1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ kiện chấm dứt HĐLĐ tại Đắk Lắk: Nguyên đơn không đồng ý với án phúc thẩm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện công ty bảo hiểm chấp nhận mức bồi thường 1 tỷ đồng cho người lao động. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm bác bỏ hoàn toàn đơn khởi kiện của người lao động.

Ngày 15/9, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa phúc thẩm giữa nguyên đơn là ông Đoàn Thành Tùng - nguyên Trưởng văn phòng đại diện tại Đắk Lắk của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Công ty Bảo hiểm Prudential) và bị đơn là Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam về vụ kiện "đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại".

Theo đơn khởi kiện của ông Đoàn Thanh Tùng, vào ngày 15/10/2007, ông ký hợp đồng lao động với Công ty Bảo hiểm Prudential. Sau thời gian 1 năm, hợp đồng này trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Vụ kiện chấm dứt HĐLĐ tại Đắk Lắk: Nguyên đơn không đồng ý với án phúc thẩm - 1

Ông Đoàn Thanh Tùng và đại diện Công ty Bảo hiểm Prudential tại phiên tòa sơ thẩm

Trước đó, ngày 16/3/2018, Phó Tổng giám đốc nhân sự (Công ty Bảo hiểm Prudential) đã tuyên bố giải thể bộ phận Truyền Thông Tích hợp gồm có ông Tùng cùng 20 nhân viên bộ phận quan hệ đối ngoại và truyền thông.

Đồng thời, Công ty Bảo hiểm Prudential đã ra thông báo cho 21 nhân viên nghỉ việc. 21 người này đã nhận được Quyết định về việc “Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương”, ký vào ngày 15/3/2018.

Cũng trong ngày này, Công ty Bảo hiểm Prudential ra Quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng đại diện tại Đắk Lắk đối với ông Tùng.

Ngày 25/4/2018, Công ty Bảo hiểm Prudential chính thức ra thông báo chấm dứt HĐLĐ đối với ông Tùng. 

Cho rằng việc Công ty Bảo hiểm Prudential ra quyết định cho nghỉ việc là trái pháp luật gây nên tổn thất lớn cho mình, ông Tùng đã khởi kiện.

Ngày 11/5, TAND TP Buôn Ma Thuột mở phiên tòa sơ thẩm và nhận định việc Công ty Prudential Việt Nam ban hành quyết định ngày 15/3/2018 về việc “Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương” là không có căn cứ.

Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Công ty Prudential Việt Nam không làm đúng đủ các thủ tục như trao đổi, thỏa thuận với người lao động.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên hủy quyết định ngày 15/3/2018 và buộc Công ty Prudential Việt Nam phải bồi thường hơn 288 triệu đồng. Sau đó cả ông Tùng lẫn phía công ty này đều có kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, đại diện Công ty Bảo hiểm Prudential đề nghị thỏa thuận bồi thường cho ông Tùng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Tùng không đồng ý và yêu cầu tòa xét xử buộc bồi thường cho ông tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

HĐXX  cho rằng, Công ty Bảo hiểm Prudential  đã ra quyết định “Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương” đối với ông Tùng là quyết định cho người lao động thôi việc theo trường hợp người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu tổ chức được quy định tại Bộ Luật lao động...

Kết thúc phiên tòa, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận đơn yêu cầu kháng cáo của ông Tùng, chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty Bảo hiểm Prudential, sửa bản án sơ thẩm. Không chấp nhận yêu cầu của ông Tùng về việc buộc Công ty Bảo hiểm Prudential nhận vào làm việc trở lại và bồi thường chi phí.

HĐXX cũng bác  đơn khởi kiện sơ phẩm của ông Tùng. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tùng không được Công ty Bảo hiểm Prudential bồi thường.

Kết thúc phiên tòa, ông Đoàn Thành Tùng không đồng tình với bản án này và sẽ tiếp tục làm thủ tục theo quy định để đề nghị xem xét giám đốc thẩm lên VKSND, TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Điều đáng nói, tại phiên tòa, thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk đã cho phép phóng viên viết, đăng tin bài nhưng không được quay phim, chụp ảnh và ghi âm trong phòng xử án. Khi thấy phóng viên ghi âm ngay lập tức lực lượng an ninh đến yêu cầu không được ghi âm tại phiên toà này.