1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Xe "bánh mì không nhà" của mẹ già nuôi con tâm thần

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Không có nhà, mẹ con bà Thủy hằng ngày bán bánh mì ở lề đường để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Đến tối, bà Thủy ngả lưng trên chiếc ghế đặt tạm ở lề đường, đến nay đã gần nửa thế kỷ.

Nơi đường phố là nhà

Chiều tan tầm, dòng xe qua lại tấp nập, người lao động ở TPHCM nôn nao trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Ven góc đường Cách Mạng Tháng Tám, bà Nguyễn Lệ Thủy (81 tuổi) nằm trên chiếc ghế được đặt cạnh xe bánh mì, cứ thế thiếp đi lúc nào chẳng hay.

Xe bánh mì không nhà của mẹ già nuôi con tâm thần - 1

Hàng "bánh mì không nhà" của người mẹ 81 tuổi nuôi con bệnh tâm thần (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thấy có người đến mua bánh, bà Thủy bật dậy, kiểm tra kệ đựng bánh mì.

"Ngày mai ghé nhé con. Giờ bánh mì cũ rồi, ăn không ngon đâu. Bà bán cho con bà được tiền, nhưng bánh mì con ăn sẽ không được ngon", cụ bà nhẹ nhàng nói.

Bà Thủy và con trai - anh Thanh Giang (60 tuổi) - kiếm sống bằng xe bánh mì nhỏ, được đặt tên "Bánh mì không nhà".

Hằng ngày, không khi nào người ta thấy bà chủ xe bánh mì vắng mặt bởi bà Thủy và con trai vốn không có nhà, mà sống ngay trên đường phố. Thỉnh thoảng, hai mẹ con sẽ xin tắm nhờ ở nhà người quen.

Cả ngày lẫn đêm, bà chỉ có thể chợp mắt đôi chút vì sợ có khách đến mua mà không kịp bán. Mỗi ngày, bà nhờ mối quen giao nguyên liệu, trả cho họ 300.000 đồng. Còn bánh mì, bà Thủy chỉ để sẵn 10 ổ, khi nào bán hết thì mới mua thêm.

Xe bánh mì không nhà của mẹ già nuôi con tâm thần - 2

Xem đường phố là nhà, mẹ con bà Thủy đã quen cảnh đội nắng, dầm mưa (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngồi cả ngày ở hàng bánh mì, người mẹ đã ngoài 80 tuổi cố lắm mới bán được 30 ổ. Trả tiền nguyên liệu xong, bà Thủy bỏ túi được đôi chút, dành mua thức ăn cho cả hai mẹ con. Vào mùa mưa, doanh thu của xe bánh mì còn hẩm hiu hơn, cuộc sống của mẹ con bà Thủy bên lề đường cũng chật vật hơn.

Mẹ con cụ bà ngồi co rúm dưới chiếc dù nhỏ, mặc cho gió lạnh táp thẳng vào mặt.

Những hôm ế ẩm đó, nếu may mắn được người khác cho thức ăn, mẹ con bà Thủy thở phào. Ngược lại, người mẹ già nua chỉ có thể ôm, vỗ về người con trai tóc cũng đã bạc trắng, ăn bánh mì ế trừ cơm.

Xe bánh mì không nhà của mẹ già nuôi con tâm thần - 3

Tuổi đã cao, bà Thủy không còn mưu cầu điều gì lớn lao ngoài sự bình yên bên con trai (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Có nhiều hôm chúng tôi phải nhịn đói từ chiều hôm trước qua sáng hôm sau, chờ con tôi đến nhà thờ gần đây để xin cơm. Thỉnh thoảng con cũng đạp xe đi nhặt ve chai, kiếm thêm vài đồng giúp tôi trang trải sinh hoạt", bà Thủy nói.

Đã hơn 48 năm cụ bà sống bám lề đường, chịu cái nắng rát da, những trận mưa tơi tả.

Ước mơ của mẹ

Con trai bà Thủy vốn mắc bệnh tâm thần, lúc tỉnh thì ít, lúc "mơ" nhiều hơn. Nhưng dù tỉnh hay mê, phần sâu thẳm trong lòng, người con ngây dại thấu hiểu nỗi khổ, sự hy sinh của mẹ, người thân duy nhất. Vì vậy, anh Giang vẫn luôn quanh quẩn bên chân mẹ, phụ bà Thủy bán bánh mì suốt bao năm qua.

Trước đây, vì hôn nhân không mấy hạnh phúc, bà Thủy từ miền Tây lên TPHCM lập nghiệp, trên tay bồng cậu con trai duy nhất lúc ấy chỉ 7 tháng tuổi.

Xe bánh mì không nhà của mẹ già nuôi con tâm thần - 4

Bệnh tật khiến đôi chân bà Thủy sưng tấy, đau nhức (Ảnh: Nguyễn Vy).

Đi mọi ngóc ngách của thành phố lớn, bà Thủy làm đủ thứ nghề, mọi công việc nhỏ nhặt nhất để nuôi sống hai mẹ con. Dần dà, người mẹ tích cóp được một số tiền, mở xe bánh mì ngồi bán khi con được hơn 10 tuổi.

Vì không có nhiều vốn, bà chỉ bày đơn giản một chiếc bàn, vài chiếc bánh mì và chút nguyên liệu. Thấy bà khó khăn, nhiều người góp tiền mua cho bà chiếc tủ kính để bánh mì đến bây giờ.

Người mẹ già chỉ lắc đầu, vội vã xua tay khi được hỏi về bệnh trạng của con trai cũng như nguyên nhân anh bị bệnh. Câu chuyện đau buồn bà giữ riêng trong lòng, không muốn nhắc tới.

"Con tôi rất thương mẹ nhưng do bệnh nên không thể tỉnh táo hoàn toàn. Khổ nhất là mỗi lần trở trời, con như trở thành một người khác. Vì vậy tôi lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, ân cần, không quát tháo, la mắng con để tránh làm thằng bé bị kích động", bà Thủy bộc bạch.

Xe bánh mì không nhà của mẹ già nuôi con tâm thần - 5

Trải qua ngần ấy năm khổ sở, bà Thủy đau lòng khi không thể cho con trai một cuộc sống sung túc (Ảnh: Nguyễn Vy).

Là con trai duy nhất, nhưng anh Giang luôn được bà Thủy gọi là "anh Hai". Lí do là bởi không lâu trước đó, bà có nhặt về nuôi một chú chó nhỏ. Ngày qua ngày, mẹ con bà Thủy ăn gì thì chú chó tên Tony ăn nấy.

Chú chó xem bà Thủy và anh Giang là người thân, luôn túc trực trông hàng bánh mì cho hai mẹ con. Dần dà, bà Thủy xem và đối xử với chú chó như người con thứ hai của mình. Giang lên chức "anh Hai" như thế.

Nhìn cậu con trai lầm lì, cặm cụi làm bánh mì phụ mẹ, bà Thủy thở dài, ứa nước mắt. Bà lo rằng bản thân đã lớn tuổi, tự hỏi sau này ai sẽ chăm sóc cho con trai khi bà qua đời.

Nói đến đây, bà Thủy trầm tư: "Tôi cũng muốn được "đi" sớm cho bớt khổ. Bệnh tuổi già hành hạ tôi từng ngày, đôi chân đau nhức, sưng tấy không đi được. Nhưng tôi chết thì ai lo cho con? Vậy nên tôi chỉ ước con luôn khỏe mạnh hoặc ít nhất là có một nơi để về mỗi đêm…".