Vì sao nhiều lao động vẫn được nghỉ Tết?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp đi vào hoạt động, sản xuất và lao động đã trở lại làm việc ổn định.

Báo cáo nhanh về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán năm 2023 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào mùng 6 Tết (27/1 Dương lịch) chỉ khoảng 55% lao động toàn tỉnh (141.000 lao động). Tuy nhiên, đến mùng 9 Tết (30/1 Dương lịch) thì đã có 222.000 lao động trở lại làm việc, chiếm tỷ lệ khoảng 87% lao động toàn tỉnh.

Số lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu thuộc các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù như xây dựng, xây lắp, chế biến thủy sản, cao su, nông nghiệp… Tại các doanh nghiệp này, đầu năm chưa khởi công công trình, chưa có nguyên liệu đầu vào để sản xuất, đơn hàng sản xuất ít… nên chưa khởi động làm việc.

Ngoài ra, còn có một số lao động ngoại tỉnh về quê ăn Tết dài ngày nên chưa kịp trở lại làm việc. Một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh có thời gian bên gia đình nên bố trí kết hợp thời gian nghỉ Tết với thời gian nghỉ phép năm, thời gian nghỉ kéo dài hơn.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết có một số ít lao động bỏ việc, chuyển doanh nghiệp, địa phương khác làm việc nhưng chưa có thống kê con số cụ thể.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc thù trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp phải hoạt động 24/24, như các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, điện, nước, cây xanh, du lịch, giao thông vận tải, vận hành cảng, công trình giao thông… Các doanh nghiệp này bố trí lao động làm xuyên Tết, cho nghỉ bù sau Tết. Tỷ lệ lao động này chiếm đến 18% lao động toàn tỉnh.

Trước Tết 2023, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công giày da, may mặc… trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu thiếu đơn hàng sản xuất nên tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động và cắt giảm lao động gần 3.000 lao động (chiếm 1,1% lực lượng lao động toàn tỉnh).

Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động hiện tại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn dao động từ 1-3% tổng số lao động nên không lo tình trạng không có việc làm cho người lao động.