Ăn buffet, xách 10 kg hải sản mang về: Khi miếng ăn là miếng... tồi tàn!

PV

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng vấn đề văn hóa hay học thức không phải nguyên nhân hợp lý cho việc lấy đồ ăn mang về mà nó xuất phát từ lòng tham, sự thiếu ý thức.

Liên quan tới vụ việc nhóm 7 khách ăn buffet (tự chọn) tại nhà hàng Chef Dzung (Hà Nội) tự ý xách 10 kg hải sản mang về nhưng bị nhà hàng phát hiện ngày 25/1, chị T. (ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) thừa nhận mình là người chủ trì bữa ăn. Theo người phụ nữ này, bữa ăn hôm đó là tiệc tất niên với sự tham gia của vợ chồng chị, 2 người bạn của chồng cùng 3 nhân viên phục vụ tại cửa hàng của gia đình. Trong đó, chị A. (một trong 3 nhân viên phục vụ) được xác định là người đã cho hải sản vào túi riêng để mang về.

Chị T. cho biết nhân viên của mình là người có tuổi nhưng thiếu học, mồ côi từ nhỏ, gia cảnh khó khăn, lần đầu đi ăn buffet nên còn nhiều bỡ ngỡ. Do chưa nắm được quy định của nhà hàng, cho rằng ăn buffet giống ăn cỗ ở quê nên mới cho đồ ăn vào túi để chia nhau mang về. Sau khi bị nhà hàng phát hiện, chị T. đã thừa nhận thiếu sót khi không phổ biến rõ quy định dự tiệc cho nhân viên và chấp nhận nộp phạt thay cho chị A.

Những nội dung đính chính của chị T. vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều độc giả Dân trí. Họ nghi ngờ về tính chân thực và tính logic của những lời giải thích này.

Ăn buffet, xách 10 kg hải sản mang về: Khi miếng ăn là miếng... tồi tàn! - 1

Nhân viên nhà hàng kiểm tra và phát hiện khách mang về 10kg hải sản (Ảnh cắt từ clip).

Lời giải thích không thuyết phục

Phản biện lời giải thích trên, anh Minh Nguyen Quang viết: "Có phải nhét 1-2 thứ đâu, người đi cùng nhét đến 10kg các loại hải sản vào túi mà người ngồi cùng bàn không biết mà khuyên ngăn, thì vô lý lắm. Không khen cho câu chuyện chị kể, thực tế là mọi chuyện rồi sẽ qua, đó cũng là một bài học thôi".

"Đi ăn buffet, ai cũng biết quy định, đừng đổ thừa vì trong đoàn có tới 7 người, không thể không nhắc nhở người được gọi là "mù chữ" kia tuân thủ quy định. Tham lam, muốn giấu mang về thì nhận, bào chữa gì?", độc giả Nam Xuân gay gắt.

Ăn buffet, xách 10 kg hải sản mang về: Khi miếng ăn là miếng... tồi tàn! - 2

Biển cảnh báo du khách nên lấy vừa đủ lượng thức ăn tránh lãng phí, nếu không có thể bị phạt theo quy định (Ảnh: Nhà hàng cung cấp).

Chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Tạo viết: "Chị T., người chủ chi của đoàn khách nói là do 1 nhân viên lấy và người này không biết quy tắc của ăn buffet, không biết chữ là sự giải thích bao biện cho cả đoàn. 10 kg hải sản đâu có ít mà nói không ai biết, phải có nhiều lần gọi ra để dồn lại thì mới đủ và không thể do một người làm được. Đây là hành vi trộm cắp".

"Không ai thừa đến 10 kg tôm cua cả. Sao không thừa các món rẻ tiền khác mà ăn để thừa 10 kg hải sản đắt tiền, rồi lại cho vào túi mang về? Người không học cũng hiểu được việc này. Lời giải thích không thuyết phục", độc giả Nguyen Thanh viết.

"Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu, ông bà xưa nói là thế đó", chủ tài khoản La Khơi Khơi bình luận.

"Cách biện hộ rất vô lý, nói chung là cả đám đều tham", "Ngồi cùng bàn chả nhẽ hành vi lấy thức ăn cho vào túi nhiều lần mà không có ai trong đoàn thấy? Nếu thấy sao không nhắc là không được phép?", "Ngồi ăn với nhau mà nhân viên cho 10 cân hải sản vào túi cũng không biết thì quá vô lý", "Văn hóa ăn xuất phát từ lòng tham, không phải đói ăn mà ăn cắp đồ ăn"... hàng loạt độc giả bày tỏ ý kiến gay gắt, bất bình trước lời giải thích của đại diện nhóm khách trên.

Có thể coi là hành vi trộm cắp?

Không dừng lại ở sự phẫn nộ trước hành động phản cảm, nhiều người thậm chí cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần bị xử lý nghiêm.

Bình luận sự việc, độc giả Hoàng Long viết: "Đây là hành vi vi phạm pháp luật, nếu mang 10 kg hải sản, quy ra tiền bao nhiêu triệu đồng có thể phạm vào tội trộm cắp. Đây là sự thật, việc thật, chứ có phải nhà hàng dàn dựng để xúc phạm danh dự, nhân phẩm đâu. Chính khách hàng tự bôi nhọ vào danh dự nhân phẩm của họ chứ không phải nhà hàng".

"Buffet là ăn đủ no và trả số tiền định trước. Ăn no bụng và lấy đồ mang về là phạm tội trộm cắp, cần xem xét xử lý người thực hiện và những người bàn bạc cùng thực hiện", người dùng Trung Vu nêu ý kiến.

"Theo tôi, từ "phạt" giữa nhà hàng và thực khách ở đây có thể hiểu là việc thu thêm tiền cho số hàng hóa đó. Không nên xét đến việc phạt hay không, mà nên nhìn đây là quan hệ giữa người bán và người mua. Vấn đề phải chăng chỉ là từ ngữ trong quá trình giải quyết sự việc. Ngoài ra, nếu đây được coi là hành vi trộm cắp, nên xem xét có cần thiết công khai hình ảnh của họ hay không", anh Toàn Nguyễn bình luận.

"Ăn buffet về bản chất là mỗi người tự trả tiền cho suất ăn của họ. Mỗi suất ăn không được ước lượng, định giá cụ thể như khi ăn gọi món mà tùy vào sức ăn, nhu cầu tiêu thụ đồ ăn của từng người. Trên thực tế, nhóm khách đã trả tiền cho suất ăn của họ, số hải sản trên bản chất cũng nằm trong suất ăn đó nên khó có thể bảo là họ trộm cắp những loại thực phẩm không nằm trong phạm vi của họ.

Tuy nhiên, nhà hàng đã có nội quy, và khi đồng ý dự tiệc có nghĩa nhóm khách đã chấp nhận với nội quy đó. Đây bản chất là thỏa thuận dân sự, không có dấu hiệu hình sự, trong đó có quy định về việc nộp phạt khi một bên vi phạm. Bởi vậy, tôi cho rằng nên dừng lại ở việc nộp phạt và khiển trách họ là hợp lý, không nên để sự việc đi quá xa.

Cũng từ sự việc này, tôi cho rằng nên dẹp bỏ văn hóa "ăn cỗ, gói quà" mang về. Đây là văn hóa ứng xử của những người thời xưa tại vùng quê, không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Để hướng tới xã hội văn minh hơn, cần loại bỏ những thứ đã lỗi thời như vậy", độc giả Hoàng Linh nêu ý kiến.

Hoàng Diệu (tổng hợp)