Bài 2:
Áp thuế theo Thông tư 44: Doanh nghiệp ngừng sản xuất, hàng vạn công nhân có nguy cơ mất việc
(Dân trí) - Không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng hoạt động và kéo theo đó hàng vạn công nhân sẽ bị đẩy vào cảnh mất việc làm nếu như mức tính thuế mới theo Thông tư 44 được áp dụng… Doanh nghiệp kêu cứu, công nhân hoang mang.
“Đá trắng có phải cứ vào cắt là đi bán”
Theo ghi nhận của phóng viên trong những năm gần đây thị trường đá trắng các loại đã bão hòa. Phần lớn sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Thực tế trong thời gian qua đã không ít doanh nghiệp khai thác đá trắng trên địa bàn huyện Qùy Hợp, Nghệ An đã phải ngừng khai thác vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
“Theo cấp phép thì chất lượng đá nhiều nơi không thể đạt được như bước đầu đã được thăm dò. Có nhiều mỏ chỉ khai thác được từ 5 - 10 % đá thành phẩm. Trong khi đó số lượng sản phẩm nhỏ này đã phải gánh tất cả các loại thuế cho cả 95% đá không thể sử dụng. Vậy thì doanh nghiệp làm sao có thể hoạt động được”, ông Nguyễn Thành Trung - GĐ Công ty TNHH Thành Trung chia sẻ.
Tại điểm mỏ của Công ty CP sản xuất & Thương mại Quang Long - được một doanh nghiệp Ấn Độ làm chủ đầu tư, mặc dù đã phải bóc sâu xuống dưới tầng đất, đá mới có thể thấy được vỉa đá trắng, nhưng chất lượng đá lại không như kỳ vọng.
Mỗi phía đá ốp lát nhưng nứt toác, chất lượng rất kém.Nhiều năm nay doanh nghiệp hoạt động luôn trong tình trạng thua lỗ. Là giám đốc điều hành nhưng ông Chhagan Lal Patel cũng đang phải thuê trọ để cầm cự cùng các công nhân.
“Trước đây anh em Ấn Độ sang làm cùng nhiều, giờ đá không khai thác được anh em phải về. Chúng tôi sắp chết rồi. Thuế mà tăng nữa là chết hẳn, tôi phải về nước thôi. Muốn ở lại cũng không được nữa”, ông Chhagan Lal Patel tâm sự. Với Patel một con người đã gắn bó với Việt Nam nói chung và mảnh đất xứ Nghệ nói riêng đã hơn chục năm qua.
Ở Việt Nam, ông bảo đây là quê hương thứ 2 của mình. Sinh ra và lớn lên học ngành địa chất ở Ấn Độ và đam mê nghề đá nên sang Việt Nam làm ăn. Thời “vàng son” ở mảnh đất Quỳ Hợp - nơi được mệnh danh là thủ phủ của đá trắng, khi bước chân sang đây, cũng như nhiều kỹ sư, công nhân khác Patel rất hiểu về đời sống ở đây nên gắn bó với nghề đá như máu thịt. Nhưng giờ thì mỏ đá của ông đang làm thì sống dở chết cũng lâm sàng.
Doanh nghiệp đá Quỳ Hợp kiến nghị Thông tư 44.
“Tôi gắn bó với ngành đá Quỳ Hợp hơn 10 năm qua, chứng kiến bao đổi thay, nay thấy Bộ Tài chính ban hành thêm Thông tư 44, anh em doanh nghiệp cũng đã có văn bản kiến nghị. Nếu Thông tư này áp dụng thì tôi phải chia tay với Quỳ Hợp thôi”, Patel tâm sự.
Dưới cái nắng như đổ lửa của Miền tây xứ Nghệ, một số công nhân người Ấn Độ cùng các công nhân người Việt Nam và máy móc làm việc cật lực. Những phiến đá lớn được cắt ra nhưng trên khuôn mặt của mỗi người đều không thể giấu nỗi niềm thất vọng vì trên phiến đá ấy chằng chịt những vết nứt lớn nhỏ.
Ngao ngán máy móc công nhân lại chuyển sang khai thác ở vị trí khác nhưng rồi chỉ nhận lại một cái lắc đầu vì sản phẩm làm ra không có giá trị, không thể bán... Rồi những giọt mồ hôi, nước mắt của người lao động cứ chảy ròng trên từng phiến đá.
“Trữ lượng được cấp phép là thế, nhưng các anh thấy đấy số lượng đá phải bỏ đi nhiều gấp hàng chục lần so với lượng đá thành phẩm ít ỏi có thể bán ra. Đó là chưa kể đến các chi phí khác như cước vận chuyển, rồi thị trường biến động. Có phải đá trắng là cứ vào mỏ cắt khúc ra để mà đi bán đâu. Bây giờ mà tăng thuế nữa thì chúng tôi chắc chắn sẽ chẳng doanh nghiệp nào hoạt động nổi”, ông Nguyễn Thành Trung tâm sự.
Suốt chuyến đi dài qua từng điểm mỏ được gọi là “thủ phủ đá trắng” ở Quỳ Hợp, cái không khí rầm rộ hoạt động như trước đây không còn nữa. Những đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng cố gắng hoàn thành các hợp đồng đã ký kết với đối tác.
Nhiều đơn vị chưa dám ký thêm những hợp đồng mới bởi nếu đã lỡ ký mà phí, thuế lại tăng thì doanh nghiệp không thể tăng giá đối với khách hàng. Không khó để bắt gặp những khu mỏ bị bỏ hoang, máy móc nằm hoang phế giữa núi rừng. Hay những khu vực mỏ được “chuyển đổi” sang trang trại chăn bò.
Doanh nghiệp “chết”… công nhân về đâu?
Ông Hoàng Văn Sơn - GĐ Công ty cổ phần An Sơn cho biết: Hơn 90% sản phẩm của công ty đều xuất khẩu, nếu như với cách tính mới theo Thông tư 44 được áp dụng thì chúng tôi sẽ không trụ nổi. Chúng tôi cũng không dám nghĩ đến tương lai của hơn 300 công nhân của mình. Bởi họ đã rất gắn bó với công ty trong những ngày đầu, hay trong thời điểm khó khăn.
Doanh nghiệp kiến nghị Thông tư 44
Chị Trần Thị Phương (SN 1984, người có hơn 10 năm gắn bó với doanh nghiệp tư nhân Long Anh) cho biết: “Tôi và chồng cùng làm việc tại công ty này hơn 10 năm rồi, bây giờ ở nhà ruộng vườn cũng không có. Thu nhập chính của gia đình đều dựa hoàn toàn vào số tiền công của công ty. Nếu mất việc làm thì chúng tôi cũng chẳng biết làm gì để có đủ tiền trang trải các chi phí sinh hoạt và lo cho con cái”.
Cũng như chị Phương hơn 100 công nhân làm việc tại đây và hàng vạn công nhân khác cùng trong ngành khai thác khoáng sản ở địa bàn huyện miền núi cao Quỳ Hợp cũng phải nơm nớp làm việc theo dõi những “diễn biến” mới nhất của việc triển khai Thông tư mới. Tương lai của công ty gắn liền với miếng cơm manh áo của cả gia đình họ.
Anh Nguyễn Văn Phi - GĐ quản lý mỏ của Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải cho biết: “Các anh thấy đó, mỏ chúng tôi được cấp phép là mỏ đá trắng. Tuy nhiên, khi khai thác ra thì tỷ lệ đá trắng là rất ít, toàn là đá đen và đá xanh như kiểu đá xây dựng. Chúng tôi cũng có nghe sắp tới Thông tư 44 sẽ được áp dụng. Nếu được áp dụng thuế sẽ tăng 3-4 lần, như vậy doanh nghiệp sẽ khó trụ nổi… và chắc chắn sẽ ngừng hoạt động. Khi đã ngừng hoạt động thì công nhân, kỹ sư… đều sẽ không có việc làm. Hơn nữa với hàng trăm lao động tại đây chủ yếu là người địa phương khi việc mất việc làm thì không biết đi đâu về đâu nữa”.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp, Nghệ An cho biết: “Hiện nay thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là đá trắng trên địa bàn chúng tôi gặp rất khó khăn. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, nợ thuế. Nếu như tăng thuế theo Thông tư 44 sắp tới thì sẽ thêm phần khó khăn, địa phương cũng mong cấp trên có chính sách hợp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.
Qua thực tiễn sản xuất đá hoa, đá hoa trắng tại Nghệ An và Yên Bái cho thấy, 70% số điểm mỏ thông số tính trữ lượng khoáng sản đối với đá hoa làm bột sai số từ 50% đến 60%, đá hoa ốp lát sai số từ 60% đến 99% (mỏ Lam Hồng, Phú Thắng, Khoáng sản 4 - Quỳ Hợp sai số lên tới 99%, Phủ Quỳ, Trung Hải, Chính Nghĩa, Quang Long, Đất Việt - Quỳ Hợp sai số 95%, Nữ Hoàng, Granida, Việt Đức, Đông Đô, Chân Thiện Mỹ - Yên Bái sai số lên đến 93%) điều này dẫn tới giá trị khoáng sản được khai thác trong khối trữ lượng là rất thấp.
Đứng trước tình hình nguy cơ bị phá sản - Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp - Nghệ An và Hội đá hoa trắng Lục Yên - Yên Bái xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền, xem xét điều chỉnh khung giá, danh mục, mức thu, phương pháp tính phù hợp để doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất, đáp ứng định hướng phát triển bền vững ngành khai khoáng, duy trì nguồn lực đã đầu tư, không tạo nợ xấu, phá sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước và đáp ứng tính cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, là cơ sở để chuyển đổi thành công từ tiềm năng tài nguyên khoáng sản sang sự thịnh vượng cho đất nước.
Các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn, Bộ Tài chính cơ quan chức năng cần thành lập đoàn công tác liên bộ, ngành, địa phương khảo sát thực tế giá trị mỏ, suất đầu tư, lợi nhuận, việc làm và lấy ý kiến cơ quan chuyên ngành tại địa phương, lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế mỏ, địa chất, tài chính, thuế để có phương án giải quyết phù hợp với đặc thù chất lượng sản phẩm đá hoa ốp lát và đá hoa sản xuất bột cacbonat canxi tại Yên Bái, Nghệ An và các quy định thu ngân sách hiện nay.
Từ đó ban hành lại giá sàn, đơn giá, phân loại, tên nhóm, loại tài nguyên đối với khung giá tính thuế đối đá hoa, đá hoa trắng hoặc cho áp dụng tham chiếu.
Giá trị đầu tư: Tổng mức đầu tư lĩnh vực đá hoa tại Nghệ An, Yên Bái và ngành công nghiệp sản xuất đá hoa toàn quốc, công nghiệp phụ trợ gồm khai thác, vận tải, chế biến khoảng 10.800 tỷ đồng và giải quyết 30.500 lao động.
Nợ xấu, phá sản và hệ lụy: Trong tổng mức đầu tư nêu trên thì vốn vay ngân hàng chiếm 70%, tương ứng 7.560 tỷ, nếu áp theo quy định theo khung giá tại Thông tư số 44 sẽ dẫn tới 95% doanh nghiệp phá sản, sẽ dẫn tới nợ xấu ngân hàng khó thu hồi vốn khoảng 7.182 tỷ đồng.
Mất việc làm, tác động tiêu cực: Nếu triển khai theo quy định trên thì dẫn tới 95% doanh nghiệp của hai tỉnh Nghệ An và Yên Bái làm khoáng sản sẽ bị phá sản và dẫn tới 28.957 lao động trực tiếp tại hai tỉnh này mất việc làm, ảnh hưởng gián tiếp 86.925 nhân khẩu tương ứng khoảng 7.243 hộ gia đình; những vùng mỏ khai thác dở dang để lại nguy cơ về môi trường, mất an toàn lao động và nguy cơ thất thoát tài nguyên do hoạt động trái phép gây ra.
Nguyễn Duy