Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom cao tốc xuống cấp hành dân

(Dân trí) - Liên quan sự việc hệ thống đường gom và cống chui dân sinh QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân khốn khổ, cùng với việc UBND tỉnh Bắc Giang sốt sắng đề nghị nhà đầu tư cải tạo, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa tuyến đường gom cao tốc này.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 11990/BGTVT-ĐTCT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký về việc cải tạo, sửa chữa đường gom KCN Quang Châu tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được các văn bản số 892/BQLDA2-PID1 ngày 03/08/2017 của Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang, số 2561 CQLXD-DB1 ngày 25/9/2017 của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông về việc cải tạo, sửa chữa đường gom Khu Công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang, theo hình thức hợp đồng BOT.


Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom cao tốc xuống cấp hành dân.

Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom cao tốc xuống cấp hành dân.

Bộ GTVT có ý kiến như sau: Chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom Khu Công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, theo hình thức hợp đồng BOT như đề xuất của Ban quản lý dự án 2 và Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang.

Giao Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức thẩm định, phê duyệt tuân thủ theo quy định hiện hành (trình Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thẩm định trước khi phê duyệt), đảm bảo kinh tế-kỹ thuật và không vượt tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.

Như Dân trí thông tin, dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT chính thức được thu phí từ tháng 05/2016. Thế nhưng, hệ thống đường gom và cống chui dân sinh xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền sốt sắng thúc giục, người dân khốn khổ.

UBND tỉnh Bắc Giang đã dành sự quan tâm đặc biệt và sốt sắng thúc giục nhà đầu tư phải nhanh chóng khắc phục. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp ký công văn số 3334/UBND-GT gửi Bộ GTVT và Công ty cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Công văn cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, theo hình thức hợp đồng BOT được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 01/2016, chính thức thu phí từ tháng 05/2016. Đến nay, sau gần 1,5 năm kể từ ngày thu phí, một số tồn tại trên hệ thống đường gom và cống chui dân sinh vẫn chưa được xử lý, khắc phục xong; một số vị trí sau một thời gian dài khai thác đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời, gây khó khăn cho giao thông đi lại trên các tuyến đường gom, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu công nghiệp dọc tuyến.

Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom cao tốc xuống cấp hành dân - 2
Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom cao tốc xuống cấp hành dân - 3

Người dân bất bình bởi không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh khốn khổ trên tuyến đường xuống cấp.

Người dân bất bình bởi không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh khốn khổ trên tuyến đường xuống cấp.

UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo Bộ Giao thông vận tải tình trạng thực tế khai thác một số hạng mục công trình như sau:

Về hệ thống đường gom: Đoạn đường ngoài KCN Vân Trung và KCN Quang Châu (do tỉnh Bắc Giang đầu tư, hiện tại được kết nối với hệ thống đường gom QL1): Nhà đầu tư chưa thực hiện việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng do sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công công trình. Hiện trạng mặt đường trồi lún, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ trâu, ổ gà, đi lại hết sức khó khăn, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các KCN.

Nhiều vị trí đường gom sau một thời gian khai thác đã bị trồi lún, võng vệt bánh xe, đọng nước trên mặt đường điển hình như các đoạn: Km 123+405 - Km 125+420 (trái tuyến); Km 116+115 - Km 116+215 (trái tuyến); Km 113+985 - Km 115+500 (trái tuyến); Km 113+985 - Km 115+385 (phải tuyến)… một số đoạn đường gom khả năng thoát nước hạn chế, ngập nước cục bộ khi mưa lớn như: Km 113+985 - Km 114+045 phía bên phải tuyến đoạn qua xã Dĩnh Kế và đoạn nút giao thông cầu vượt Đình Trám.

Về hệ thống cống chui dân sinh: Nhiều vị trí cống chui dân sinh bị ngập nước, mặt đường trong cống gồ ghề, đi lại khó khăn nhất là khi mưa gây ảnh hưởng lớn đến giao thông kết nối khu vực 2 bên tuyến cao tốc, tình hình thực tế cụ thể tại cống chui dân sinh tại Km 125+420 - Km 128+200: Mặt đường trong cống gồ ghề, đọng nước, mặt đường đoạn vuốt nối vào đường gom trồi lún; Cống chui dân sinh tại Km 126+600 thường xuyên bị ngập nước cục bộ do cao độ mặt đường trong cống thấp hơn so với cao độ đường gom và không có hệ thống rãnh thu và thoát nước tại 2 đầu cống.

Cống chui tại Km 128+761; Km 129+690; Km 130+134,7; Km 130+740: Nửa cống phía chưa xử lý vuốt nối vẫn bị ngập nước (Nhà đầu tư mới xử lý ½ chiều dài cống); Cống chui tại Km 131+383: Nhà đầu tư đã tổ chức khắc phục, tuy nhiên vẫn thường xuyên ngập sâu khi mưa to do nước không thoát được sang mương thủy lợi…

Trước những tồn tại trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nhiều lần làm việc, yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục; UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có các văn bản số 176/UBND-GT ngày 21/01/2016; số 1013/UBND-GT ngày 21/04/2016; số 2532/UBND-GT ngày 24/8/2016…, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện sửa chữa, khắc phục các tồn tại trên tuyến.

Tại buổi làm việc, ngày 24/8/2017, nhà đầu tư đã thống nhất sẽ khắc phục xong các tồn tại nêu trên trước ngày 15/10/2017.

Tuy nhiên, ngày 6/11, PV Dân trí đã có ghi nhận thực tế tại khu cực đường gom và cầu chui dân sinh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Con đường “đau khổ” vẫn không gì thay đổi. Sụt lún, ổ voi, ổ gà và bụi mù trời. Người tham gia giao thông, đặc biệt là bằng xe máy khốn khổ vật lộn mới đánh vật qua được quãng đường này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế