Mùi của Tết, mùi của yêu thương
Vẫn còn đó âm hưởng Tết xa xưa đọng lại thời hiện đại. Rất nhiều thứ mùi đâu đây quanh ta, mùi quần áo, mùi người thân thương, mùi của món ăn ưa thích, mùi Tết...
Tết đến, xuân về. Khắp mọi nơi rực sắc đỏ. Hình như màu đỏ ngày càng đậm hơn mỗi dịp xuân về ở ta. Cổng chào đỏ, cờ đỏ, băng rôn đỏ, khẩu hiệu đỏ, đèn lồng đỏ khiến đôi khi cứ ngỡ đang ở đâu đó ngoài ta.
Thêm vào đó là hoa và cây. Khắp nơi hoa và cây. Ngắm cây xanh, khóm hoa, thảm cỏ đẹp mê người trên đường phố, bỗng nghĩ đến những người hàng ngày âm thầm bên chúng. Không khí Tết lan tỏa, ban đầu thoang thoảng đâu đây cho đến khi cao trào ùa vào từng ngõ ngách, phố phường, nhà cửa.
Âm hưởng Tết xa xưa đọng lại
Thời buổi hiện đại làm cho nhiều thứ thay đổi. Đặt bánh chưng, giò, đặt gì có nấy và đồ được mang đến tận nhà theo đúng phương châm phục vụ, tiền trao, cháo múc. Kinh tế thị trường không còn quá xa lạ với dân ta. Có cầu khắc có cung, quá thuận tiện mua bán, còn gì hơn cho các nàng dâu "order" thời nay.
Thế nhưng, vẫn có cái gì đó của hình bóng, âm hưởng Tết xa xưa đọng lại Tết thời hiện đại. Tà áo dài truyền thống, khắp các nghĩa trang là con cái thắp nén hương mời người thân về ăn Tết, rồi cúng ông Công ông Táo... Hiện đại đến mấy cũng khó "nhân tạo" được miếng măng, miếng bóng, củ hành. Mẹ tôi lúc còn sống, dù tuổi cao nhưng năm nào cũng đích thân ra chợ chọn mua cho được thứ măng mình ưa thích. Trong con mắt mẹ, Tết phải có nồi canh măng ngon, chất và hành muối đậm với độ cứng vừa phải.
Hiện đại đến mấy cũng không thoát chuyện lì xì ngày Tết, cho dù ngày nay có cả lì xì qua mạng. Tân cổ, xưa nay hòa quyện vào nhau làm nên cái hương vị, cái không khí Tết người Việt. Tết xưa và nay vẫn vậy, luôn là sự sum vầy đầm ấm, yêu thương của gia đình.
Đó là cái không khí Tết theo cảm nhận của đa phần người Việt. Nhưng riêng đối với ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại nước ta từng 19 lần đón Tết thì đó là cái mùi Tết chỉ riêng ta mới có. Mùi Tết truyền thống lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác. Rất nhiều thứ mùi đâu đây quanh ta, mùi quần áo, mùi người thân thương, mùi của món ăn ưa thích, của nồi nước mùi già và quá tuyệt khi thêm vào là mùi Tết. Quả là một cảm nhận tinh tế nơi ông. Mùi của Tết, mùi của yêu thương.
Còn những người bán quất, bán đào cảm nhận về Tết ra sao? Chính họ thấy được tình người khi nghe người đời mặc cả để mua cây này, bó hoa kia đón Tết. Tết sẽ vui hơn, ngon hơn khi họ tay "trắng" rời nơi bán.
Nhưng đời cũng éo le, bởi biết bao người đợi mua hoa, mua quất đúng vào tối 30 Tết với giá bèo, đổi lại là ánh mắt u buồn của người bán, bán như cho, bán tống bán tháo rồi về ăn Tết. Và Tết nào cảnh này cũng vẫn diễn ra chỗ này, chỗ kia. Điều này Nhà nước không can thiệp được, mọi sự phải tự điều chỉnh, phải thuận theo tự nhiên.
Biết đâu, đến một lúc nào đó con người ta chán không đi mua hoa, mua cây vào đêm 30 nữa, rồi thì người trồng cũng sản xuất ra một lượng vừa đủ thì lúc đó cả người mua lẫn người bán đều "thắng", đều vui vẻ đón Tết, mừng xuân.
Ước ngày nào cũng Tết
Không biết mọi người nghĩ thế nào, chứ riêng tôi chỉ ước ngày nào cũng Tết. Tết đến, đi lại ngon lành khác hẳn ngày thường. Ô tô, xe máy dường như sợ mấy ngày Tết nên biến đi đâu cả. Ít ra mấy ngày Tết cũng được đi lại bình an hơn chút. Mà cảnh sát giao thông cũng ít hẳn. Đi lại trật tự rồi thì không cần nhiều cảnh sát. Ít xe cộ nên hít thở cũng dễ chịu hơn, không khí đỡ ô nhiễm hơn. Rồi mọi thứ có vẻ cũng sạch hơn, đường phố, nhà cửa ngon lành hơn.
Người Việt mình đến là tài. Ngày thường rác vứt lung tung, đường xá bẩn bụi, nhưng Tết là khác, phải đẹp hơn, phải sạch hơn. Đôi khi chỉ ước lúc nào con người cũng vậy có phải tốt biết bao. Nhà này thì quét vôi, sơn lại mặt tiền, nhà kia thì sửa lại cái cổng, treo thêm cái đèn lồng mới cho lung linh màu sắc ban đêm...
Tất cả chỉ với một tâm niệm mọi thứ phải tốt hơn tý, hoàn hảo hơn tý để đón năm mới. Cả xã hội dường như chuyển mình sang một thứ hình hài khác ngày thường. Giá như cứ vậy mãi thì tốt biết bao.
Nhưng chắc có người sẽ bảo đừng mơ mộng hão huyền, chả cần Tết. Hơn mươi năm trở lại đây, tôi thường nghe câu nói quen thuộc của nhiều người cùng tuổi: lại Tết rồi. Nghe có vẻ như Tết là cái gì đó không mong muốn lắm, giá không có thì hơn. Lại Tết rồi, mà sao nhanh thế.
Nhiều người nói vậy, nhưng nói vậy mà không phải vậy, bởi hành động lại khác. Lao đi mua những món đồ ưa thích để trưng Tết. Đặt bánh chưng, mua giò lụa, sắm cành đào, ôm chậu quất. Mua biếu bố mẹ cái này, mua cho con cái kia. Rồi còn ông chú, bà bác...
Rất nhiều thứ phải lo và ta chợt nghiệm ra cái câu quen thuộc lại Tết rồi hàm chứa trong nó cái mong muốn ngầm thích nó. Nếu thiếu đi cái vất vả mua sắm, cái lo toan đón năm mới, cái vốn ngày thường trong năm không có thì sẽ ra sao, chẳng lẽ lại thốt lên tại sao không Tết?
Đấy là nói người lớn. Trẻ con thì sao? Mấy đứa cháu tôi đón Tết đúng theo kiểu thời hiện đại. Chúng không có cái tâm trạng như tôi khi xưa. Hồi đó, trẻ con chúng tôi quả là háo hức với Tết. Tết ít ra cũng là được ăn nhiều hơn, ăn ngon hơn.
Thời đó nói chung còn quá nghèo, ngày thường kham khổ, cho nên ngày Tết thường khá hơn. Trẻ con mong Tết đến để được ăn ngon hơn và nhất là có thêm quần áo mới mà bố mẹ hứa từ vài ba tháng trước. Cả mấy năm học cấp 2 và cấp 3, tôi đều ước có đôi dép nhựa Tiền Phong giá 5 đồng thời đó để đi mà cũng phải chờ đến Tết. Ước mong quá nhỏ nhoi so với mong ước thời nay của con trẻ.
Hình như bọn trẻ bây giờ đón Tết trước hết bằng cảm xúc sung sướng thế là được nghỉ học. Ngày thường phải học nhiều quá, nào ở trường, nào đi học thêm, lúc nào cũng học. Phần đông bố mẹ bọn trẻ ở ta bây giờ đều ép con cái học, cứ nghĩ học nhiều là tốt. Vì vậy, Tết với trẻ con là thoát cảnh học hành quá nhiều. Thứ nữa là nhận tiền mừng tuổi. Cuộc sống khá hơn nên tiền lì xì cũng khá hơn.
Cho nên, mỗi thời mỗi khác, có khi không hình dung ra trước được. Có ai nghĩ Tết năm nay lại "cô vít" như vậy. Một cái Tết mà nghĩa sum họp rất ít. Tết chống dịch, Tết giãn cách và một cái Tết cầu mong hướng đến sang năm an lành và sum vầy hơn, yêu thương hơn, mùi Tết hơn.