Bắc Giang: Huy động cả bộ máy cảnh báo dân, chống “cơn bão” tiền ảo!

(Dân trí) - Trước thực trạng tiền ảo “tấn công” vào tham vọng làm giàu thần tốc của những người dân thiếu hiểu biết, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành công văn gửi tất cả các cơ quan thuộc UBND tỉnh, ngân hàng nhà nước chi nhánh Bắc Giang, công an và các huyện, thành phố yêu cầu cùng vào cuộc cảnh báo người dân, chống “cơn bão” tiền ảo.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 3805/UBND-KT về việc ngăn chặn, xử lý kinh doanh tiền ảo (Bitcoin, Aloscoin) gửi tất cả các cơ quan thuộc UBND tỉnh, ngân hang nhà nước chi nhánh Bắc Giang, công an và các huyện, thành phố cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều người đầu tư vào tiền ảo Bitcoin,Aloscoin (AOC), hy vọng có lãi lớn. Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng nhà nước đã chính thức thông cáo báo chí nêu rõ “…theo quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ, ngân hàng thì Bitcoin ( và các loại tiền tương tự khác ) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam”; cũng theo Ngân hàng nhà nước: Aloscoin không phải là tiền ảo hay tiền mã hóa như quảng cáo, thực chất đây là loại hình đa cấp lợi dụng danh nghĩa tiền ảo/tiền mã hóa …


Nhân viên ILcoin tại TP.HCM hùng hồn khẳng định đồng tiền ảo này đang là số 1 (Ảnh: Trung Kiên - Xuân Hinh).

Nhân viên ILcoin tại TP.HCM hùng hồn khẳng định đồng tiền "ảo" này đang là số 1 (Ảnh: Trung Kiên - Xuân Hinh).

Vì vậy, để ngăn chặn rủi ro cho người dân trong việc mua bán, sở hữu, sử dụng tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không đầu tư, nắm giữ và thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, có hình thức kiểm tra, kiểm soát phù hợp với hoạt động tuyên truyền, mua, bán, đầu tư vào tiền ảo; kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị và các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về rủi ro, tác hại khi mua, bán, đầu tư, sở hữu và sử dụng tiền ảo.

Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng danh nghĩa tiền ảo để kinh doanh các loại hình bán hàng đa cấp không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Công an tỉnh Bắc Giang được yêu cầu thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống, điều tra, xử lý theo quy định đối với các liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Cùng đó, các sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh Bắc Giang; UBND huyện, thành phố tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về tính bất hợp pháp của hoạt động kinh doanh, mua bán tiền ảo; chỉ đạo các lực lượng chức năng kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý vi phạm liên quan đến mua bán, đầu tư, sở hữu và sử dụng tiền ảo.

Trước đó, loạt bài điều tra của báo Dân trí đã bóc trần hoạt động tội phạm của ổ nhóm đa cấp MB24 trên nhiều tỉnh thành, cùng với sự vào cuộc của các địa phương, ngày 2/3, cơ quan CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt tạm giam Vũ Ngọc Thuyển cùng Tạ Quang Phú (33 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty Muaban24 chi nhánh huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Cùng với các “trùm sò” khác đã lần lượt lĩnh án, ngày 28/1/2015, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt bị cáo Vũ Ngọc Thuyển 4 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo điểm d khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự.


Đa cấp Liên minh tiêu dùng bị rút giấy phép sau loạt bài điều tra quyết liệt trên Báo Dân trí.

Đa cấp Liên minh tiêu dùng bị rút giấy phép sau loạt bài điều tra quyết liệt trên Báo Dân trí.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau khi nhận án tù, Thuyển vẫn chưa phải thi hành án. Hơn nữa, Thuyển còn luôn xuất hiện phía sau tấm biển là Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam có địa chỉ tại 15 phố Đặng Thùy Trâm, Bắc Từ Liêm.

Vụ việc “trùm sò” cầm đầu đường dây MB24 tại Bắc Giang bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù nhưng vẫn tại ngoại sáng lập công ty đa cấp Công ty đa cấp Liên Minh tiêu dùng Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, thông tin Công ty này được thành lập theo Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013 do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cấp, thời điểm này,Vũ Ngọc Thuyển vừa bị khởi tố tội lừa đảo khiến dư luận hết sức bàng hoàng.

Theo điều tra của PV Dân trí, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã căn cứ vào một giấy tờ không có giá trị pháp lý để cấp tấm “giấy thông hành” kinh doanh đa cấp cho Công ty Liên minh tiêu dùng.

Theo hồ sơ lưu giữ về các thủ tục cấp phép kinh doanh đa cấp cho Công ty Liên minh tiêu dùng, Vũ Ngọc Thuyển có tên với vai trò 1 trong 3 thành viên sáng lập công ty cùng Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Văn Cường. Mọi dấu vết về hành vi phạm tội lừa đảo trong đường dây MB24 khi bị Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vào tháng 3/2013 của Thuyển đã bị xoá sạch bằng một văn bản: “Đơn xin xác nhận dân sự”.

Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã chính thức có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam.Theo kết luận của Cục Quản lý cạnh tranh, công ty này đã bị phát hiện hàng loạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Sáng ngày 30/11/2016, tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm 4 năm tù giam đối với bị cáo Vũ Ngọc Thuyển, nguyên Giám đốc Công ty Muaban24 chi nhánh huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Anh Thế