Nghệ An:

25 lao động nhà máy xử lý nước thải “bơ vơ”?

(Dân trí) - Sau khi được Công ty cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh tuyển dụng, điều chỉnh để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy xử lý nước thải, 25 lao động đang phải “bơ vơ” vì vướng mắc trong chuyển giao nhà máy đi vào hoạt động.

Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh 
Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh 

Nhập nhằng quản lý, vận hành nhà máy
 
Ngày 3/1/2014, Văn phòng báo Dân trí thường trú tại Nghệ An nhận được đơn “kêu cứu” của 25 lao động Công ty cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI) phản ánh, hơn 1 năm qua, do nhà máy xử lý nước thải TP Vinh hoạt động “cầm chừng” nên nhiều người phải tạm nghỉ việc.

Trong số 25 lao động này có những người người là thạc sỹ, kỹ sư giỏi mới ra trường được INFRAVI điều chuyển, tuyển dụng và được cấp kinh phí ra Hà Nội để các chuyên gia châu Âu đào tạo, cấp chứng chỉ nhưng vẫn “phấp phỏng” lo mất việc.
Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh 
Đơn “kêu cứu” của 25 lao động Công ty cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI) gửi tới PV Dân trí tại Nghệ An.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Dự án thoát nước và xử lý chất thải giai đoạn 1 của TP Vinh (Nghệ An) được khởi công tháng 9/2009, gồm các hạng mục: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải công suất 25.000m3/ngày đêm (đóng tại xã Hưng Hòa, TP Vinh).

Dự án có tổng kinh phí 386 triệu đồng từ nguồn vốn vay ODA do ngân hàng Tái thiết CHLB Đức (KfW) tài trợ. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đảm nhận việc thu gom xử lý nước thải khu vực phía Nam TP Vinh với công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu.

Ngày 14/12/2012, phía nhà thầu xây lắp là Công ty SFCU cùng đại diện UBND TP Vinh, Sở, ban ngành và đại diện công ty INFRAVI đã tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình.

Ngày 16/1/2013, Chủ tịch UBND TP Vinh đã có quyết định bàn giao tài sản là hệ thống xử lý nước thải trong đó có Nhà máy xử lý nước thải cho Công ty INFRAVI quản lý, vận hành và bảo dưỡng. Thế nhưng, dù đã hoàn thành hơn một năm nhưng hoạt động của nhà máy xử lý nước thải vẫn “cầm chừng”.

Nhà thầu chưa chuyển giao công nghệ nên 25 lao động của công ty INFRAVI vẫn bơ vơ
Nhà thầu chưa chuyển giao công nghệ nên 25 lao động của công ty INFRAVI vẫn "bơ vơ"

Ông Đặng Quang Thông, người được giao quản lý nhà máy xử lý nước thải cho biết: “Đơn vị đã nhận bàn giao tất cả các hạng mục. Đối với hạng mục trạm bơm và tuyến ống áp lực, công ty đã vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, khắc phục những sự cố trên hệ thống, bảo đảm trạm bơm hoạt động 8 giờ/ngày, an toàn. Tuy nhiên, hiện tại nhà thầu SFCU vẫn chưa chuyển giao công nghệ và vận hành mà họ vẫn đang đảm nhận vận hành theo phương thức cầm chừng để nuôi hệ thống men vi sinh”.

Ông Nguyễn Sỹ Diệu - Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư và Xây dựng TP Vinh cũng thừa nhận, đến nay nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là do vướng mắc ở khâu bàn giao giữa nhà thầu xây lắp và đơn vị quản lý. Về mặt hồ sơ thì nhà thầu đã bàn giao cho công ty INFRAVI nhưng trên thực tế thì hơn 1 năm nay nhà thầu xây lắp SFCU vẫn đang vận hành.

“Giam lỏng”…kỹ sư, thạc sỹ?

Tháng 7/2012, để chuẩn bị cho việc bàn giao dự án trên, Ban quản lý dự án Đầu tư và xây dựng TP Vinh đã có văn bản gửi công ty INFRAVI, đề nghị chuẩn bị bố trí nhân lực để vận hành.

Tiếp đó, công ty INFRAVI đã tuyển dụng, điều chuyển 25 người trong đó có 4% là thạc sỹ, 28% là kỹ sư…Số lao động này đã được UBND tỉnh cấp kinh phí để tiếp tục đào tạo, phục vụ dự án, một số được cử ra Hà Nội học với chuyên gia Đức và được cấp chứng chỉ châu Âu.

Ông Bùi Đức Lộc - Giám đốc Công ty INFRAVI cho biết: “Sau khi được đào tạo xong, 25 lao động được cử xuống nhà máy để vận hành. Tuy nhiên, do nhà thầu SFCU chưa bàn giao nên hơn 1 năm nay công việc của những lao động này chỉ xuống nhà máy chỉ để…“quan sát, học hỏi”!

Chị Thái Thị Thanh đang làm việc ổn định ở Công ty INFRAVI gần 10 năm nay thì được công ty bố trí xuống nhà máy để làm việc. Những tưởng, nơi làm việc mới sẽ tốt hơn nhưng từ tháng 5/2013 đến nay chị đang phải tạm nghỉ việc và lâm vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong”. “Sau khi tôi đi xuống nhà máy làm việc được một thời gian ngắn thì tôi phải nghỉ việc giữa chừng. Giờ muốn về công ty làm việc cũng không được vì chỗ mình đi đã có người khác thay thế rồi”, chị Thanh bức xúc.

Nhà thầu chưa chuyển giao công nghệ nên 25 lao động của công ty INFRAVI vẫn bơ vơ
Được tuyển dụng, điều chuyển và cấp kinh phí đi học nhưng 25 lao động của INFRAVI đứng trước nguy cơ mất việc. 

Cùng chung hoàn cảnh với chị Thanh, kỹ sư môi trường Trần Văn Hoàng cho biết: “Sau khi ra trường, năm 2010, tôi được công ty INFRAVI nhận công tác. Đến tháng 10/2012 tôi được công ty giao xuống nhà máy để làm việc. Do nhà máy chưa được bàn giao nên xuống đây chúng tôi cũng xem và học là chủ yếu. Hơn nữa được bố trí công việc mới nhưng lương thì chỉ được ứng trước thôi. Tuy nhiên, từ tháng 5/2013 đến nay tôi đang phải tạm nghỉ việc không lương. Giờ chúng tôi cũng không biết công việc của mình sẽ như thế nào nữa”.

Trong khi công việc của 25 lao động này đang “bấp bênh” thì ngày 10/10/2013, UBND tỉnh Nghệ An lại có thông báo kết luận: “Giao cho UBND TP Vinh ký hợp đồng 1 năm với công ty SFCU để tiếp tục vận hành nhà máy”. Ngày 26/12/2013, UBND TP Vinh cũng đã có văn bản chỉ đạo phòng Tài chính - kế hoạch tham mưu để UBND TP Vinh ký hợp đồng trực tiếp với công ty SFCU để vận hành 1 năm.

Ông Đặng Quang Thông - Chủ tịch Công đoàn Công ty INFRAVI cho biết: “Chúng tôi mới nhận được đơn kiến nghị của 25 lao động được công ty bố trí làm việc tại nhà máy xử lý nước thải. Theo tôi, công ty đã tuyển dụng và nhà nước bỏ tiền ra để tiếp tục đào tạo họ nhưng giờ công việc của họ lại bấp bênh. Các ngành liên quan cần sớm giải quyết dứt điểm việc bàn giao nhà máy và cũng sớm giải quyết công việc cho những người lao động đã được tuyển dụng”.

Trả lời câu hỏi, vì sao đã bàn giao cho Công ty INFRAVI quản lý nhưng lại để cho SFCU vận hành? Ông Lê Quốc Hồng, Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: “Nguyên tắc thì đơn vị nào quản lý tài sản thì phải vận hành. Nhưng tỉnh chỉ đạo nên thành phố ký để SFCU vận hành 1 năm”. Còn theo giám đốc INFRAVI Bùi Đức Lộc, mọi việc công ty đang chờ UBND TP Vinh, UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.

Nguyễn Duy - Doãn Hòa