Án tuyên 7 năm vẫn chưa được thi hành án: Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng lên tiếng!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật gần 7 năm qua của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên và Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đối với ông Huỳnh Thanh Dững, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Sóc Trăng Lê Trọng Nguyên đã có Công văn 1676/CTHADS-NV hồi âm Báo Dân Trí.

Theo Văn bản này, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng ghi nhận “Chi cục thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên thi hành tổ chức thi hành 05 (năm) Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật gồm Bản án số 210/DS-PT ngày 16/11/2009, người được thi hành án là ông Huỳnh Thanh Dững; người phải thi hành án là ông Ngô Văn Đực và bà Võ Thị Tuyết Diễm có trách nhiệm trả cho ông Dững số tiền 1.203.000.000 đồng và lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra tại phần quyết định của bản án tuyên “tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định số 02 ngày 31/7/2009 của TAND huyện Mỹ Xuyên đến khi vợ chồng ông Đực bà Diễm thực hiện xong nghĩa vụ cho ông Dững để đảm bảo việc thi hành án”. Bên cạnh đó còn 04 (bốn) Quyết định số 31/QĐST-DS ngày 08/9/2009; Số 32/QĐST-DS ngày 09/9/2009, Số 33/QĐST-DS ngày 09/9/2009 và Số 34/QĐST-DS ngày 14/9/2009 công nhận sự thỏa thuận giữa ông Ngô Văn Đực và bà Võ Thị Tuyết Diễm với 04 (bốn) người được cho là ông Dực bà Diễm nợ tiền họ và thỏa thuận sẽ trả nợ cho 4 người này.

Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên đã tiến hành các thủ tục thi hành án, tổ chức kê biên tài sản và Quyết định kê biên tài sản và tài sản kê biên này đã được bán đấu giá. Khi Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên chuẩn bị chi trả tiền cho bản án số 210/DS-PT (đối với ông Huỳnh Thanh Dững-PV) đã được đảm bảo bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì có khiếu nại của 4 người (gồm ông Trần Văn Hợp, bà Ngô Thị Ngào, Ngô Thị Ngọt, Võ Hoài Phong-là người thân của vợ chồng ông Ngô Văn Đực và bà Võ Thị Tuyết Diễm-PV) yêu cầu được chia đều số tiền bán tài sản cảu ông Đực, bà Diễm. Do vậy, Chi cục thi hành án dân sự tiến hành mời Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Xuyên và các ngành có liên quan để trao đổi thống nhất quan điểm trong việc chi trả tiền, qua trao đổi thì có những quan điểm khác nhau.

Án tuyên 7 năm vẫn chưa được thi hành án: Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng lên tiếng! - 1

Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng hồi âm đến Báo Dân trí.

Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng hồi âm đến Báo Dân trí.

Trong đó, quan điểm của Viện KSND huyện Mỹ Xuyên chỉ căn cứ vào Bản án đã được đảm bảo bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không căn cứ vào các quyết định còn lại (quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa vợ chồng ông Ngô Văn Đực, bà Võ Thị Tuyết Diễm với ông Trần Văn Hợp, bà Ngô Thị Ngào, Ngô Thị Ngọt, Võ Hoài Phong) để kê biên tài sản.

Còn quan điểm của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên lại cho rằng cần phải căn cứ bản án số 210/DS-PT và các quyết định (của 4 người đã nêu trên) vào một quyết định kê biên để có cơ sở chi trả số tiền thừa (nếu có), sau khi đã chi cho người được ưu tiên (là ông Huỳnh Thanh Dững-PV). Nếu Chi cục THADS Mỹ Xuyên không đưa các Quyết định trên vào một Quyết định cưỡng chế số 04/QĐ-THA ngày 01/4/2010, trường hợp này có thể xẩy ra các Quyết định khác tiếp theo, dẫn đến đương sự khiếu nại tiếp tục.

Quan điểm của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên cũng như Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng thì số tiền thu được từ việc bán tài sản của ông Đực và bà Diễm sẽ trừ vào các khoản án phí, chi phí thi hành án, số còn lại ưu tiên chi trả cho ông Huỳnh Thanh Dững, nếu số tiền sau khi chi trả cho ông Dững còn thừa thì tiếp tục chi trả cho 04 Quyết định còn lại.

Ngày 17/6/2011, Tổng cục thi hành án dân sự có công văn chỉ đạo Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp liên ngành để tham khảo ý kiến của các ngành. Qua cuộc họp, có hai quan điểm khác nhau, trong đó, quan điểm của các ngành tham gia họp thống nhất ưu tiên chi trả số tiền cho ông Huỳnh Thanh Dững. Riêng TAND tỉnh Sóc Trăng nêu quan điểm TAND huyện Mỹ Xuyên ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ nhằm mục đích cấm tẩu tán tài sản. Do đó, nếu tài sản có thế chấp thì ưu tiên thanh toán, còn tài sản không thế chấp thì không được ưu tiên.

Sau đó, Cục THADS Sóc Trăng đã báo cáo về Tổng cục THADS và xin ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc thi hành án. Sau khi có báo cáo của Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng, ngày 01/11/2012, Tổng cục thi hành án dân sự có Thông báo kết quả cuộc họp liên ngành số 2391/TCTHADS-NV1 (nội dung thông báo kết quả cuộc họp liên ngành gồm Vụ 10 (Viện KSND tối cao), Tòa Dân sự (TAND tối cao), các Vụ chuyên môn trong Tổng cục THADS, thống nhất: “Số tiền bán tài sản của vợ chồng ông Đực sau khi trừ các khoản án phí, chi phí thi hành án thì số tiền còn lại được ưu tiên thanh toán cho ông Huỳnh Thanh Dững theo bản án số 210/DS-PT ngày 16/11/2009 của TAND tỉnh Sóc Trăng”-PV).

Nhận được Thông báo của Tổng cục thi hành án dân sự, ngày 23/11/2012, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên họp với sự tham gia của Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng. Các thành viên tham gia cuộc họp thống nhất số tiền bán tài sản của ông Đực và bà Diễm sau khi trừ các khoản án phí, chi phí thi hành án, số tiền còn lại được ưu tiên thanh toán cho ông Huỳnh Thanh Dững, nhưng vẫn còn băn khoăn, vướng mắc như sau: “Việc thực hiện theo Thông báo 2391/TCTHADS-NV1 của Tổng cục thi hành án dân sự nêu trên là có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền cho ông Dững hay không? Quyết định cưỡng chế đã đưa 04 quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vào, nếu số tiền bán tài sản không chi cho 04 quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có vi phạm quy định của Luật thi hành án dân sự hay không ?”.

Ngày 20/12/2013, Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên mời ông Dững và 04 người được ông Đực và bà Diễm đồng ý trả nợ họp để thỏa thuận chi trả tiền bán tài sản. Tại buổi họp, ông Huỳnh Thanh Dững yêu cầu được nhận 70% giá trị tiền bán tài sản để thi hành án cho ông, số tiền 30% chia cho các Quyết định còn lại. Còn 4 người khác lại yêu cầu họ nhận 60% giá trị tiền bán tài sản, còn lại 40% chi cho ông Dững.

Ngày 27/3/2014, Cục THADS Sóc Trăng tiếp tục báo cáo về Tổng cục THADS về kết quả giải quyết. Ngày 21/5/2014, Tổng cục THADS - Bộ tư pháp ban hành Công văn số 1358/TCTHADS-NV1 về việc hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án với nội dung: “về vụ việc này, ngày 26/10/2012, Tổng cục THADS đã tổ chức cuộc họp liên ngành gồm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, các Vụ chuyên môn trong Tổng cục THADS thống nhất phương án giải quyết và đã có thông báo kết quả cuộc họp liên ngành số 2391/TCTHADS-NV1 ngày 01/11/2012 gửi cho Cục THADS tỉnh Sóc Trăng. Nhưng đến nay Cục THADS tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa thực hiện thông báo này. Vì vậy Cục THADS căn cứ vào điều 47 Luật THADS và Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ để xác định thứ tự thanh toán tiền thi hành án, giải quyết dứt điểm vụ việc”.

Sau Công văn của Tổng cục THADS, ngày 09/6/2014, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng thống nhất theo hướng chỉ đạo Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên căn cứ vào điều 47 Luật THADS và Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ để xác định thứ tự thanh toán tiền thi hành án nhưng cần báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo THADS huyện.

Ngày 11/7/2014, Ban chỉ đạo THADS huyện họp kết luận: Vụ việc này đã đưa ra họp nhiều lần mà chưa thống nhất, bên cạnh đó công văn của Cục THADS và Tổng cục THADS chỉ đạo căn cứ điều 47 Luật THADS năm 2008 mà không nêu cụ thể khoản nào; từ đó BCĐ THADS Mỹ Xuyên giao Chi cục THADS huyện tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Cục THADS tỉnh.

Ngày 03/9/2014, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng báo cáo BCĐ THADS tỉnh và BCĐ THADS tỉnh lại chỉ đạo Cục THADS tỉnh xin ý kiến của Tổng cục THADS.

Ngày 25/5/2015, Tổng cục THADS có Công văn gửi Cục THADS Sóc Trăng với nội dung “Sau khi có ý kiến của Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao đối với việc giải thích bản án của TAND tỉnh Sóc Trăng , Tổng cục THADS sẽ có chỉ đạo cụ thể”.

Ngày 14/3/2016, Bộ Tư pháp có Công văn số 725/BTP-TCTHADS đề nghị Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo TAND tỉnh Sóc Trăng có văn bản xử lý Công văn số 25/CV-TA ngày 13/2/2015 của Thẩm phán TAND tỉnh Sóc Trăng theo hướng không ưu tiên thanh toán tiền cho ông Huỳnh Thanh Dững.


Nhà vợ chồng ông Đực đã được thi hành án huyện Mỹ Xuyên bán đấu giá để trả tiền theo bản án. Nhưng thi hành án vẫn làm khó người được thi hành án.

Nhà vợ chồng ông Đực đã được thi hành án huyện Mỹ Xuyên bán đấu giá để trả tiền theo bản án. Nhưng thi hành án vẫn làm khó người được thi hành án.

Ngày 25/3/2016, TAND tỉnh Sóc Trăng có Công văn số 77/2016/CVGT-TA ký ngày 25/3/2016 của TAND tỉnh Sóc Trăng giải thích bản án số 210 cho rằng: “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2009/QĐ-BPKCTT ngày 31/7/2009 của TAND huyện Mỹ Xuyên, cấm ông Ngô Văn Đực - bà Võ Thị Tuyết Diễm chuyển nhượng quyền sử dụng đất… là để bảo đảm nghĩa vụ phải thi hành án của ông Đực và bà Diễm. Quyết định này không nhằm bảo đảm thi hành án cho một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào”. Đồng thời khẳng định “công văn này không có nội dung ưu tiên thanh toán tiền thi hành án cho ông Huỳnh Thanh Dững”. Từ đó, TAND tỉnh Sóc Trăng “Đề nghị Cục THADS tỉnh Sóc Trăng thi hành bản án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật thi hành án dân sự”.

Sau khi có các văn bản nói trên, ngày 11/4/2016, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng ban hành công văn số 406//CTHADS-NV với nội dung: “Liên quan đến thứ tự thanh toán tiền thi thành án theo vụ việc, TAND tỉnh Sóc Trăng có hai văn bản giải thích do Chánh án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký với nội dung khác nhau; việc giải thích của bản án TAND tỉnh Sóc Trăng cũng chưa phù hợp về mặt nội dung và quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định; Bộ Tư pháp đề nghị Chánh án TANDTC chỉ đạo TAND tỉnh Sóc Trăng xử lý theo hướng không ưu tiên thanh toán cho ông Dững và TAND tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn khẳng định không có nội dung ưu tiên thanh toán tiền cho ông Dững”.

Trên cơ sở Công văn 406 của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên đã chỉ đạo Chấp hành viên tổ chức thanh toán tiền thi hành án theo hướng dẫn nhưng ông Huỳnh Thanh Dững không đồng ý mà tiếp tục khiếu nại.

Như Dân trí đã phản ánh, ông Ngô Văn Đực và bà Võ Thị Tuyết Diễm (ngụ tại ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) nợ ông Huỳnh Thanh Dững (ngụ tại ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên) số tiền 1,203 tỷ đồng nhưng không trả nên bị ông Dững khởi kiện đến TAND huyện Mỹ Xuyên. Khi khởi kiện, ông Dững cũng có đơn “đề nghị TAND huyện Mỹ Xuyên kê biên khẩn cấp nhà và đất của vợ chồng ông Đực để bảo đảm thi hành án cho ông Dững khi bản án có hiệu lực pháp luật” và được tòa chấp nhận, thực hiện kê biên nhà đất của vợ chồng ông Đực ngày 31/7/2009.

Ngày 14/8/2009, vụ kiện được TAND huyện Mỹ Xuyên xét xử sơ thẩm đã tuyên buộc vợ chồng ông Đực có trách nhiệm hoàn trả cho ông Dững số tiền là 1,203 tỷ đồng và có tính lãi suất theo quy định của Ngân hàng. Ngày 16/11/2009, TAND tỉnh Sóc Trăng đã xử phúc thẩm và tuyên y án nội dung bản án dân sự sơ thẩm. Sau khi án phúc thẩm có hiệu lực, cơ quan THADS huyện Mỹ Xuyên đã kê biên và bán đấu giá tài sản của vợ chồng ông Đực được 1,55 tỷ đồng.

Ông Dững yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS huyện và tỉnh tìm cách gây khó cho ông Dững với nhiều lý do rất khó hiểu. Khi thì cho rằng vợ chồng ông Đực không chỉ nợ tiền ông Dững mà còn nợ nhiều người khác và cũng đã khởi kiện, vợ chồng ông Đực thừa nhận nợ và đồng ý trả nợ cho những người này nên không thể thi hành án cho ông Dững. Khi thì cho rằng bản án của tòa chỉ tuyên buộc vợ chồng ông Đực phải trả nợ cho ông Dững số tiền 1,203 tỷ đồng nhưng không nêu rõ lấy tiền từ đâu để trả. Còn căn nhà của ông Đực được tòa án huyện Mỹ Xuyên kê biên cũng chỉ nói rõ là để đảm bảo thi hành án nhưng không nêu rõ thi hành án cho ai nên cơ quan thi hành án không thể thi hành được. Lúc lại giải thích vệc thi hành án cho ông Dững không khó, nhưng số tiền vợ chồng ông Đực nợ những người kia thì không có văn bản nào nói rõ lấy tiền từ đâu để trả nên không thể thi hành được. Hơn nữa, khi kê biên tài sản của ông Đực, TAND huyện Mỹ Xuyên cũng chỉ nói để đảm bảo thi hành án nhưng không nói rõ thi hành án cho ai.

Trong khi đó, bà Sơn Thị Pheng (Thẩm phán TAND tỉnh Sóc Trăng, người thụ lý vụ kiện của ông Dững) đã có văn bản giải thích cho cơ quan thi hành án: “Các quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các chủ nợ với vợ chồng ông Đực đều thực hiện sau bản án sơ thẩm xử khởi kiện giữa ông Dững đối với vợ chồng ông Đực”.

Cùng quan điểm đó, ngày 09/12/2010, Vụ 10 (Viện KSNDTC) đã có văn bản số 3831 nêu rõ: “Số tiền thu được từ việc phát mãi khối tài sản (của vợ chồng ông Đực), sau khi trừ các chi phí khác về thi hành án sẽ được ưu tiên thanh toán cho ông Dững, số còn lại sẽ thanh toán cho các trường hợp khác”.

Ngày 01/11/2012, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) đã có văn bản số 2391/TCTHADS-NV1 gửi Cục THADS tỉnh Sóc Trăng với nội dung thông báo kết quả cuộc họp liên ngành gồm Vụ 10 (Viện KSND tối cao), Tòa Dân sự (TAND tối cao), các Vụ chuyên môn trong Tổng cục THADS, thống nhất: “Số tiền bán tài sản của vợ chồng ông Đực sau khi trừ các khoản án phí, chi phí thi hành án thì số tiền còn lại được ưu tiên thanh toán cho ông Huỳnh Thanh Dững theo bản án số 210/DS-PT ngày 16/11/2009 của TAND tỉnh Sóc Trăng”. Thế nhưng, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cũng như Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên vẫn không thực hiện.

Trong khi đó, ông Dững làm đơn đề nghị TAND huyện Mỹ Xuyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên nhà đất của vợ chồng ông Đực là để đảm bảo thi hành án cho mình và được TAND huyện Mỹ Xuyên ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời ngày 31/7/2009 và đã nói rõ thực hiện theo yêu cầu của ông Dững.

Trong khi đó, Công văn số 77/2016/CVGT-TA ký ngày 25/3/2016 của TAND tỉnh Sóc Trăng; văn bản số 406/CTHADS-NV ký ngày 12/4/2016 của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và văn bản số 1052/TCTHADS-NV1 ký ngày 06/4/2016 của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) đều cho rằng: “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2009/QĐ-BPKCTT ngày 31/7/2009 của TAND huyện Mỹ Xuyên, cấm ông Ngô Văn Đực - bà Võ Thị Tuyết Diễm chuyển nhượng quyền sử dụng đất… là để bảo đảm nghĩa vụ phải thi hành án của ông Đực và bà Diễm. Quyết định này không nhằm bảo đảm thi hành án cho một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào”. Đồng thời khẳng định “công văn này không có nội dung ưu tiên thanh toán tiền thi hành án cho ông Huỳnh Thanh Dững”. Từ đó, TAND tỉnh Sóc Trăng “Đề nghị Cục THADS tỉnh Sóc Trăng thi hành bản án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật thi hành án dân sự”.

Ông Huỳnh Thanh Dững bức xúc: “Họ cố ý không chịu thi hành án dù đã có hướng dẫn, chỉ đạo, thống nhất của các cơ quan chức năng về việc ưu tiên chi trả tiền cho tôi từ nhiều năm trước. Để cuối cùng vận dụng qui định một cách khó hiểu, tước quyền ưu tiên của tôi khi tôi là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sau khi tòa sơ thẩm xử xong, 4 người thân của ông Đực và bà Diễm dựng lên chuyện ông Đực bà Diễm nợ họ tiền với mục đích không trả nợ cho tôi. Hơn nữa, tôi không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ các cơ quan như TAND tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), Cục THADS tỉnh Sóc Trăng và Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên khi cho rằng tôi không được quyền ưu tiên trong thanh toán tiền. Tôi thật sự thất vọng với cách làm việc của các cơ quan này”.

Dư luận đặt vấn đề: Tại sao đã có rất nhiều Công văn của các cơ quan chức năng từ huyện Mỹ Xuyên cho đến tỉnh Sóc Trăng và Tổng cục THADS thống nhất ưu tiên thanh toán tiền thi hành án cho ông Huỳnh Thanh Dững nhưng lại bị một số cán bộ chây ì, cản trở để sau khi những cán bộ trước đó không đương chức, những cán bộ mới lên đã lật ngược vụ việc khiến ông Huỳnh Thanh Dững bức xúc. Dư luận đặt vấn đề: Có phải và Võ Thị Tuyết Diễm là người thân của một cán bộ cấp cao tỉnh Sóc Trăng nên được ưu ái ? Bộ Tư pháp nghĩ gì khi có Công văn đề nghị Chánh án TANDTC chỉ đạo TAND tỉnh Sóc Trăng xử lý theo hướng không ưu tiên thanh toán tiền cho ông Huỳnh Thanh Dững?

Bạch Dương