Mối nguy “bủa vây” các bếp ăn tập thể
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc xử lý vi phạm tại các bếp ăn tập thể rất khó khăn, còn nhẹ nên chưa mang tính răn đe, thường chỉ bị xử lý hành chính, yêu cầu khắc phục sự cố.
Sau bữa ăn, hàng loạt học sinh nhập viện
Chiều 13/12, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã nhận được thông tin về vụ ngộ độc tại trường tiểu học Nguyễn Trung Trực khiến 65 em học sinh phải nhập viện. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Sở y tế tỉnh Long An cần kịp thời tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm, đối với những trường hợp có biểu hiện nặng cần chuyển lên tuyến trên nếu cơ sở gặp khó khăn trong quá trình điều trị.
Tổ chức thực hiện điều tra ngộ độc thực phẩm theo Quyết định số 39/2006/QĐ – BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm xác định rõ cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên trong vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định. Công khai kết luận điều tra ngộ độc thực phẩm để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Để kiểm soát vấn đề ngộ độc thực phẩm và chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Long An chỉ đạo các đơn vị chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các cơ sở có bếp ăn tập thể, đặc biệt là các trường học, công ty tại khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện…trên địa bàn.
Trước đó, giữa tháng 0/2013 cũng xảy ra một vụ ngộ độc tập thể tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Nhé (Điện Biên) làm 10 học sinh mắc và phải nhập viện với triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, da xanh tá, khó thở, đau đầu, mạch châm, huyết áp tụt...
Không chỉ là mối nguy tại các bếp ăn tập thể ở trường học, mà thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp cũng rất đáng báo động. Đã từng xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng nghìn công nhân phải nhập viện. Điển hình là vụ gần 1.000 công nhân của Công ty TNHH một thành viên Wondo Vina (tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã bị ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa. Đây là vụ ngộ độc có số người mắc lớn nhất từ đầu năm đến nay. Bữa trưa đó gồm các món canh cải, thịt heo, cá viên và dưa cải..., song nguyên nhân ngộ độc do đâu rất khó tìm ra.
Còn tại nhà máy may Nam Đàn (Nghệ An) - Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần dệt may Hà Nội cũng đã xảy ra vụ NĐTP tại BATT làm 73 người mắc. Trên địa bàn thôn Sín Pao Chải, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại đám cưới làm 145 người mắc và 85 người phải nhập viện.
Đây là kết quả kiểm nghiệm 973 mẫu trong thời gian từ 2012 đến tháng 10/2013 ở các bếp ăn tập thể của công ty, xí nghiệp, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, trường học trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, nhóm thực phẩm có tỷ lệ không đạt cao nhất là rau và các sản phẩm từ rau (43,1%); kế đến là nhóm thủy sản 40,6%, thịt 38%...Tình trạng nhiễm vi sinh tập trung ở các loại vi khuẩn như: vi khuẩn hiếu khí 37,3%, Coliforms 23,1%, nấm mốc 21,7% và E.coli 11,4%.
Kết quả kiểm nghiệm cũng cho thấy: tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn vi sinh trong suất ăn của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến suất ăn sẵn là 34,7% (257/740 mẫu). Tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn vi sinh theo quy định của Bộ Y tế trong mẫu suất ăn trường mẫu giáo, đại học tại TP.HCM là 24% (56/233 mẫu).
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể là vấn đề nóng bỏng, nguy cơ cao và khi xảy ra, số lượng mắc thường rất lớn.
Một kết quả điều tra, đánh giá của ngành y tế, tại TP Hồ Chí Minh 89% số bếp ăn tập thể không đảm bảo về điều kiện VSATTP, 95% người phụ trách bếp chưa có kiến thức đúng về VSATTP. 88% số bếp ăn tập thể có nhân viên chưa thực hành đúng về VSATTP... Nguy cơ nhất là chi phí cho một bữa ăn tại các bếp ăn tập thể thường rất thấp (có nơi chỉ 7.000đ đến 12.000đ) do đó các cơ sở buộc phải sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, không bảo đảm an toàn để chế biến món ăn nên nguy cơ ngộ độc cao.
Theo ông Phong, việc xử lý vi phạm tại các bếp ăn tập thể rất khó khăn, còn nhẹ nên chưa mang tính răn đe. Để xảy ra vụ ngộ độc tập thể với hàng trăm công nhân nhập viện nhưng các chủ doanh nghiệp thường chỉ bị xử lý hành chính, yêu cầu khắc phục sự cố.
“Thực tế, các doanh nghiệp có đông công nhân thường thuê các công ty khác chế biến suất ăn, quá trình vận chuyển, chế biến nguyên liệu nhà máy đó không biết, nên ngộ độc nhiều. Vì vậy, các nhà máy, khu công nghiệp cần phải dành khu dất để xây dựng bếp ăn tại chỗ để giảm nguy cơ này. Còn nếu tiếp nhận thực phẩm từ cơ sở chế biến, dứt khoát phải yêu cầu các cơ sở cung cấp xuất ăn này phải có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh và duy trì điều kiện đó. Nếu không có chứng nhận này, sẽ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho người công nhân. Không chỉ chủ cơ sở sản xuất sử dụng thực phẩm và việc giám sát cũng phải tăng cường. Đặc biệt là tuyên truyền để người chủ sử dụng lao động thấy rõ sức khỏe công nhân là vốn quý, là tài sản của doanh nghiệp”, ông Phong chia sẻ.
Ngoài ra, người công nhân cũng phải thấy rõ sức khỏe là vốn quý. Thực tế, nguy cơ ngộ độc không chỉ xảy ra tại bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, mà ngay trong chính bếp ăn gia đình của những người công nhân này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi thu nhập thấp, họ không có điều kiện lựa chọn những thực phẩm tươi mới.
Băng Thu