Bài 2:
Bắc Giang: Tại sao Ủy ban huyện bị Tòa xử thua kiện một người dân?
(Dân trí) - Sự việc TAND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tuyên xử UBND huyện Yên Dũng thua “trắng bụng” một người dân khiến dư luận rất quan tâm. Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa cho rằng sở dĩ UBND huyện Yên Dũng thua kiện là bởi cơ quan này đã có một quy trình cấp sổ đỏ “vượt thời gian”.
Được bố mẹ chia cho thửa đất “cắm dùi”, năm 2014, ông Trần Bá Nghĩa bất ngờ được UBND xã Hương Gián (Yên Dũng - Bắc Giang) cho biết số đất của mình đã được UBND huyện Yên Dũng cấp sổ đỏ cho người khác. Bất bình, ông Nghĩ đã kiện UBND huyện Yên Dũng ra tòa. TAND huyện Yên Dũng đã đứng về phía người dân mất đất.
Phân tích pháp lý về vụ việc này, Luật sư Quách Thành Lực cho rằng: “Theo tài liệu gia đình ông Nghĩa cung cấp anh, chị em trong nhà gồm: Trần Thị Xem, Trần Thị Xuất, Trần Bá Viết, Trần Bá Vạn đều thừa nhận nguồn gốc diện tích 115m2 của ông Nghĩa được bố mẹ là cụ Phổ, cụ Nở chia cho từ năm 1982. Điều này được thể hiện tại Biên bản ghi lời khai của Tòa Hành chính, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
Quá trình sử dụng ông Nghĩa không chuyển nhượng cho ai quyền sử dụng đất. Năm 2005, việc ông Trần Bá Trữ sử dụng đất của ông Nghĩa đã được chính mẹ hai ông là bà Nở cùng các cụ trong họ, đại diện chính quyền thôn đứng ra giải quyết ông Trữ cam kết trả lại đất, giao đất trên thực địa. Ông Trữ đã ký tên cam đoan thực hiện thỏa thuận này nhưng về sau không tiến hành trả lại đất cho em như cam kết.
Qua đây có thể thấy bản thân ông Trữ thời điểm năm 2005 vẫn thừa nhận mình không phải chủ sử dụng đất, không biết mình đã kê khai và được UBND huyện Yên Dũng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho phần đất 115m2 từ năm 2001. Ông khẳng định đất này của em trai mình thông qua biên bản thỏa thuận trả lại đất”.
Vậy điều gì khiến một người dù đã kê khai đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận từ năm 2001 nhưng vẫn không biết, không thừa nhận mình có quyền sử dụng đất?
Theo luật sư Lực, để giải đáp thắc mắc trên cần kiểm tra hồ sơ cấp sổ đỏ để biết có hay không việc UBND xã Hương Gián, UBND huyện Yên Dũng đã thực hiện trình tự theo quy định pháp luật khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất 115m2 từ năm 2001.
UBND huyện Yên Dũng có một quy trình cấp sổ đỏ “vượt thời gian”.
Trụ sở UBND huyện Yên Dũng.
Thành phần hồ sơ cấp sổ đỏ và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền:
UBND huyện Yên Dũng: Quyết định 462/QĐ-UB ngày 03/06/2001 của UBND huyện Yên Dũng Về việc thành lập Hội đồng đăng ký đất xã Hương Gián.
Căn cứ pháp lý ban hành Quyết định 462 được ghi là Thông tư 1990/TT-TCĐC ban hành ngày 30/11/2001 và có hiệu lực ngày 16/12/2001. Như vậy tại thời điểm đó Thông tư 1990 chưa hề được ban hành. Vậy tại sao UBND huyện Yên Dũng biết được có Văn bản này tồn tại mà áp dụng. Phải chăng có phép đảo ngược thời gian để có tiên đoán trước Thông Tư Thông tư 1990/TT-TCĐC sẽ được ban hành sau 5 tháng nữa.
Căn cứ thực tế ban hành Quyết định 462 được theo Tờ trình số 04 ngày 05/05/2002 của UBND xã Hương Gián. Như vậy tờ trình có sau ngày ban hành Quyết định đến cả năm trời. Tại sao UBND huyện Yên Dũng có thể dựa vào một tờ trình chưa được ban hành để làm căn cứ?;
Thành phần Quyết định 462 không đảm bảo, thiếu các thành phần bắt buộc vi phạm điểm b mục I.2.1 phần II Thông tư 346.
UBND xã Hương Gián: Không thành lập tổ đăng ký đất; không xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức kê khai đăng ký đất đai vi phạm tiểu mục 3 Mục I.2.1 phần II Thông tư 346;
Đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sử dụng không đúng mẫu 6a DK ban hành kèm Thông tư 346 đang có hiệu lực mà lại là mẫu đơn ban hành kèm Thông tư 1990 chưa được ban hành. Phải chăng UBND xã Hương Gián có khả năng vượt thời gian để cung cấp cho đương sự mẫu biểu chưa được ban hành. Không có chứ ký trưởng thôn; bỏ trống nội dung nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất; không có nội dung, phần ý kiến cơ quan địa chính bỏ trống;
Biên bản xác định mốc giới được ban hành ngày 05/10/2001 sau cả ngày ban hành Quyết định định cấp sổ đỏ ngày 30/09/2001 là không phù hợp;
TAND huyện Yên Dũng xử người dân thắng kiện UBND huyện Yên Dũng.
Bản án Sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng kết luận: Như vậy có thể hiểu: “Việc cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Trữ là hoàn toàn dựa vào việc kê khai của hộ ông Trữ chứ không được Hội đồng đăng ký đất đai kiểm tra, xét duyệt theo quy định chung. Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/1999/NĐ-CP thì ông Trữ không đủ điều kiện để được cấp Giấy CNQSDĐ. Từ phân tích trên, HĐXX nhận định việc UBND huyện Yên Dũng ban hành QĐ 770 về việc cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Nguyễn Bá Trữ là đúng về thẩm quyền nhưng không đảm bảo về trình tự, thủ tục, không đúng đối tượng, không đúng diện tích và không đủ điều kiện.”
“Từ những nhận định trong bản án và Hồ sơ cấp giấy chứng nhận người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ, thậm chí khẳng định ông UBND xã Hương Gián, UBND huyện Yên Dũng trước đây đã áp dụng quy trình ngược đời hoặc có khả phép đảo ngược thời gian trong quy trình cấp sổ đỏ. Từ đó dẫn đến nhận định có thể có sự gian dối, cắt ghép hồ sơ, cấp trước hoàn thiện hồ sơ sau khi cấp sổ đỏ cho diện tích 115m2.
Tuy nhiên những lỗi đó thuộc về người có thẩm quyền cấp sổ trước đây của UBND xã Hương Gián, UBND huyện Yên Dũng. Điều dư luận quan tâm hiện nay là thái độ cầu thị của UBND huyện trong việc chủ động tích cực khắc phục những vi phạm của người tiền nhiệm thể hiện qua sự nhanh tróng hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật”, luật sư Lực nhận định.
Sau khi TAND huyện Yên Dũng tuyên án sơ thẩm, ông Nghĩa ngỡ rằng công lý sẽ được thực thi. Tuy nhiên, UBND huyện Yên Dũng kháng cáo không chấp nhận bản án sơ thẩm.
Tại Bản án Phúc thẩm số 10/2016/HCPT của Tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 30/8/2016 HĐXX khẳng định: “Quyết định 770 (phần liên quan đến cấp Giấy CNQSDĐ 115m2 diện tích đất ao) chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định” và chỉ ra 5 lỗi sai cơ bản theo đó với 5 lỗi sai này thì gần như không có quy trình xét cấp giấy chứng nhận hợp pháp được thực hiện bởi UBND xã Hương Gián.
Với lý do vi phạm một số nội dung tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định trả hồ sơ về Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng xét xử lại theo thẩm quyền.
Tuy nhiên ngay sau đó khoảng 4 tháng, Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng tuân theo Luật Tố tụng hành chính lại chuyển hồ sơ lên chính Tòa Hành chính Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang để giải quyết theo trình tự Sơ Thẩm.
Đến cuối tháng 12/2017, vụ án này tạm bị tạm đình chỉ và không rõ đến thời điểm nào mới được tiếp tục giải quyết. Gia đình ông Nghĩa vẫn mòn mỏi chờ mong công lý được thực thi.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế