Bộ trưởng Công thương: Các nước TPP còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận
(Dân trí) - Các thành viên TPP đang còn nhiều vấn đề để tiếp tục thảo luận nhằm đi tới sự đồng thuận, chia sẻ, tạo ra các điểm cân bằng mới và tiếp tục tạo điều kiện để hiệp định có hiệu lực và mang lại lợi ích cho các quốc gia tham gia và cho xu thế chung của toàn cầu hóa.
Phát biểu tại họp báo của Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) chiều ngày 9/11 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) là một nội dung không chính thức trong khuôn khổ của APEC nhưng nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, cũng như của các nền kinh tế thành viên APEC.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, TPP là một hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng AMM. Những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng TPP cũng là những nội dung tiếp nối của quá trình trao đổi và làm việc cấp trưởng đoàn đàm phán của nước thành viên TPP trong liên tục 4 vòng đàm phán vừa qua, và phù hợp với tinh thần và thông báo tại AMM và MAT lần thứ 23 tại Hà Nội hồi giữa năm.
Theo Bộ trưởng Công thương, các nước đang tiếp tục nỗ lực để duy trì TPP như một hiệp định có chất lượng cao, đồng thời có những điểm cân bằng, phù hợp lợi ích của các quốc gia tham gia, để tiếp tục mang lại lợi ích chung thông qua việc tiếp tục tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường, hội nhập và tiếp tục các cải cách để đảm bảo chất lượng cao trong hệ thống các quốc gia TPP.
“Mặc dù Mỹ đã rút ra khỏi TPP nhưng cả 11 nước TPP vẫn đang tiếp tục các nỗ lực chung, và rõ ràng trong bối cảnh mới, các nước TPP đang còn nhiều vấn đề để tiếp tục thảo luận nhằm đi tới sự đồng thuận, chia sẻ, tạo ra các điểm cân bằng mới và tiếp tục tạo điều kiện để TPP có hiệu lực và mang lại lợi ích cho các quốc gia tham gia và cho xu thế chung của toàn cầu hóa”, ông nói.
Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) tại Đà Nẵng ngày 9/11 (Ảnh: Xuân Ngọc)
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, những quan điểm, xu thế của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới cũng phản ánh thực tế các khía cạnh khác nhau trong xu thế của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tại APEC lần này cũng như mục tiêu chung của các nước TPP, các bên tiếp tục có các nỗ lực chung để đảm bảo sự chia sẻ, đồng thuận, từ đó tạo ra TPP như một động lực mới, đóng góp chung cho toàn cầu, cũng như cho sự phát triển bền vững chung của các nước TPP và cộng đồng thế giới.
Trước đó, vào 11 giờ sáng nay, các bộ trưởng của 11 nước thành viên TPP đã nhóm họp tại Đà Nẵng tại Hội nghị Bộ trưởng TPP. Cuộc họp đã kết thúc sau vài giờ. Bước ra từ phòng họp, một số bộ trưởng các nước tỏ ra khá hài lòng, nhưng không tuyên bố nào được đưa ra sau hội nghị.
TPP ban đầu gồm 12 quốc gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam. Được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên vốn chiếm 40% GDP toàn cầu.
Nhưng người kế nhiệm của ông Obama là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức 20/1/2017, sau một cam kết trong chiến dịch tranh cử mà ông nói có thể giúp ngăn chặn tình trạng nước Mỹ bị mất việc làm.
An Bình