"Việc làm ý nghĩa giữa lúc khó khăn để lo cho dân, hỗ trợ người yếu thế"
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH quản lý đặc biệt quan trọng để phục vụ chuyển đổi số quốc gia...
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó tổ trưởng thường trực Tổ công tác thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chiều 4/5.
Chuyển đổi số giải quyết việc chi trả chế độ an sinh
Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ LĐ-TB&XH) Đỗ Chí Dũng, cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành, triển khai thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối cơ sở dữ liệu về trẻ em, bảo trợ xã hội và giảm nghèo, lao động, việc làm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hệ thống dịch vụ công đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Cục Bảo trợ xã hội hiện nay đã tiếp nhận hồ sơ từ dịch vụ công liên thông khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.
Phần mềm dịch vụ công trực tuyến hiện đã thí điểm tại 3 địa phương là TP. Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa và đã kết nối tới hệ thống xử lý đối tượng bảo trợ xã hội của trên 30 tỉnh/thành phố. Đến nay, hệ thống đã xử lý hơn 1.695 hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp mai táng phí.
Đối với dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực người có công, phần mềm dịch vụ công liên thông đối với lĩnh vực người có công đã cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành việc đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng, đã thực hiện kết nối chính thức với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về kết quả kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với trẻ em, đến nay, cơ quan chức năng đã hoàn tất việc bổ sung mã định danh cho gần 16,2 triệu cơ sở dữ liệu trẻ em, thực hiện xong việc làm giàu gần 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Liên quan đến công tác triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Đến nay đã có 61/63 tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch, văn bản giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan trên địa bàn để triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó có 10 tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai năm 2023.
Theo số liệu tổng hợp, có 61/63 tỉnh triển khai chi trả trợ cấp hàng tháng, đạt gần 100% đối tượng bảo trợ xã hội; có 56/63 tỉnh triển khai chi trả trợ cấp hàng tháng qua tổ chức dịch vụ chi trả VNPost, đạt tỷ lệ gần 64% đối tượng người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
Đồng thời các địa phương đã triển khai việc thu thập thông tin tài khoản của gần 400 ngàn người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Số đối tượng đã nhận trợ cấp qua tài khoản đạt gần 70.000 người...
"Không thể thất hứa với dân"
Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính.
"Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, đây là thời điểm các Bộ, ngành, trong đó Bộ LĐ-TB&XH cần quyết tâm "chạy đúng lộ trình" mà Chính phủ và Thủ tướng đã giao.
"Phải xác định, cơ sở dữ liệu của Bộ LĐ-TB&XH rất có ý nghĩa với đời sống xã hội và Đề án 06. Xã hội đang khó khăn mà chúng ta lo được thủ tục đơn giản để các hoạt động, hỗ trợ đến với người yếu thế kịp thời, việc này sẽ rất có ý nghĩa. Do đó, mỗi đơn vị cần xác định việc cần làm, giải pháp cần thực hiện, tham mưu cho lãnh đạo ngành để đảm bảo việc triển khai đề án hiệu quả", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phân tích.
Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Chính phủ và Bộ Công an cam kết hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế, sớm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ đã giao phó.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, tinh thần của Đề án 06 là "tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân", "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm". Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết tâm bám sát nguyên tắc đề ra, thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Đây là thời điểm quan trọng, trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", không chờ việc, các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thiện kế hoạch, phân công nhiệm vụ tới từng cá nhân, cán bộ, xác định cụ thể cách làm, thời hạn hoàn thành. Nhất định không để thất hứa với người dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt.
Bộ trưởng giao các Cục, Vụ liên quan khẩn trương khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo hoàn thành tốt Đề án 06. Đồng thời, lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan.