Mất an toàn thực phẩm: Đâu là “nút thắt”?

(Dân trí) - Mặc dù Việt Nam có hệ thống pháp quy, quy chuẩn và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đạt chuẩn quốc tế, nhưng hàng rào kỹ thuật của nước ta chưa đủ mạnh để giúp loại bỏ toàn bộ thực phẩm mất ATTP trước khi cho thông quan.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục phối hợp với Cục Thú y để kiểm dịch sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu và phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) để kiểm dịch sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Sau khi nhập khẩu và đưa vào lưu thông, các chi cục thú y và chi cục BVTV địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát khâu lưu thông.

Như vậy, khi các lô hàng có nguồn gốc động vật từ các nước nhập khẩu vào nước ta, Cục Thú y lấy mẫu kiểm tra chất lượng theo tỷ lệ được quy định tại Thông tư 25. Chỉ khi chúng ta phát hiện lô hàng nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép thì mới có đủ căn cứ áp dụng biện pháp kiểm tra mạnh hơn.

“Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện sai phạm còn rất thấp,” ông Hào nói.

Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra thực phẩm kém chất lượng sau khi đã đưa vào lưu thông. Nhiều trường hợp phát hiện ra khi sản phẩm đã được tiêu thụ hết.

Điều này khiến dư luận băn khoăn về năng lực trang thiết bị, máy móc và năng lực kiểm soát của cán bộ quản lý tại các điểm thông quan.

noitang1-2ed92-9da99

Tạm dừng cho phép Hoa Kỳ xuất khẩu nội tạng trắng sang Việt Nam vì không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Theo ông Hào, để cải thiện tình hình trên, Luật Thú y vừa được Quốc hội thông qua có các quy định đáp ứng các yêu cầu đề ra để nâng cao năng lực về máy móc, thiết bị và đội ngũ cán bộ thú y trong thời gian tới.

Đối với kiểm dịch sản phẩm có nguồn gốc thực vật, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định: Hiện nay hệ thống trang thiết bị và đội ngũ cán bộ kiểm dịch thực vật của chúng ta đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra.

Cả nước có 62 trạm kiểm dịch thực vật, 9 chi cục vùng, đều có trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu, bố trí cán bộ trực 24/24.

“Cái khó khăn là gần đây nhiểu lối mòn, cửa khẩu phụ mở ra nên thiếu cán bộ kiểm dịch. Trang thiết bị cơ bản đủ nhưng thiếu trang thiết bị phát hiện nhanh và bảo đảm chính xác,” ông Trung nói.

Cục đã đề nghị Bộ hỗ trợ kinh phí để nâng cấp trang thiết bị máy móc, đào tạo cán bộ, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan Hải quan để tăng cường công tác kiểm dịch thực vật.

Nguyên An