Bài 2:
Bắc Giang: Tại sao người dân đồng loạt kiện uỷ ban huyện ra toà?
(Dân trí) - Sinh sống ổn định lâu dài, đã được cấp sổ đỏ hợp pháp nhưng khi bị thu hồi đất, hàng chục hộ dân không được nhận quyết định thu hồi đất, không được bồi thường. Vị lãnh đạo huyện đặt bút ký cấp hàng loạt cuốn sổ đỏ được cho là sai phạm bị thu hồi thì hiện đã đang giữ cương vị Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang. Vậy căn cứ pháp lý nào để người dân đồng loạt kiện UBND huyện Lục Nam ra toà?
Đơn kêu cứu gửi Báo Dân trí của hàng loạt người dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi đại diện cùng các hộ dân thuộc các xã Cương Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh, Trường Sơn, Lục Sơn - huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang sinh sống hai bên ven đường tỉnh lộ 293 có đất bị thu hồi cho dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ từ năm 2012 nhưng không có quyết định thu hồi đất và không được đền bù về đất khi bị thu hồi”.
Các hộ dân cho biết những phần đất này đều đã và đang được sử dụng ổn định, hợp pháp, không có tranh chấp, đóng thuế đầy đủ hàng năm và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Thế nhưng, sau khi bị UBND huyện Lục Nam thu hồi “trắng”, người dân đã đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà. Tại cấp toà thụ lý là TAND huyện Lục Nam, khởi kiện của người dân đều thất bại.
Hàng loạt người dân bị thu hồi đất đã được cấp sổ đỏ không một đồng bồi thường đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.
Không chấp nhận kết quả xét xử này, người dân lại đồng loạt kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Giang. Nhiều vụ được đưa ra xét xử tiếp tục được TAND tỉnh Bắc Giang tuyên “y án” với TAND huyện Lục Nam. Còn nhiều vụ kháng cáo vẫn đang nằm đợi đến phiên xử.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo quy định của Luật đất đai 2013, thì trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Sau khi thông báo thu hồi đất theo đúng thủ tục, thì UBND cấp có thẩm quyền bắt buộc phải ra Quyết định thu hồi đất và thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Ở đây, UBND huyện Lục Nam thực hiên việc cưỡng chế thu hồi đất của người dân mà chưa có Quyết định thu hồi đất là sai, trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định trên và quy định tại Điều 70 của Luật đất đai 2013 thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế khi và chỉ khi người có đất bị thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND cấp có thẩm quyền.
Luật sư Vi Văn Diện: Cần phải xác định mức độ sai phạm nghiêm trọng trong vụ việc này, cần thiết phải khởi tố điều tra vụ án.
Mặc khác, đối với gần 100 hộ dân tại Lục Nam, Bắc Giang có đất bị thu hồi nhưng không được nhận bất kỳ chế độ, chính sách bồi thường nào tôi cho là không thỏa đáng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bởi lẽ, theo hồ sơ tài liệu thì toàn bộ các hộ dân này đã được Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là đã được nhà nước ghi nhận về quá trình sử dụng ổn định lâu dài, không tranh chấp với ai, công sức giữ gìn, tôn tạo đất và quyền sử dụng đất là hợp pháp. Vậy thì trước khi có bất kỳ quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào, hay quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nêu trên là trái quy định của pháp luật, thì các hộ dân này vẫn được hưởng các chính sách bồi thường theo quy định tại Điều 74,75,76 Luật đất đai 2013”.
Đối chiếu theo quy định pháp luật về trách nhiệm của những người ký cấp những cuốn sổ đỏ sai phạm dẫn đến việc phải thu hồi, luật sư Diện cho rằng: “Riêng đối với những cán bộ lãnh đạo đặt bút ký cấp sổ đỏ sai như ông Nguyễn Đức Đăng - Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam (hiện là Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang) đã thực hiện việc ký hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nêu trên cần phải xem xét rõ trách nhiệm nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân này là trái quy định của pháp luật. Bởi lẽ, hệ lụy của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định trong trường hợp này là rất nghiêm trọng, nhiều hộ dân phải đối diện với cảnh mất trắng nhà đất, không có nơi ở, mà với họ đó có thể là cả gia tài. Tôi cho rằng, việc làm trên của ông Nguyễn Đức Đăng là Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, UBND huyện Lục Nam, UBND tỉnh Bắc Giang, thậm chí là Cơ quan cảnh sát điều tra cần vào cuộc điều tra xác minh, xác định rõ trách nhiệm, có biện pháp xử lý ngay, nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải khởi tố hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”.
Trước đó, để làm rõ vụ việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc trực tiếp với UBND huyện Lục Nam với đại diện là ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng ông Nguyễn Duy Quảng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (thời điểm cấp sổ đỏ cho người dân, ông Quảng là Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lục Nam).
Về những vấn đề khuất lấp phía sau vụ việc, ông Nguyễn Duy Quảng - Trưởng phòng TNMT huyện Lục Nam cho biết: Các hộ dân chủ yếu có ý kiến, khởi kiện ra toà xoay quanh vấn đề tài sao giấy chứng nhận của chúng tôi được cấp những năm 2000 - 2001 và những năm sau mà khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, huyện không ban hành quyết định thu hồi đất và không tính toán bồi thường phần diện tích đó cho các hộ.
“Không phải UBND huyện không ban hành quyết định thu hồi đất mà ở đây liên quan trên 4000 hộ dân, mỗi 1 xã có thể có 1 hoặc 2 đến quyết định theo từng đợt chia ra. Đối với đất nông nghiệp, chúng tôi tính toán bồi thường và có quyết định thu hồi toàn bộ phần diện tích đó. Với các thửa đất ở, thì chúng tôi không tính toán bồi thường phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông theo chỉ giới hành lang và đồng thời chúng tôi cũng không ban hành quyết định thu hồi đất với diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông của đường tỉnh 293 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cắm mốc trước khi cấp quyền sử dụng đất.
PV Dân trí làm việc với đại diện UBND huyện Lục Nam (bìa phải).
Một cuốn sổ đỏ của người dân đang khiếu kiện được ông Nguyễn Đức Đăng ký cấp.
Một số trường hợp được cấp sổ đỏ nhưng trong sổ đỏ đã “cơ bản” thể hiện chỉ giới giao đất là phần hành lang an toàn giao thông rất rõ không cấp cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, còn có những trường hợp trong giấy chứng nhận không ghi rõ chỉ giới hành lang an toàn giao thông nhưng khi kiểm tra đơn xin cấp giấy của các hộ vẫn thể hiện hành lang an toàn giao thông”, ông Quảng trả lời.
Theo ông Quảng, nhiều sổ đỏ của người dân được cấp không ghi rõ chỉ giới hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, UBND huyện Lục Nam khi thu hồi đã không ra Quyết định thu hồi đất ban hành đến các hộ dân này và không bồi thường. Ông Quảng cũng khẳng định ký cấp sổ đỏ như thế là “có một phần thiếu sót”.
Theo thông tin từ ông Quảng, người đại diện UBND huyện ký nhiều cuốn sổ đỏ “thiếu sót” ấy là ông Nguyễn Đức Đăng - Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam khi đó. Hiện giờ ông Đăng đã giữ cương vị Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang. Ông Đăng cũng chính là người đã ký cấp sổ đỏ cho em trai chủ tịch xã trên phần đất thu hồi của người thương binh nặng khốn khổ Lê Văn Dinh trong loạt bài điều tra của Báo Dân trí.
PV: Khi xác định rằng những người ký cấp những cuốn sổ đỏ đó là “thiếu sót”, về trách nhiệm cá nhân cũng như trách nhiệm tập thể, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Lục Nam đã báo cáo lên UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể hay chưa?
Ông Nguyễn Đức Toàn: UBND huyện cũng như cơ quan chuyên môn đã xem lại một số trường hợp đã cấp giấy chưa đúng thì huyện đã ban hành quyết định thu hồi để xem xét cấp lại (Do các hộ dân đang không đồng tình, khởi kiện ra toà nên đến hiện tại chưa cấp lại được - PV). Thế còn, tại thời điểm năm 2000 - 2001, cấp sổ đỏ theo chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Quyết định 110 của UBND tỉnh Bắc Giang là chủ sử dụng đất tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Do vậy, việc cấp đồng loạt rất nhiều là không thể tránh.
PV: Nói như anh, việc người dân tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về việc kê khai và việc ký cấp sổ đỏ sai của UBND huyện Lục Nam?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Không. Nói việc cấp đồng loạt, cấp nhiều nên việc kiểm soát của từ cấp xã đến các cơ quan chuyên môn mà trực tiếp là phòng Tài nguyên môi trường kiểm tra rà soát. Còn các anh biết rồi, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện không phải ai cũng ngồi mà xem lại được.
PV: Vậy UBND huyện Lục Nam đã có báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang về sự việc để thanh kiểm tra, rà soát xác định mức sai phạm đến đâu để xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc cấp sổ đỏ sai dẫn đến phải thu hồi sổ đỏ và người dân kêu cứu khởi kiện ra toà hay chưa?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Cái sai không phải thuộc hoàn toàn về cá nhân hay UBND huyện. UBND huyện có sai, UBND xã có sai và bản thân người kê khai sai do không trung thực. Tức là xuất phát từ người kê khai không trung thực đó và thiếu trách nhiệm của cán bộ chuyên môn từ xã đến huyện có cán bộ địa chính xã, phòng Tài nguyên và môi trường huyện và trách nhiệm người ký cái đó. Trách nhiệm cá nhân là có. Tôi ký cái này cái kia sai là phải chịu trách nhiệm.
PV: Vậy UBND huyện Lục Nam đã đề nghị tỉnh xử lý cá nhân, tập thể chưa?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Chưa. Chúng tôi đã kiểm điểm trách nhiệm một số trường hợp cụ thể ở xã, phòng tài nguyên môi trường thời kỳ đó. Còn về việc đề nghị tỉnh xử lý trách nhiệm lãnh đạo thời kỳ đó là chưa có văn bản đề nghị.
Điểm mấu chốt của vấn đề là thời điểm công bố công khai cắm mốc hành lang đường 293 là thời điểm nào? Khi đó, các hộ dân đã sinh sống lâu dài và ổn định trên các diện tích đó hay chưa? Lãnh đạo UBND huyện Lục Nam đã hẹn PV Dân trí sẽ trả lời trong một buổi làm việc khác.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế (thực hiện)