Bài 11:
Bắc Giang: Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ cùng thuộc cấp chia nhau hơn 30 năm tù!
(Dân trí) - Chiều ngày 26/8, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt 3 bị cáo hơn 30 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, bị cáo Nguyễn Tiến Duẩn, nguyên Chủ nhiệm UBKT huyện uỷ Yên Dũng được xác định phạm tội khi còn giữa chức Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện.
Cụ thể: Bị cáo Nguyễn Tiến Duẩn bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Vũ Thị Tiền, nguyên kế toán Phòng LĐTB&XH huyện Yên Dũng; Bị cáo Nguyễn Văn Song, chủ hộ kinh doanh cá thể ở thị trấn Tân Dân (Yên Dũng) bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau quá trình xét xử kéo dài, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Duẩn 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Vũ Thị Tiền 13 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Song 10 năm tù.
Trước đó, Báo Dân trí đã thực hiện loạt bài điều tra nhiều kỳ về vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này.
Liên quan đến vụ việc, Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Bắc Giang đã chính thức đưa ra kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Tiến Duẩn trong việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản, chi trả chế độ trợ cấp cho người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Yên Dũng.
Thời gian xảy ra sự việc là khi ông Duẩn giữ chức vụ Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng từ tháng 7/2011 đến 6/2015.
Các bị cáo chi trả trợ cấp không thường xuyên ở một số nội dung chưa kịp thời. Đặc biệt, các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, người có công qua đời nhưng không tiến hành cắt chế độ kịp thời theo quy định mà cắt chậm từ 1 tháng đến 4 tháng.
Ông Nguyễn Tiến Duẩn bị kết luận quản lý tài sản không chặt chẽ, không kiên quyết chỉ đạo kế toán chấp hành đúng quy định trong việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán. Từ năm 2011 đến năm 2014, đơn vị không xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ; năm 2011, 2012 không thực hiện công khai tài chính theo quy định.
Trụ sở Huyện uỷ - UBND huyện Yên Dũng.
Việc kiểm tra, xét duyệt chứng từ chi chưa chặt chẽ, nhiều chứng từ chi được lập không bảo đảm tính hợp pháp, hợp lệ.
Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng là ông Duẩn duyệt chứng từ khống để rút tiền và hợp thức hóa một số nội dung chi sai quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cùng đó, vị lãnh đạo này đã buông lỏng công tác quản lý quỹ tiền mặt, duyệt chi tạm ứng cho một số đối tượng sai quy định; không thực hiện chế độ kiểm kê quỹ tiền mặt theo quy định dẫn đến hụt quỹ tiền mặt số tiền lớn, thời gian dài.
Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại là hơn 8,4 tỷ đồng.
Về vụ việc, UBKT tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã yêu cầu Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đảng, chính quyền đối với các cá nhân có liên quan.
Cùng đó, UBKT tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng, Kho bạc Nhà nước huyện và Chi cục Thuế huyện Yên Dũng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định, phê duyệt quyết toán, kiểm soát hồ sơ, chứng từ chi, quản lý hóa đơn đã không phát hiện vi phạm.
Anh Thế