bà Đàm Thị Hòa có vay tiền kiểu “tín dụng đen” của bà Hoàng Thị Hoa nhưng chưa trả hết. 

Do không giữ được bình tĩnh sau khi lời qua tiếng lại, bà Đàm Thị Hòa và bà Hoàng Thị Hoa đã xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát. Hai bên xông vào nhau túm tóc, xô đẩy, giằng co dẫn đến bà Hoàng Thị Hoa bị ngã ra sân. Sự việc nhanh chóng được báo đến CA xã Hương Mạc, ít phút sau lực lượng CA xã Hương Mạc do ông Đàm Quốc Việt - Phó trưởng CA xã dẫn đầu đã kịp thời có mặt tại hiện trường, tiến hành lấy lời khai, lập biên bản và giải tán mọi người. Khoảng hai ngày sau đó, CA xã Hương Mạc tiếp tục mời bà Hoàng Thị Hoa đến trụ sở để giải quyết vụ việc.

 Bị cáo Đàm Thuận Thao bị quy kết cố ý gây thương tích bằng một chiếc dùi đục...tưởng tượng?
 Bị cáo Đàm Thuận Thao bị quy kết cố ý gây thương tích bằng một chiếc dùi đục...tưởng tượng?

“Bảy tháng sau khi xảy ra sự việc trên, ngày 29-4-2014, bất ngờ CA thị xã Từ Sơn ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đàm Thuận Thao, con trai tôi về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự, do trước đó bà Hoàng Thị Hoa đã làm đơn tố cáo với nội dung: Vào ngày 29-7- 2013, bà Hoa và Trương Đức Tuyên (đến đòi tiền bà Hòa nợ chưa trả) khi đi ra cổng ra về thì Đàm Thuận Thao đã dùng một chiếc “dùi đục bằng gỗ” đánh vào đầu bà Hoa làm bà Hoa bất tỉnh, bà Hoa được đưa đi giám định thương tích thì cho kết quả thương tích 13%”, bà Hoà nói.

Trong đơn kêu oan, bà Đàm Thị Hòa cho rằng, sự việc diễn ra vào ngày 27 - 9 - 2013, chỉ có bà cùng bà Hoàng Thị Hoa xô đẩy giằng co nhau, khiến bà Hoa bị ngã xuống sân gạch. Chứ con trai bà Hòa là Đàm Thuận Thao hoàn toàn không tham gia vào sự việc, không hề có bất cứ hành vi, tác động gì đến thân thể của bà Hoa nên việc khởi tố và tuyên án 30 tháng tù giam đối với Đàm Thuận Thao là không chính xác, nên gia đình đã kháng cáo.  

Cùng đó, sáng ngày 23/6/2015, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Đàm Thuận Thao cố ý gây thương tích”. Phiên tòa kéo dài từ 8 giờ sáng tới gần 1 giờ chiều cùng ngày trong bầu không khí khá căng thẳng. 

Phiên tòa gồm 03 thẩm phán nhưng trong đó có tới 2 phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tòa đối với vụ án này. Tại phần thẩm vấn công khai, HĐXX phúc thẩm đã hỏi rất chi tiết về các tình tiết của sự việc xảy ra ngày 27/9/2013 tại sân nhà bà Đàm Thị Hòa (mẹ bị cáo Thao- PV) từ đó dẫn tới hình thành vụ án “Đàm Thuận Thao cố ý gây thương tích”.

 

Gia đình và bị cáo Thao kêu oan khi bị TAND TX Từ Sơn tuyên phạt bị cáo Thao 30 tháng tù.
Gia đình và bị cáo Thao kêu oan khi bị TAND TX Từ Sơn tuyên phạt bị cáo Thao 30 tháng tù.
Gia đình và bị cáo Thao kêu oan khi bị TAND TX Từ Sơn tuyên phạt bị cáo Thao 30 tháng tù.

Giữ nguyên quan điểm của mình, bị cáo Đàm Thuận Thao tiếp tục khẳng định mình không đánh bà Hoàng Thị Hoa như kết luận trong Bản kết luận điều tra, cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm của TAND thị xã Từ Sơn, việc tuyên bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” là xử oan cho bị cáo.

Đối với những người làm chứng, Tòa án đã triệu tập đầy đủ cả 3 người làm chứng cùng họ Ngô (Ngô Thị Hòa, Ngô Thị Chung, Ngô Thị Lan), đây đều là những người họ hàng, anh chị em với chồng bà Hoàng Thị Hoa. Tại phiên tòa này bà Đàm Thị Hòa mẹ của bị cáo trình bày cho biết những người này đều từng có mâu thuẫn rất sâu sắc với gia đình bà Hòa, đồng thời là …người nhà của người “bị hại”. Đặc biệt, đối tượng được bà Hoàng Thị Hoa nhờ đến gia đình bà Hòa để đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” (trước đây được các CQTHTT thị xã Từ Sơn xác định là người làm chứng) cũng được cảnh sát dẫn giải tới phiên tòa trong tình trạng bị còng tay. Đối tượng này là Trương Đức Tuyên, hiện Tuyên đang là bị cáo trong một vụ án cưỡng đoạt tài sản khác xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Trong phẩn thẩm vấn công khai của mình, luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo đã hỏi và làm rõ một loạt những mâu thuẫn trong lời khai, lời trình bày của những người làm chứng trong quá trình vụ án được các Cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Từ Sơn thụ lý giải quyết.

Đặc biệt, tại phiên tòa này, Hoàng Thị Hoa và người làm chứng là Trương Đức Tuyên đều khẳng định Thao “vụt bằng dùi đục” nhưng không biết bằng tay phải hay tay trái, cũng không nhìn thấy vứt dùi đục đi đâu, bao giờ...Đây là những điểm hết sức vô lý nếu là người trực tiếp chứng kiến sự việc.

VKSND tỉnh Bắc Ninh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và cho rằng việc truy tố Đàm Thuận Thao của VKSND thị xã Từ Sơn là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối đáp với quan điểm buộc tội của đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh, luật sư bào chữa cho bị cáo đã đưa ra hơn 10 luận điểm bào chữa để từ đó khẳng định bị cáo Đàm Thuận Thao không phạm tội và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đàm Thuận Thao không phạm tội và ra quyết định đình chỉ vụ án.

Những quan điểm bào chữa của luật sư nêu ra và phân tích như: Các tài liệu mà TAND thị xã Từ Sơn nhận định là các chứng cứ của vụ án đều không đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ theo khoa học luật hình sự cũng như quy định của BLTTHS; Quá trình giải quyết vụ án, ba Cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Từ Sơn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Không có căn cứ khởi tố vụ án nhưng vẫn ra quyết định khởi tố; Thời hạn khởi tố vụ án không tuân thủ quy định pháp luật; Việc xác định dấu hiệu của tội phạm cũng như tư cách người làm chứng trong vụ án dựa trên đơn tố cáo của người không hề có mặt tại hiện trường vụ án là không đúng quy định pháp luật; Không thực hiện hoạt động thực nghiệm điều tra; Hoạt động giám định thương tật đối với bà Hoàng Thị Hoa và hoạt động bắt tạm giam bị cáo Đàm Thuận Thao là không có căn cứ pháp luật. 

Gia đình và bị cáo Thao kêu oan khi bị TAND TX Từ Sơn tuyên phạt bị cáo Thao 30 tháng tù.
Luật sư Trương Anh Tú nhận định các cơ quan tố tụcng TX Từ Sơn chưa khách quan và vụ án có dấu hiệu oan sai rất rõ.

Thậm chí đối với hoạt động giám định thương tật của bà Hoàng Thị Hoa còn có dấu hiệu của việc cố ý đưa ra kêt luận giám định sai sự thật nhằm làm sai lệch bản chất vụ án; Việc VKSND không thực hiện cho người bị hại đi giám định lại theo yêu cầu của TAND thị xã Từ Sơn là không tuân thủ pháp luật…”.

Tại phần tranh luận, luật sư Trương Anh Tú - người bào chữa cho bị cáo Đàm Thuận Thao rút trong cặp một chiếc dùi đục (đúng kích cỡ được miêu tả trong hồ sơ), qua đó chứng minh một cách sinh động nhất sự mâu thuẫn nghiêm trọng trong mối quan hệ nhân quả giữa hành vi dùng dùi đục “vụt” bà Hoàng Thị Hoa (nếu có) của một thanh niên lực lưỡng và dấu vết thương tích…nhẹ nhàng trên đầu của bà này được thể hiện qua bản ảnh.

Kết thúc phần tranh luận, HĐXX vào phòng nghị án. Nhận thấy, trong hoạt động giám định thương tật của bà Hoàng Thị Hoa có nhiều vấn đề cần phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa nhưng do không có giám định viên tham dự phiên tòa nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập giám định viên và sẽ thông báo thời gian mở lại phiên tòa sau.

Cho biết quan điểm về vụ án, luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Trong quá trình tham gia vụ án, tôi luôn cho rằng bị cáo Đàm Thuận Thao có nhiều dấu hiệu bị oan. Trong vụ án này, người bị hại được xác định là bị tổn thương 13% sức khỏe, nhưng phiên tòa hôm nay đã làm rõ được 8 trong 13% thương tật đó thực tế là “thương tật ảo”, do áp dụng tùy tiện quy định của pháp luật”.

“Ngoài ra, các Cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Từ Sơn khi giải quyết vụ án này chưa thật sự vô tư và thượng tôn pháp luật. Việc HĐXX phúc thẩm cho hoãn phiên tòa để triệu tập giám định viên tới phiên tòa nhằm làm rõ hoạt động giám định để ra tỷ lệ thương tật của bị cáo thể hiện sự thận trọng trong việc đưa ra kết luận cuối cùng. Tôi cho rằng, với việc triệu tập giám định viên tới tham dự phiên tòa là điều cần nhưng chưa đủ để vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Nhưng dù sao tôi cũng tin rằng, phiên tòa được mở lại tới đây sẽ minh oan cho bị cáo.” Luật sư Tú khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

(Email: bandoc@dantri.com.vn)