Bắc Giang: Xe quá tải lại ngang nhiên phá đường

Bất chấp quy định của pháp luật, gần đây, tại một số tuyến đường, nhiều lượt xe quá khổ, quá tải, chở đất san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng hoạt động rầm rộ. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng, làm hư hỏng đường giao thông, gây bụi bẩn, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.


Nhiều xe cơi nới thành thùng chở đất tại điểm mỏ ở xã Bảo Sơn (Lục Nam).

Nhiều xe cơi nới thành thùng chở đất tại điểm mỏ ở xã Bảo Sơn (Lục Nam).

Xe quá tải ra vào mỏ đất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác đất san lấp mặt bằng tại 20 điểm mỏ ở các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam, Việt Yên; hàng chục trường hợp được chấp thuận hạ độ cao cốt nền và thực hiện một số dự án phát triển kinh tế có đào đất, vận chuyển mang đi san lấp. Khảo sát của phóng viên, tại các điểm khai thác, mỗi ngày có tới vài chục lượt xe tải cỡ lớn nườm nượp chở đất đưa tới các dự án san lấp mặt bằng trong tỉnh. Các xe này phần lớn là quá khổ, quá tải, nhiều xe không đậy bạt.

Đơn cử, tại điểm khai thác đất của Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản, xuất nhập khẩu Hải Phòng, xã Yên Lư (Yên Dũng) luôn tấp nập phương tiện ra vào vận chuyển đất. Đa phần các xe đều cơi nới, chở vật liệu quá thành thùng. Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty cho biết, việc khai thác nhằm phục vụ dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ tổng hợp Thăng Long. Đất thừa được vận chuyển đến Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) và Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang để san lấp mặt bằng.

Hay như tại thôn Kép 11, xã Hương Sơn (Lạng Giang) luôn có hàng chục xe quá tải cỡ lớn lưu thông trên đường liên thôn và quốc lộ 37. Lần theo hướng đi của các xe này, chúng tôi phát hiện một số cá nhân đang dùng máy múc và nhiều xe tải khai thác trái phép đất đồi tại thôn Kép 11. Cách đó không xa có một số phương tiện vận chuyển đất, bê tông, sắt thép, ống nhựa phục vụ xây dựng Nhà máy nước sạch DNP thường xuyên chạy trên đường độc đạo vào thôn Càn, xã Hương Sơn làm hư hỏng mặt đường. Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng thôn Càn nói: "Thôn đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư san gạt, lu lèn bằng phẳng để chúng tôi có thể đi lại, đồng thời hoàn trả lại mặt đường bê tông khi kết thúc dự án. Thực tế, doanh nghiệp này đã cam kết sửa và làm lại đường. Vậy nhưng sau mỗi đợt xe chở vật liệu đi qua, đường lại thêm sụt lún, trời mưa trơn trượt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là học sinh, công nhân đi làm ca lúc trời tối".


Phương tiện (bên phải) chở quá khổ, quá tải trên quốc lộ 17 đoạn qua xã Tiền Phong (Yên Dũng).

Phương tiện (bên phải) chở quá khổ, quá tải trên quốc lộ 17 đoạn qua xã Tiền Phong (Yên Dũng).

Cần quyết liệt xử lý

"Hiện nay Phòng đã cử tất cả các đội thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là ở những điểm “nóng” về xe quá khổ, quá tải thuộc huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang. Ngoài ra, đơn vị tăng cường phối hợp với công an các huyện tuần tra cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết", Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh).

Xe ô tô chở đất quá khổ, quá tải ngang nhiên lưu thông thời gian qua không chỉ làm gãy hỏng nhiều tuyến đường mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân là do các chủ mỏ vì lợi nhuận kinh tế trước mắt đã “phớt lờ” quy định trong giấy phép và nội dung cam kết với chính quyền sở tại tuân thủ nghiêm quy định về môi trường, đặc biệt là sử dụng xe đúng tải trọng, bảo đảm an toàn giao thông. Nhiều chủ mỏ sử dụng xe cơi nới thành thùng, chở đất quá tải chạy theo tiến độ của đơn vị thi công. Phần lớn các đơn vị chưa lắp camera và trạm cân để kiểm soát lượng đất khai thác, tải trọng xe tại điểm mỏ.

Không chỉ vậy, hiện nay, lực lượng chức năng một số nơi chưa tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Nhiều đơn vị, cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ được giao. Thừa nhận có xe quá khổ, quá tải hoạt động trên một số tuyến đường qua địa bàn nhưng Thiếu tá Hà Mạnh Hà, Phó trưởng Công an huyện Lạng Giang cho rằng, do lực lượng mỏng, các tuyến đường được giao quản lý nhiều, bị chia cắt, trải dài trên toàn huyện nên lực lượng công an khó bao quát. Lái xe và chủ xe luôn tìm cách tránh né khiến công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi vì sao hàng đoàn xe quá khổ, cơi nới thành thùng chạy trong buổi sáng 12-11 mà phóng viên chứng kiến trên địa bàn xã Hương Sơn nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng?.


Tuyến đường độc đạo vào thôn Càn, xã Hương Sơn (Lạng Giang) xuống cấp do xe quá tải.

Tuyến đường độc đạo vào thôn Càn, xã Hương Sơn (Lạng Giang) xuống cấp do xe quá tải.

"Tại huyện Yên Dũng, lực lượng chức năng tuy đã kiểm tra nhưng do số lượng xe ra vào các mỏ đất khá nhiều nên không thể ngày nào cũng xử phạt. Xe quá tải lần đầu thì chỉ nhắc nhở, nếu chủ xe tiếp tục vi phạm sẽ xử phạt nghiêm" - đại diện lãnh đạo Công an huyện này cho biết. Điều này dẫn tới “nhờn” luật, tạo tiền lệ xấu. Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) tuy được giao nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe ngay ở điểm mỏ song thực hiện nhiệm vụ chưa thường xuyên.

Trước thực trạng trên, để xử lý nghiêm và dứt điểm tình trạng xe chở đất quá khổ, quá tải ra vào các điểm mỏ, Công an tỉnh cần áp dụng chế tài “mạnh tay”, xử nghiêm để răn đe. Không chỉ xử phạt chủ xe mà phải yêu cầu hạ tải, cắt bỏ thành thùng và xem xét xử phạt cả các chủ mỏ theo quy định của pháp luật.


Xe chở đất cơi nới thành thùng qua một số tuyến đường thuộc xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Xe chở đất cơi nới thành thùng qua một số tuyến đường thuộc xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang khẳng định: UBND huyện đã chỉ đạo Đội trật tự giao thông xây dựng cùng Công an huyện phối hợp kiểm tra, xử lý các điểm mỏ vi phạm về tải trọng xe. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư và các nhà thầu ký cam kết thường xuyên sửa đường, bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện. Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư phải đổ bê tông lại tuyến đường đã hỏng. Đơn vị nào sử dụng xe quá tải, không thực hiện nghiêm cam kết về môi trường, giao thông, UBND huyện sẽ đề nghị cấp thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ thi công để khắc phục hậu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với các giải pháp trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện cần có giải pháp buộc chủ mỏ đất lắp đặt camera, trạm cân theo quy định, xử phạt các đơn vị không chấp hành nghiêm. Lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra tải trọng xe ngay tại bến bãi, điểm mỏ theo thẩm quyền, có như vậy mới siết chặt, giảm thiểu tình trạng xe quá khổ, quá tải.

Theo Báo Bắc Giang