1.000 đồng/lần phí giao dịch ATM: Đắt hay rẻ?

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa đồng ý cho các ngân hàng thương mại thu phí dịch vụ ATM nhưng trong tương lai sẽ tiến tới thu loại phí này. Vậy mức thu bao nhiêu là hợp lý? Đây vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng mức thu phí 1.000 đồng cho mỗi giao dịch ATM là rẻ. Theo tôi, không thể thấy con số 1.000 đồng chẳng đáng là bao mà vội kết luận là rẻ. Rẻ hay đắt phải từ con số đó mà tính ra tỷ lệ phần trăm và phải xem xét từng đối tượng người dân, không phải ai cũng sẵn sàng “ném tiền qua cửa sổ”, dù chỉ là 1.000 đồng.

Thứ nhất, việc mức phí tối thiểu là 1.000đồng, so với số tiền tối thiểu cho mỗi lần rút là 50.000đồng thì tỷ lệ là 2%?! Đã nói tối thiểu tức là có thể cao hơn, nhưng tạm tính số tiền bình quân cho mỗi lần giao dịch là 500.000 đồng và vẫn áp dụng mức phí 1.000 đồng thì tỷ lệ phí này cũng lên tới 0,2%, cao hơn cả mức phí chuyển tiền ra nước ngoài của một số ngân hàng hiện này (0,14%).

Trong khi đó, nếu xem xét hạn mức phổ biến cho mỗi lần rút tiền là 50.000 - 2.000.000 đồng, cùng với mức thu nhập hiện nay của đại đa số khách hàng “bất đắc dĩ” phải sử dụng thẻ là công nhân, viên chức nhà nước, sinh viên… thì số tiền bình quân 500.000 đồng cho mỗi lần giao dịch cũng đã là quá cao. Nếu giao dịch tối đa 2.000.000 đồng/lần thì tỷ lệ phí cũng đã là 0,05%, mà mấy ai được hưởng mức phí này (vì có mấy người “đủ giàu” để giao dịch nhiều như vậy)! Liệu dùng từ “cắt cổ” trong trường hợp này có là quá đáng không?

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Khách hàng không có tiền, đi vay ngân hàng hiện nay phải chịu lãi suất tối đa là 1,375%/tháng mà đã không kham nổi thì liệu các mức phí theo tỷ lệ như trên để trả cho một dịch vụ đơn giản là rút tiền từ tài khoản của chính mình có được xem là rẻ không? 

Thứ hai, các ngân hàng tính toán “nếu cộng cả phí phát hành thẻ, quản lý và vận hành hệ thống, ngân hàng phải đầu tư 5.000-6.000 đồng cho mỗi giao dịch trên ATM”, việc tính toán này liệu có đáng tin cậy? Thậm chí, nếu tính toán trên là chính xác, thì các ngân hàng nên xem lại hiệu quả đầu tư và chi phí quản lý của mình chứ không nên đổ trách nhiệm cho khách hàng thông qua việc thu phí trên trời.

Nếu giao dịch tối đa 2.000.000đồng/lần thì tỷ lệ chi phí cho mỗi lần giao dịch đã lên đến 0,3% (6.000:2.000.000), cao gấp 2 lần chuyển tiền ra nước ngoài, còn giao dịch tối thiểu 50.000 đồng thì tỷ lệ sẽ là 12%. Một giao dịch đơn giản là rút tiền từ tài khoản của chính mình mà chi phí đã lên đến như vậy ư (cao gấp 85.71 lần so với mức phí chuyển tiền ra nước ngoài)?! Thật khủng khiếp! Dịch vụ ATM phải chăng là một loại dịch vụ “siêu đắt đỏ”!

Thứ ba, về việc “tính chung toàn hệ thống, mỗi ngày có trên dưới 10.000 tỷ đồng nằm "chết" trong ATM mà ngân hàng không sử dụng được” theo cách giải thích của ngân hàng, có hai vấn đề đáng để mổ xẻ. Nếu số dư tiền mặt trong toàn hệ thống 10.000 máy ATM là 10.000 tỷ, có nghĩa là lúc nào trong mỗi máy ATM cũng có trung bình 1 tỷ đồng? Điều này liệu có thực tế không?

Cũng tương tự cách biện bạch nói trên, “ngân hàng phải duy trì lượng tiền mặt đáng kể trong máy để phục vụ nhu cầu rút của khách hàng, chừng vài trăm triệu đến một tỷ đồng mỗi máy”, nên nhớ 1 tỷ là con số tối đa, chứ không phải là bình quân. Phải chăng cách tính toán của phía ngân hàng là “tiền hậu bất nhất”! Hơn nữa, chuyện ngân hàng kêu ca việc phải duy trì số dư tiền mặt trong máy ATM chẳng khác gì đi câu mà không muốn thả mồi. Bởi vì, xét trên toàn hệ thống, tổng số dư tiền mặt trong ATM phải luôn thấp hơn tổng số dư trong tài khoản của khách hàng (vì tính trên phương diện tổng thể toàn hệ thống, không ai dại dột nạp tiền vào ATM nhiều hơn số dư tài khoản khách hàng), và số tiền chênh lệch này ngân hàng chỉ phải “huy động” với mức lãi suất không kỳ hạn, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn. Đây chính là “con cá” mà ngân hàng đã câu được nhưng cố tình lập lờ. Tôi xin đưa ra con số ước lượng như sau:

Với 10.000 máy ATM, các ngân hàng phải duy trì tống số tiền mặt là 5.000 tỷ (bình quân 500 triệu cho mỗi máy tại mọi thời điểm).

Với 10 triệu chủ thẻ, các ngân hàng “giữ” của khách hàng 10.000 tỷ (bình quân mỗi chủ thẻ duy trì số dư 1 triệu đồng trong tài khoản ATM tại mọi thời điểm).

Như vậy, các ngân hàng đã huy động được phần chênh lệch 5.000 tỷ đồng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn. Đây chính là loại “phí ẩn” mà khách hàng đã trả cho ngân hàng.

Nếu các con số nêu trên chưa thuyết phục thì phương án đưa ra là các ngân hàng nên duy trì lượng tiền trong ATM bằng ½ số dư tài khoản khách hàng để tối ưu hoá việc sử dụng vốn và đặt ra mức sàn số dư tiền mặt trong máy ATM và thường xuyên theo dõi, cập nhật số dư. Khi số tiền xuống dưới mức sàn thì ngân hàng phải lập tức tiếp quỹ (ngoài đợt tiếp quỹ đầu kỳ). Như vậy sẽ không phải để số tiền “chết” quá nhiều và cũng tránh được tình trạng máy hết tiền như vẫn thường bị kêu ca. Ngân hàng luôn hưởng lợi từ phần chênh lệch là ½ số dư tài khoản còn lại trả lãi suất thấp.

Cần lưu ý một điều là không nên hiểu số tiền "chết" bình quân tại mọi thời điểm trong máy ATM là số tiền ban đầu nạp vào máy mà là ½ số tiền đó, vì sau khi nạp tiền vào máy, số tiền sẽ giảm dần cho đến khi bằng không. Một khi tiền đã được khách hàng rút rồi thì số dư trong tài khoản khách hàng giảm xuống và ngân hàng không phải trả lãi không kỳ hạn nữa, nên không thể cho đây là khoản tiền "chết", vì nó không còn ảnh hưởng gì đến ngân hàng cả. Còn số tiền mà ngân hàng huy động qua ATM với chi phí trả lãi thấp không phải là số dư tối thiểu trong tài khoản khách hàng mà là số dư bình quân tại mọi thời điểm cũng theo cách tính như với số dư tiền mặt trong máy ATM. 

Thứ tư, việc các ngân hàng trong liên minh/hệ thống thu phí lẫn nhau là việc “khó người khó ta, dễ người dễ ta” giữa các ngân hàng, mang tính quy ước chủ quan, áp đặt, hoàn toàn không thuyết phục nếu đưa ra làm cái lý để tính phí khách hàng. Nếu các liên minh hay hệ thống này biết nhìn xa trông rộng, tạo sự thông thoáng cho nhau thì cái lợi sẽ không cần phải đến từ việc thu phí này, bởi vì khi mà khách hàng ATM không bị thu các loại phí “cục bộ, ngăn sông cấm chợ” như vậy thì lượng người sử dụng sẽ tăng lên, số tiền vãng lai qua hệ thống nhiều hơn, huy động được vốn giá rẻ nhiều hơn và còn được lợi từ các dịch vụ kéo theo khác (chuyển tiền qua ATM, các đại lý chấp nhận thẻ…).

Tôi thừa nhận một thực tế là chi phí của các ngân hàng cho ATM là rất tốn kém, nhưng không phải vì thế mà phải chi phí cao hơn cả lãi suất đi vay hoặc cao hơn cả mức phí của các giao dịch phức tạp hơn như chuyển tiền trong và ngoài nước. Vì hiện nay thẻ ATM chủ yếu cũng chỉ để rút tiền, bởi trung bình mỗi máy ATM chỉ có 3 điểm chấp nhận thẻ (10.000 máy ATM trên tổng số 30.000 máy POS), quá ít để có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán qua thẻ. Nếu vì chi phí cao mà bắt khách hàng phải chịu phí cao như vậy thì liệu có cần thiết sử dụng ATM?, vì hiện nay số lượng khách hàng bị "ép" phải sử dụng thẻ không phải là ít. Nếu không bị "ép", chưa chắc khách hàng đã tự nguyện sử dụng dịch vụ ATM để phải trả phí cao như vậy. Liệu có công bằng không khi ép người dân phải sử dụng dịch vụ với chi phí cao một cách không thuyết phục. 

Tóm lại, theo tôi nghĩ, trước khi tính đến việc thu phí giao dịch ATM, các ngân hàng nên tính kỹ đến cái đươc, cái mất, chưa vội lập lờ đánh lận con đen để kêu ca, đòi thu phí cho bằng được. Nếu sau khi đã tính “hết nước” mà “thu vẫn chưa bù chi” thì hãy thu phí, nhưng phí phải được tính theo tỷ lệ % của số tiền giao dịch (tất nhiên là phải thấp hơn mức phí chuyển tiền trong nước), không đặt ra mức tối thiểu (vì đã quy định số tiền tối thiểu cho mỗi giao dịch là 50.000đồng thì mức tối thiểu hiển nhiên chính là 50.000đồng nhân với tỷ lệ đó rồi). Nếu đánh mức tối thiểu cao hơn con số đó chẳng khác nào vắt kiệt túi tiền của người nghèo (vốn chi tiêu dè xẻn, rút tiền nhỏ giọt nhiều lần nên phải trả phí với tỷ lệ cao và nhiều lần chịu phí). Hơn nữa việc thu phí cứng nhắc theo số lần giao dịch khiến khách hàng rút tiền “một cục” để đỡ tốn phí, vô tình triệt tiêu chức năng của ATM là văn minh, thuận tiện, an toàn, hạn chế việc người dân giữ và tiêu tiền mặt, vì vậy cũng đánh mất cơ hội huy động vốn giá rẻ của các ngân hàng (vì số dư trong tài khoản khách hàng chẳng còn là bao).

Như vậy, phải chăng tham vọng thu phí ATM của các ngân hàng là lợi bất cập hại, là lối tính toán thiển cận, ăn xổi ở thì?! 

Nguyễn Quốc Khánh
Đà Nẵng

LTS Dân trí - Loại dịch vụ dùng thẻ rút tiền tự động qua máy ATM còn khá mới mẻ ở nước ta, trao đổi ý kiến về những lợi ích cũng như những mặt chưa thuận lợi đối với người dùng thẻ ATM là điều được đông đảo bạn đọc quan tâm.

Các ngân hàng thương mại nên lắng nghe ý kiến đóng góp của đông đảo người sử dụng dịch vụ này để có biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ATM cũng như mở rộng sự hợp tác giữa các ngân hàng với nhau, để nâng cao hiệu quả kinh doanh mà không phải thu thêm phí của khách hàng.