1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Xoay xở sao khi nhận mức lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng?

Lê Hoa

(Dân trí) - Nhận lương hưu thấp, nhiều người cao tuổi không đủ chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày. Tưởng chừng được an nhàn sau nghỉ hưu, không ít người vẫn vật lộn làm thêm mỗi ngày.

Năm nay 67 tuổi, bà Lê Thị Bình (ở xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không nhớ rõ mình chốt sổ, nghỉ hưu năm nào. Trước đây, bà từng làm công nhân cho một công ty xây dựng tại địa phương. Do sức khỏe không đảm bảo, bà đã quyết định nghỉ hưu trước tuổi.

Mỗi tháng, bà được lĩnh hơn 2 triệu đồng lương hưu. Với số tiền này, bà Bình khẳng định: "Không đủ chi tiêu đâu". Số tiền trên là kết quả qua nhiều lần tăng lương hưu qua các năm. Trước đây, đồng lương hưu của bà còn thấp hơn nữa.

Chồng bà là lao động tự do nên về già cũng không có nguồn thu nhập nào khác. Hiện tuổi đã cao, ông bà chủ yếu sống dựa vào con cháu.

Theo bà Bình, hằng ngày, bà ở nhà lo cơm nước, trông các cháu nhỏ để con cái yên tâm đi làm. Chủ yếu việc chi tiêu, sinh hoạt, chưa kể tiền thuốc men tuổi già đều các con lo toan.

"Chỉ trông vào tiền lương hưu thì không đủ ăn uống hằng ngày cho hai ông bà được", bà Bình chia sẻ.

Sức khỏe không đảm bảo, ông T.T.K. (Vũ Thư, Thái Bình) đi giám định, được xác định suy giảm sức khỏe 61%. Ông quyết định nghỉ việc ở độ tuổi 53. Có 28 năm đóng bảo hiểm xã hội, lúc bấy giờ nghỉ hưu, ông được hưởng tỷ lệ lương hưu là 55%, tương đương 3,1 triệu đồng.

Xoay xở sao khi nhận mức lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng? - 1

Chi trả lương hưu hàng tháng.

Sau khi nhận lương hưu hàng tháng, ông đều đưa vợ để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. ông K. cho rằng, ở quê đã có sẵn nhà cửa, vườn tược rộng rãi có thể nuôi gà, trồng rau. Gia đình ông vẫn còn ruộng nên vẫn cấy lúa lấy gạo đủ ăn quanh năm. Vì vậy, số tiền trên đủ để vợ chồng ông trang trải nhu cầu cuộc sống tối thiểu.

Song, lúc gia đình khác có ma chay, hiếu hỉ lại tốn một khoản kha khá. Có tháng ông K. còn "âm" tiền lương hưu. Đó là chưa kể giờ hai ông bà còn sức khỏe, ít nữa trái gió, trở trời, đau ốm càng thêm nhiều mối lo. 

Để không phải phụ thuộc vào các con, ông K. quyết định đi làm bảo vệ tại một công ty cách nhà khoảng 6km. Đặc thù công việc này phải làm cả ca đêm, người già như ông cảm thấy hơi quá sức. Song nghĩ có một khoản "phòng thân" lúc ốm đau, không phải nương nhờ con cháu nên ông cố gắng làm thêm vài năm nữa.

Thêm 3 triệu đồng/tháng, ông K. cũng thấy chi tiêu dễ dàng. Ông bà không phải dè sẻn, chắt bóp từng đồng như trước nữa.

May mắn hơn bạn bè, bà Đặng Thị Bình (63 tuổi, ở thị xã Phú Thọ) có lương hưu trang trải cuộc sống khi về già. Bà vốn là giáo viên của trường tiểu học Phong Châu (Phú Thọ). Công tác trong ngành lâu năm, năm 2015, bà có quyết định nghỉ hưu khi đã đến tuổi.

Chính vì vậy, mức lương hưu của bà khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. So với nhiều người, đây cũng là mức lương hưu khá, đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày khi ở quê.

Bà Bình chia sẻ: "Hiện các con của tôi đã lớn khôn, tôi không phải chu cấp tiền hàng tháng nuôi ăn học như trước đây. Ngoài chi tiêu ăn uống hằng ngày, tôi cũng tiết kiệm được một khoản".

Trao đổi về mức lương hưu đủ sống, bà Bình cho rằng, tiền bạc không biết bao nhiêu cho đủ, vì tuổi càng cao thì bệnh tật càng nhiều. Không may phải đi viện, những người già xoay xở không kịp khi không có tiền tích lũy.

Những người cao tuổi trên là 3 trong số gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hiện nay do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê.

Trong giai đoạn 2016-2021, bình quân có khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới/năm, trong đó, 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (chiếm 65,8%). 

Người tham gia bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng.