Có nên chi ngân sách cho con quan đi học nước ngoài?
Cử 4 trường hợp là con quan chức và cựu quan chức đi học nước ngoài rồi họ không về, tỉnh Quảng Ngãi ra "trát" yêu cầu họ hoàn trả chừng 10 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo
Nhưng qua nửa năm mới thu hồi được 1,1 tỷ. Câu chuyện đầu tư chất xám ở Quảng Ngãi cho thấy cần xem xét lại tư duy này.
Dư luận vẫn chưa thôi phản ứng về 4 trường hợp là con quan chức và cựu quan chức của tỉnh Quảng Ngãi, sau khi đi du học bằng tiền ngân sách, nhưng lại không về làm việc như cam kết ban đầu. Tỉnh buộc phải yêu cầu gia đình có người được cử đi học phải nộp lại tiền cho nhà nước. Thế nhưng thật không dễ dàng, chả khác nào "thả gà ra đuổi"! Sau nửa năm, mới có khoảng 10% số tiền phải hoàn trả được nộp lại ngân sách.
Thật trớ trêu thay, người cử đi đào tạo bằng tiền ngân sách thì khi về bỏ việc nhà nước. Nhưng cũng ngay tại tỉnh này, có trường hợp người lao động đã có bằng thạc sĩ hẳn hoi, lại bị địa phương mà cụ thể là Sở Giao thông Vận tải bố trí xuống cơ sở là Ban quản lý Cảng Sa Kỳ, làm phó phòng khai thác (từ ngạch công chức xuống thành viên chức), nhưng ngày ngày cũng phải kiêm việc đi xé vé, làm bảo vệ cảng. Thật lãng phí vô cùng.
Chuyện lãng phí về đào tạo từ nguồn ngân sách theo nhiều cách không phải là ít ở các địa phương trong cả nước, không chỉ riêng ở Quảng Ngãi.
Rồi ngay như giữa Thủ đô Hà Nội, "đất vàng"với mọi bạn trẻ muốn phấn đấu với muôn vàn lợi thế. Vậy mà vì sao lại vẫn phải "trải thảm"đón thủ khoa ?
Theo con số chính thức, trong suốt 10 năm "chiêu hiền đãi sĩ" (từ 2008 đến 2018), Hà Nội mời các thủ khoa đầu về công tác tại Thủ đô rất hoành tráng. Thế nhưng trong thực tế, cũng chỉ thu hút được 103 người trên 1.203 người được coi là nhân tài ấy.
Rồi cũng năm 2018, Hà Nội đưa ra những ưu ái hấp dẫn hơn trước sau khi có hiện tượng "người tài" vẫn "quay lưng" với "đất vàng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội", với các mức đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần lương tối thiểu tại thời điểm thu hút, hoặc ưu tiên cử đi đào tạo và hỗ trợ kinh phí một lần bằng 30 hoặc 80 lần lương tối thiểu khi bảo vệ thạc sỹ, tiến sỹ.
Thế nhưng, đãi ngộ bằng tài chính có lẽ không phải là điều kiện cần duy nhất.
Một người quen của tôi kể: Con ông là một bác sỹ phẫu thuật tim mạch trẻ từ Cộng hoà Pháp trở về. Anh đã xin tập sự vài năm ở một bệnh viện lớn của Thủ đô, đã dự tuyển đến 2 lần vào ngạch viên chức. Là người có tay nghề khá và cũng rất có triển vọng, nhưng anh trượt vẫn hoàn trượt bởi những môn phụ, không ăn nhập gì với chuyên môn cần thiết nhất đối với một bác sỹ phẫu thuật.
Buồn và thất vọng, bạn trẻ đó dự thi vào một bệnh viện tư nhân tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Hà Nội. Anh dễ dàng trúng tuyển tức thì với mức lương khởi điểm khoảng 60 triệu cách đây vài năm, tức gấp khoảng 20 lần lương cứng của một bác sỹ làm ở bệnh viện công.
Câu chuyện trên không phải là hiếm. Nó cho thấy, chế độ đãi ngộ của nhà nước chúng ta còn rất hạn hẹp, khiến các bạn trẻ khó có thể trụ lâu dài mà đành "ngoảnh mặt" với nhà nước. Bên cạnh đó, họ còn bị ức chế bởi chế độ thi chưa được minh bạch, cái cần nhất là chuyên môn bậc cao thì có khi lại bị xem nhẹ hơn những thứ khác.
Vì lẽ đó, theo tôi nghĩ, liệu có cần thiết phải hỗ trợ kinh phí đào tạo kiểu như vậy hay không? Liệu rằng đó đã là thứ cuốn hút được nhân tài hay chưa, khi mà nhiều người trong số họ sau ít năm về làm cho nhà nước, lại bỏ ra làm nơi khác ?
Với đồng lương hành chính sự nghiệp tại cơ quan nhà nước như hiện nay, lương của họ (khoảng trên 3 triệu đồng) thì chỉ tạm đủ thuê một căn buồng nhỏ chưa đầy đủ tiện nghi. Vậy thì họ sẽ lấy tiền đâu để sống giữa thành phố đắt đỏ này?
Theo tôi, nếu cần "chiêu hiền đãi sĩ", có lẽ nhà nước chúng ta nên quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa,vùng biên giới, hải đảo sẽ tốt hơn, cần hơn, vì đó mới là nơi nhiều bạn trẻ ngại về.
Đó là chưa nói rằng, những người xuống các địa phương làm việc, ngoài thiếu thốn về tinh thần vật chất thì sự thăng tiến cũng không thuận như những anh xin được về các bộ ngành công tác. Ở các cơ quan này, lương dù không đáng bao nhiêu nhưng bù lại, họ có thể thăng tiến nhanh hơn nhiều so với đi cơ sở.
Chẳng hạn, một kỹ sư trẻ, nếu về xã công tác, giỏi lắm thì cũng khoảng chục năm sau may ra mới lên nổi cấp chủ tịch xã hoặc phó phòng trên huyện. Nhưng nếu người đó làm việc ở bộ, ngành, có thể cũng là chục năm thôi nhưng anh ta đã có thể lên đến cấp vụ.
Vì thế, chính sách tuyển dụng và bồi dưỡng cán bộ có năng lực thực sự nên dành nguồn lực vật chất giúp cho họ thì tốt hơn và xứng đáng hơn nhiều đối tượng là con em cán bộ kiểu như ví dụ ở Quảng Ngãi tôi vừa nêu. Cách làm của Quảng Ngãi không trúng đối tượng cần hỗ trợ.
Và khi hỗ trợ bằng ngân sách như vậy, vẫn nên có những chế tài để ràng buộc họ phải phục vụ cho nhà nước bao nhiêu năm đó thì mới có thể được phép phá hợp đồng.
Ví dụ, nếu anh "bỏ cuộc" sớm, không muốn ở trong nhà nước nữa thì sẽ bị phạt gấp đôi kinh phí nhà nước bỏ ra nếu chưa đủ 5 năm công tác; anh cũng có thể nộp lại toàn bộ kinh phí nếu ra đi sau 6-10 năm. Anh chỉ có thể ra đi,không mất tiền đền nếu đã cống hiến cho nhà nước đủ bao nhiêu năm trở lên hoặc các điều kiện khác thật căn cơ.
Nói thì như vậy, nhưng một khi người ta đã có chủ định muốn rời bỏ nhà nước sớm hơn, họ có thể tìm cách cố ý khiến cho cơ quan chủ quản "chán ghét", thậm chí cố tạo ra vi phạm để bị sa thải. Vậy thì sẽ dùng chế tài gì xử lý lúc này? Có chăng, đó chỉ là nhân cách, là trách nhiệm và lòng tự trọng của mỗi con người trong xã hội.
Nếu không làm như vậy thì khi những tiêu chí được coi là "lực hút" kia không còn hấp dẫn nữa thì rồi họ cũng bỏ nhà nước mà ra đi.
Người ta có thể nói rằng, nhân tài ấy đâu có mất hẳn. Họ dù có sang doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài làm việc thì cũng vẫn có lợi cho kinh tế nước nhà chứ đâu gọi là "mất"! Nói thế là bao biện. Bài toán tài chính đã không có lời giải đúng. Tôi không nhất trí.
Trong thời đại này, việc kiếm được học bổng đi làm thạc sỹ hay tiến sỹ, khi đã là người tài thực thụ thì đâu có khó. Chúng ta cũng đâu có chuyện cấm đoán nếu họ kiếm được học bổng .Vì thế càng cho thấy nhà nước không nên bỏ ngân sách chi cho công tác đào tạo kiểu như vậy kéo dài.
Một bộ máy công quyền nói chung đâu cần quá nhiều những giáo sư tiến sỹ này nọ. Bằng cấp trình độ đó chủ yếu cần với các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện...
Tôi biết, hiện có khá nhiều người trong bộ máy nhà nước và đoàn thể chính trị xã hội đi học quanh năm với rất nhiều khoá, nhiều môn, nhiều lớp hoặc dài hạn hoặc tại chức. Nhìn vào lý lịch họ khai, quả là rất hoành tráng và "đẹp mỹ mãn" luôn.
Nhưng thực tế, nhiều thứ họ học về không hề áp dụng trong công tác trước mắt. Những trường hợp như vậy không hiếm chút nào. Tiếc rằng, hình như chúng ta lại không tinh và không khắt khe chuyện này.
Nhiều khi đó lại là cái vỏ hào nhoáng khi bầu bán trong mỗi nhiệm kỳ công tác nếu người ta đưa ra lựa chọn 2 lấy 1, mà quên rằng, thành tích thực tiễn trong công tác mới là thước đo giá trị thực tế nhất với một cá nhân nào đó chứ không phải là bằng cấp, học vị - thứ chỉ là cái mẽ bề ngoài không cần thiết khi anh ở cương vị ấy.
Ngân sách nhà nước chi cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có lẽ đã đến lúc phải tính toán lại cho khoa học và thực tế hơn.
Tôi còn nhớ, trong ngành hàng không Việt Nam đã từng có cả một thời gian dài đào tạo phi công cho đất nước từ tiền ngân sách hoặc tiền của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (như có hồi họ chi cho con em trong ngành đi học ở nước ngoài, rồi bị báo chí khui ra cách đây hơn hai chục năm để rồi buộc phải đền tiền lại).
Nay, ai muốn trở thành phi công thì anh cứ việc chi tiền túi ra mà học và khi về thì thi tuyển vào các hãng. Như vậy sẽ tránh được cái cảnh "cam kết" như lâu nay phải cống hiến bao nhiêu năm, nếu không thì sẽ phải đền lại tiền cho nhà nước.
Nếu như bỏ hẳn cung cách đào tạo này thì hãng hàng không nào cũng đỡ tốn tiền và khỏi lo giữ người kiểu rất cổ xưa: "Dao nắm đằng lưỡi".
Một xã hội công bằng và minh bạch, nên chăng hãy bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nguồn. Chúng ta đâu có cần thiết phải làm cả những việc mà người lao động nào nếu có nguyện vọng cống hiến cho đất nước họ cũng có thể lo được tuỳ sức, tuỳ lực của mỗi người.
Theo Quốc Phong
Dân Việt