“Bà trùm” đa cấp lừa hàng chục tỷ, khuynh đảo các miền quê đối diện án chung thân
(Dân trí) - Liên quan đến vụ án “bà trùm” đa cấp Nguyễn Thị Thu (SN 1970) lửa đảo hàng chục tỷ đồng làm khuynh đảo nhiều vùng quê tỉnh Bắc Ninh, luật sư Trương Quốc Hoè nhận định siêu lừa này khó thoát mức án chung thân.
Liên quan đến vụ án “bà trùm” đa cấp Nguyễn Thị Thu (SN 1970), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư thương mại và phát triển Việt Phát (gọi tắt công ty Vipha Việt Nam), trú tại phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội bị khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để làm rõ hình phạt dành cho siêu lừa này.
Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật, hành vi của nữ giám đốc này sẽ bị xử lý như thế nào?
Hành vi của nữ giám đốc Nguyễn Thị Thu đã có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Chiểu theo các quy định cụ thể thì hành vi của vị nữ giám đốc này có thể phải đối mặt với mức án tù chung thân, khung hình phạt cao nhất của điều luật này vì số tiền chiếm đoạt là rất lớn hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, vị nữ giám đốc này còn có thể bị phạt tiền đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ một đến năm năm theo quy định tại Khoản 5 của Điều luật.
Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến các công ty đa cấp, ông đánh giá sao về vấn đề này. Phải chăng nhiều người chưa hiểu đúng về bản chất của loại hình công ty đa cấp?
Trên thực tế, đây là hình thức kinh doanh khá phổ biến trên thế giới. Đó là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, hình thức này còn tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa. Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng chuộng ở nước ngoài nhờ đó khách hàng sẽ mua được sản phẩm giá giẻ hơn và chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, khi loại hình này về Việt Nam đã bị các đối tượng xấu biến tướng, lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người. Trong thời gian vài năm trở lại đây liên tiếp xảy ra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp. Gần đây nhất là mạng lưới đa cấp mang tên Liên Kết Việt đã lừa đảo hơn 60.000 người với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính là sự hấp dẫn quá lớn của những lời hứa lợi nhuận "khủng"?
Phần lớn những người tham gia mô hình đa cấp lừa đảo ở Việt Nam là do thiếu hiểu biết và bị các đối tượng này lừa dối về mức lợi nhuận siêu lớn khi tham gia mô hình này. Những công ty đa cấp này thường sẽ đào tạo những người chuyên đi thuyết phục, dụ dỗ người khác để tham gia. Bên cạnh việc bị chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, rất nhiều gia đình còn tan nát, sứt mẻ tình cảm vì những người tham gia đa cấp lại đi lừa chính những người thân, bạn bè, họ hàng của mình. Vì vậy, trước khi có ý định tham gia bất kỳ hoạt động đầu tư, làm ăn nào mọi người nên cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ và phải từ bỏ ngay ý nghĩ không cần bỏ công sức vẫn có thể làm giàu một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Xin cảm ơn Luật sư!
Thanh Trầm