Bắc Giang: Hơn 100 công nhân thấp thỏm trước nguy cơ thất nghiệp ngay sát Tết

(Dân trí) - Lộ trình cưỡng chế thi hành án nhà xưởng nhà máy gạch Hải Hà của Chi cục THADS huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang khiến cán bộ, công nhân đang làm việc tại nhà máy này hết sức hoang mang lo lắng. Trong khi đó, Công ty Hải Hà đã có hàng loạt đơn khiếu nại, tố cáo gửi Tổng cục Thi hành án, Cục thi hành án dân sự Bắc Giang, VKSND tỉnh Bắc Giang, TAND tỉnh Bắc Giang.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Hải Hà (công ty Hải Hà) cho biết: Công ty thành lập tháng 8/2008, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, kinh doanh vật liệu kim khí xây dựng, sửa chữa các sản phẩm cơ khí, xây dựng nhà các loại… Để xây dựng dự án nhà máy gạch Hải Hà, các cổ đông của công ty đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng cho việc san lấp mặt bằng, mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng.


Việc thi hành án với Công ty vật liệu xây dựng Hải Hà khiến hơn 100 cán bộ, công nhan viên lo lắng nguy cơ thất nghiệp khi Tết đang đến gần.

Việc thi hành án với Công ty vật liệu xây dựng Hải Hà khiến hơn 100 cán bộ, công nhan viên lo lắng nguy cơ thất nghiệp khi Tết đang đến gần.

Công ty hoạt động ổn định cho đến năm 2014 thì bắt đầu rơi vào tình trạng nợ nần. Ngày 7/10/2013, công ty Hải Hà bị Ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (TMCP NTVN) kiện ra tòa trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng số 03/TLST-TCTM.

Theo nội dung đơn, “khi thụ lý, đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện Yên Dũng không triệu tập các cổ đông của công ty. Vì thế, hầu hết các cổ đông đều không hay biết tới việc bị kiện, phải hầu tòa. Chính vì thế, hơn một năm trời, bản án dù đã có hiệu lực nhưng không thi hành án được. Chỉ đến khi Chi cụ Thi hành án dân sự (THADS) huyện Yên Dũng tiến hành các thủ tục cưỡng chế thi hành án các cổ đông của công ty mới biết tới sự việc.

Lúc này, nhà máy gạch Hải Hà đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, rơi vào tay người khác. Tất cả tâm huyết, tiền bạc của các cổ đông đứng trước nguy cơ bị mất trắng. Nhà máy rơi vào cảnh đóng cửa suốt 8 tháng trời, gần 200 công nhân bị mất việc. Để cứu vãn tình hình, nhóm cổ đông chính của công ty đã phải bỏ thêm tiền để khôi phục sản  xuất, duy trì cho nhà máy hoạt động. Sau vài tháng, đến nay nhà máy đã đi vào ổn định. Hơn 100 công nhân đã trở lại làm việc”.

Tuy nhiên, ngày 6/1/2016, Chi cục THADS huyện Yên Dũng có Quyết định số 06/QĐ-CCTHA cưỡng chế toàn bộ nhà xưởng, máy móc của nhà máy gạch Hải Hà.

Bắc Giang: Hơn 100 công nhân thấp thỏm trước nguy cơ thất nghiệp ngay sát Tết - 2

Bản án bị phản ứng cho rằng không triệu tập đầy đủ các cổ đông của công ty.

Bản án bị phản ứng cho rằng không triệu tập đầy đủ các cổ đông của công ty.

Trong khi trước đó, ngày 27/5/2014, Chi cục THADS huyện Yên Dũng ban hành quyết định số 06/QĐ-CCTHA kê biên toàn bộ tài sản gồm nhà xưởng máy móc và quyền sử dụng 102.747,4m2 đất của công ty thuê tại xã Lão Mộ. Đến ngày 2/6/2014, đơn vị này lại ban hành hành quyết định 01/QĐ-CCTHA sửa đổi, bổ sung quyết định trên theo hướng không kê biên quyền sử dụng đất của công ty Hải Hà.

Theo công ty Hải Hà, các cổ đông của công ty không thể biết thông báo đấu giá, bán hồ sơ đấu giá, thời gian địa điểm tổ chức đấu giá diễn ra thế nào để tham gia. Kết quả là phiên đấu giá chỉ có duy nhất một người tham gia.

Không dừng ở đó, giá khởi điểm mà Công ty cổ phần Bán đấu giá tài sản miền Bắc đưa ra chỉ là 25.816.100.00 đồng. Con số này thậm chí còn bị giảm xuống chỉ còn 20.911.041.000VND sau hai lần giảm giá bởi Chi cục THADS huyện Yên Dũng.

 


Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của Công ty Hải Hà bị khiếu nại.

Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của Công ty Hải Hà bị khiếu nại.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Việc Chi cục THADS huyện Yên Dũng 2 lần “hạ” giá tài sản đấu giá cũng hoàn toàn không đúng với quy định pháp luật về đấu giá tài sản. Bởi nếu như định giá tài sản bao gồm cả quyền sử dụng đất của công ty Hải Hà thì giá khởi điểm phải lớn hơn rất nhiều và nếu chỉ tính riêng khối lượng tài sản gắn liền đất con số đã lên tới 37.429.000.000 đồng. Còn nếu tài sản được đưa ra đấu giá chỉ là tài sản gắn liền trên đất không bao gồm quyền sử dụng đất thì việc tìm người mua là bất khả thi vì nếu quyền sử dụng đất không được chuyển giao thì dây chuyền nhà máy không thể vận hành được, toàn bộ nhà xưởng sẽ chỉ là đống sắt vụn.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tạm dừng việc đấu giá để điều tra làm rõ. VKSND tỉnh Bắc Giang cũng cần vào cuộc kiểm tra, giám sát quá trình thi hành án của Chi cục THADS huyện Yên Dũng”.

Công ty Hải Hà đã có hàng loạt đơn khiếu nại, tố cáo gửi Tổng cục Thi hành án, Cục thi hành án dân sự Bắc Giang, VKSND tỉnh Bắc Giang, TAND tỉnh Bắc Giang.

Được biết, sáng nay 15/1, lực lượng công an và thi hành án đã có mặt tại công ty Hải Hà để thực hiện các thủ tục thi hành án trong khi nhiều công nhân đang làm việc tại nhà máy gạch Hải Hà cho biết họ đang hết sức lo lắng trước nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập dù Tết Nguyên đán đang đến gần.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế