5.000 công nhân trở lại làm việc sau khi được tăng lương hơn 200.000 đồng

Thế Hưng

(Dân trí) - 5.000 công nhân công ty Vienergy đã chấp thuận đi làm trở lại khi được tăng thêm hơn 200.000 đồng và được đáp ứng các nguyện vọng. Tuy nhiên, độc giả theo dõi sự việc vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Như Dân trí đã thông tin, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Vienergy (đóng tại KCN Phúc Sơn, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã đồng loạt nghỉ việc đòi các quyền lợi có liên quan vì bức xúc do không có sự thay đổi, cùng với nhiều "bất minh" trong việc chi trả chế độ.

Không chỉ bức xúc về số tiền lương nhận được, các công nhân ở đây cũng tỏ ra nghi ngờ về các khoản thu nhập của họ đã không được phía công ty minh bạch. Một công nhân cho biết: "Mỗi tháng, chúng tôi chỉ thấy tổng số tiền mà không rõ khoản nào với khoản nào. Vì thế mong muốn công ty phải rõ ràng trong việc này".

Sau 2 ngày đình công, 5.000 công nhân công ty Vienergy ở Ninh Bình đã chấp thuận đi làm trở lại khi được công ty đáp ứng các nguyện vọng chính đáng.

Theo độc giả Trần Phong, anh từng làm trong các công ty giày da, may mặc và thấy áp lực khủng khiếp. Phần lớn các công đoạn đều cần có tay nghề, nhưng so sánh mức lương cho các ngành nghề theo từng khu vực, lương cho công nhân bên mảng giày da thường thấp nhất. 

Cụ thể, anh Phong lấy ví dụ, lương mỗi tháng 3.700.000 đồng, kèm theo 200.000 đồng phụ cấp xăng xe và chuyên cần khoảng 200.000-300.000 đồng. Cả tháng được hơn 4.000.000 đồng.

"Công ty nói dịch bệnh ảnh hưởng, song các công ty giày da chỗ tôi rất nhiều việc, tăng ca tới tận 9 giờ tối và làm cả 4 ngày chủ nhật. Chúng tôi làm bán mạng vậy mà nhận lương được hơn 7 triệu đồng. Mức lương như hiện tại mấy bạn cứ nhìn thẳng sự thật, kể cả ở quê mà thu nhập như vậy thực sự quá thấp", anh Phong chia sẻ.

Trước sự phản đối của các công nhân, độc giả Hoài Lam cho rằng, khi công nhân còn đòi hỏi quyền lợi tức là họ còn muốn làm việc và gắn bó lâu dài. Công ty nên xem lại chính sách và sửa đổi vì khi công nhân đã đòi hỏi tức là đã có sự bất hợp lý ở đó. Khi không đảm bảo yêu cầu cuộc sống tối thiểu, thì họ sẽ tìm cách khác mưu sinh.

Lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động cần sự đồng thuận hai bên

5.000 công nhân trở lại làm việc sau khi được tăng lương hơn 200.000 đồng - 1

Sau 2 ngày đình công, ngày 14/2 các công nhân công ty Vienergy sẽ đi làm trở lại khi được đáp ứng các yêu cầu chính đáng (Ảnh: Thái Bá).

Đồng quan điểm với các độc giả trên, tài khoản có nickname Mai Vũ nhận định: "Người lao động bất kể ở công ty nào thường chấp nhận chịu phần thiệt về mình vì hai chữ mưu sinh. Các công ty có khó khăn cỡ nào thì cũng nắm đằng cán, chưa kể nhiều công ty lợi dụng lý do dịch bệnh để cắt giảm thu nhập và quyền lợi của người lao động.

Khi người lao động phản đối, góp ý tức là những gì họ nhận được quá chênh lệch so với công sức họ bỏ ra, hoặc có nhiều những quy định vô lý dồn nén lại. Nếu những công nhân này nghỉ hết thì với chế độ như hiện tại, nhà máy sẽ tuyển được bao nhiêu người mới, bao nhiêu người có tay nghề cao làm? Có ai dại dột mà còn đi nộp đơn vào một chỗ như vậy để làm nữa?".

Nhiều độc giả đồng tình và bình luận, lương thấp họ có quyền làm vậy. Lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động cần sự đồng thuận hai bên, không nên chỉ phán xét người lao động. Thậm chí người lao động là những người yếu thế hơn trong vấn đề đàm phán đòi quyền lợi.

Song, không ít kiến cho rằng, công ty mới hoạt động 3 năm mà đã phải trải qua 2 năm dịch bệnh. Công nhân khi đòi hỏi cũng hãy nghĩ tới khó khăn của doanh nghiệp.

Dù không trách người lao động nhưng trong hoàn cảnh này cần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất bình thường trở lại hãy đòi hỏi. Hơn nữa, theo một tài khoản có nickname Phạm Quang, đồ ăn và chi phí sinh hoạt ở quê rất rẻ, nên mức thu nhập đó là tạm chấp nhận được.

Thế nhưng, rất nhiều ý kiến đã phản bác lại luận điểm này. Bởi tại các vùng nông thôn chi phí sinh hoạt, ăn uống đã tăng lên rất nhiều. Ngay cả mức lương trả cho thợ xây đã lên tới 350.000-400.000 đồng/công, phụ hồ 250.000 đồng/công chưa kể tăng ca mà đã không có người làm.

Độc giả trung lập như chị Thu Dung đưa ra quan điểm, thị trường lao động là mua bán sức lao động hoặc trí tuệ. Sức lao động kém, hiệu quả công việc không cao thì lương thấp. Nếu người lao động thấy công ty chưa trả mức đãi ngộ phù hợp thì nên tìm công việc khác.

Ngày 13/2, đại diện công đoàn cơ sở Công ty TNHH Vienergy (KCN Phúc Sơn, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết, công ty đã giải quyết hầu hết các ý kiến của người lao động. Thông báo mới nhất của Công ty TNHH Vienergy nêu rõ: Về lương cơ bản, công ty sẽ tăng thêm 6%, đối với mức lương thử việc từ 3.920.000 đồng lên 4.150.000 đồng, lương chính thức từ 4.194.400 đồng lên 4.440.000 đồng. Bên cạnh đó, 11/17 nguyện vọng còn lại của người lao động được Công ty Vienergy trả lời rõ ràng và sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm