Ăn tết online

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Cứ ngỡ đó chỉ là câu nói đùa giữa những người bạn trên internet. Thế nhưng, điều không tưởng này đã xảy ra bởi hai năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp hành tinh.

Tại Việt Nam, gần một năm qua, từ Bắc vào Nam không lúc nào vắng bóng ma Covid-19.

Dịp đầu năm, ở các tỉnh phía Nam dịch bùng phát dữ dội, từ giữa năm, dịch lan ra miền Bắc. Hết nơi này giãn cách, nơi kia phong tỏa. Xe khách không chạy. Tàu hỏa nằm im. Máy bay không cất cánh… Thế giới rộng lớn bỗng dưng thu hẹp lại. Cùng với nó, mối giao lưu, tình cảm cũng bị cắt chia.

Cứ ngỡ dịch sẽ sớm chấm dứt, gần đến cuối năm, bè bạn, người thân rối rít hẹn nhau: "Thôi để Tết hết dịch gặp nhau nhé". Thế mà lời hẹn ấy là đành lỡ nhịp.

Đây là nỗi buồn rất lớn, một mất mát không nhỏ bởi với người Việt Nam, Tết là ngày đoàn tụ. Những đứa con xa quê về thăm bố mẹ. Những ông bố, bà mẹ đi làm ăn xa về với con cái sau những ngày đằng đẵng cách xa. Anh em, bè bạn cũng hẹn nhau ngày Tết.

Ăn tết online - 1

Phát trực tiếp cúng tổ tiên cho người thân ở phương xa theo dõi (Ảnh: Đỗ Quân).

Quê tôi, một tỉnh đất chật, dân đông thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nghề chính của làng là làm nông nghiệp nên người làng thường phiêu dạt tứ xứ để kiếm kế sinh nhai. Công bằng thì việc "xuất khẩu lao động nội địa" này đã mang lại cho làng một nguồn kinh tế đáng kể. Đường sá sạch sẽ, nhà cửa khang trang, tivi, xe máy, điều hòa nhiệt độ… là những vật dụng hầu như nhà nào cũng có. 

Thế nhưng đổi lại, làng thưa thớt bóng người. Số ruộng nương ở nhà giao lại cho người già, trẻ em và một số người vì hoàn cảnh này, điều kiện khác không đi làm xa được. Vả lại, việc cấy gặt bây giờ máy móc làm thay nên cũng không vất vả như trước. Thế nên ăn tết xong là những người trẻ tuổi làng tôi lại xuôi Nam, ngược Bắc trong bịn rịn chia ly làm đủ các nghề với lời hẹn "Tết sang năm nhé!".

Các năm trước thì sau Tết vài ba tháng đã lác đác có người về vì việc này hay việc khác. Thế nhưng năm nay, hết nơi này đến nơi kia giãn cách, phong tỏa rồi tàu xe không chạy nên mọi lời hẹn đều chờ dịp Tết.

Vậy mà giờ đây, khi đã bước sang những ngày đầu năm mới dương lịch 2022, dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, con đường hồi hương gần như không thực hiện được nên nhiều người tính đến phương án ăn Tết online.

Có một điều an ủi như đã nói ở trên là do mạng lưới thông tin phát triển, kinh tế người dân được nâng cao nên hầu như mọi người trong làng đều có điện thoại di động. Việc mấy bà đi mò cá gọi điện cho chồng chuẩn bị gia vị để nấu canh, kho tôm không còn là điều lạ.

Hôm trước về quê, đã thấy bà thím họ gọi điện bảo vợ chồng cậu con cả đúng giao thừa thì bật camera để "khấn tiên tổ". Biết rằng đó là điều bất tiện nhưng "trần sao, âm vậy", chắc các cụ cũng lượng thứ cho cháu con, cảm thông cho bởi thời dịch giã. Vả lại, người xưa có câu "Một vái xa bằng ba vái gần" nên các cụ linh thiêng thương cháu con có khi lại toàn tâm phù hộ hơn chăng?

Ăn tết online - 2

Hàn Quốc khuyến khích người dân ăn tết online trước sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Yonhap).

Những ngày này, càng nghĩ, càng thấy buồn bởi với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thế giới ngỡ được mở toang. Thế nhưng từ sự kiện 11.9.2001, bọn khủng bố đánh sập tòa tháp đôi tại Mỹ và sau đó là hàng loạt những cuộc khủng bố khác, thế giới bỗng như bị cương tỏa.

Tại các sân bay, hành khách như bị lột trần để máy săm soi và phải để lại dù là chai nước lọc uống dở. Và giờ đây, thế giới càng cách ly bởi đại dịch Covid-19 với sự lây lan khủng khiếp đã "băm vụn" thế giới bởi những qui định ngặt nghèo phòng chống dịch. Nhà cách ly nhà, xóm cách ly xóm, làng cách ly làng…

Khi tôi ngồi viết những dòng này, dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành nhưng với sự tiến bộ của khoa học, vaccine đã dần phủ kín thế giới và nhiều loại thuốc đặc trị đã và đang được cấp phép. Dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi…

Một mùa xuân mới đã về. Những cơn gió mùa xuân ấm áp sẽ xua đi cái lạnh giá, những tia nắng mặt trời sẽ tỏa bóng và những hàng cây sẽ xanh lên ngút ngát dù Tết này, có thể câu chúc Tết sẽ là "Alo, chúc mừng năm mới nhé"!