Em bé được chọn làm "bé gái tượng đài" ở Điện Biên Phủ bất ngờ nổi tiếng
(Dân trí) - 6h sáng là lúc Vy Trâm đã có mặt tại sân vận động để luyện tập cùng các chiến sĩ cho tiết mục của mình. Có những ngày Điện Biên nóng 40 độ C nhưng cô bé 4 tuổi vẫn háo hức, tràn đầy năng lượng.
Em bé được chọn ngẫu nhiên
Khi cả nước đang hướng về Điện Biên để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (được tổ chức tại sân vận động tỉnh Điện Biên sáng 7/5 tới), mọi công tác chuẩn bị của toàn lực lượng không quân, diễu binh, diễu hành, xếp chữ... cũng trong giai đoạn luyện tập gấp rút để phục vụ màn trình diễn hoành tráng lần này.
Và những ngày qua, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhiều đoạn video ghi cảnh một em bé gái trong trang phục dân tộc Thái, đảm nhận vai trò mô phỏng hình tượng "em bé tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ", được chia sẻ, thu hút hàng triệu lượt xem.
Bé gái có gương mặt xinh xắn với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát xuất hiện ở ngay phần biểu diễn đầu tiên. Bởi vậy, danh tính của em bé cũng được nhiều người quan tâm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Vương Ý Nhi, mẹ của em bé Trần Vy Trâm, 4 tuổi, cho biết, gia đình rất bất ngờ khi con gái nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng trong suốt thời gian qua.
Trước đó, chiều 25/4, Vy Trâm được ông nội đưa tới sân vận động thành phố để xem các chiến sĩ luyện tập, phục vụ cho buổi lễ sắp tới.
Vô tình, cô bé lọt vào mắt xanh của NSND Thu Hà. Thấy bé gái hoạt bát với gương mặt rất phù hợp để chọn làm nhân vật mô phỏng "em bé tượng đài Điện Biên Phủ", NSND Thu Hà đã nói chuyện với gia đình, ngỏ ý mời Trâm thử vai.
"Gia đình tôi rất bất ngờ, cũng xen lẫn tự hào nên cũng muốn để con thử sức. Không ngờ con hợp tác luôn, vào luyện tập cùng các chiến sỹ ngay chiều hôm đó. Sáng 26/4, Trâm được mẹ mặc giúp trang phục truyền thống của người Thái và tham gia luyện tập tại sân vận động", chị Nhi cho biết.
Được biết, trang phục của cô bé gồm váy nhung đen và áo truyền thống. Do muốn con có thêm điểm nhấn nên chị Nhi thiết kế và đặt riêng cho con chiếc khăn Piêu đội lên đầu.
Kể từ đó, 6h sáng mỗi ngày, cô bé 4 tuổi lại có mặt tại sân vận động, hợp luyện cùng các chiến sĩ. Trâm được một chú bộ đội bế trong đội hình gồm 3 chiến sĩ và một em bé, mô phỏng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Động tác chủ yếu của bé là giơ hai tay chào, với một bó hoa và lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng cầm theo.
Có những ngày nhiệt độ ngoài trời ở Điện Biên Phủ lên tới 40 độ C nhưng cô bé vẫn tỏ ra háo hức, mong chờ tới tiết mục biểu diễn. Kết thúc buổi tổng duyệt ngày 5/5, Trâm được nghỉ ngơi một ngày để chờ tới 7/5 biểu diễn chính thức.
"Con rất hào hứng khi được tập luyện với các chiến sĩ, không kêu la hay tỏ ra mệt mỏi và luôn rất hợp tác. Hôm nào được nghỉ không tới sân vận động, Trâm lại hỏi mẹ bao giờ tiếp tục. Điều này cũng đúng với tính cách ở nhà của Trâm. Con là một cô bé hướng ngoại, ưa vận động và luôn tràn đầy năng lượng", mẹ cô bé tự hào chia sẻ.
Con đột nhiên nổi tiếng, mẹ vừa mừng vừa lo
Năm 2018, anh Trần Minh (dân tộc Kinh) và chị Vương Ý Nhi (dân tộc Thái) kết hôn sau một thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Bé Vy Trâm là trái ngọt tình yêu đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ.
Gia đình theo nghề kinh doanh, không ai làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nên chị Nhi chỉ mong con có cuộc sống bình an, vui vẻ và an nhiên theo đúng lứa tuổi của con.
"Khi biết con nổi tiếng trên mạng xã hội, nhiều người quan tâm và nhắn hỏi hơn, tôi vừa mừng vừa lo. Dù sao, chuyện nổi tiếng trên mạng cũng có thể là con dao hai lưỡi nên tôi lo sợ những mặt xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tuổi thơ con bé.
Sau sự kiện lần này, gia đình chỉ mong Trâm trở lại cuộc sống đời thường và sự hồn nhiên của em bé 4 tuổi. Sau này, nếu con muốn theo đuổi nghệ thuật, gia đình sẽ tôn trọng quyết định của con", chị Nhi bộc bạch.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức sáng 7/5 tại sân vận động tỉnh Điện Biên, với sự tham gia của lực lượng Pháo lễ; Không quân; lực lượng diễu binh, diễu hành; lực lượng làm nền trên sân; lực lượng xếp hình, xếp chữ.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt tại trung tâm thành phố, mô phỏng hình tượng 3 chiến sĩ đứng với lưng tựa vào nhau. Trong đó, trên vai một chiến sĩ bế bé gái dân tộc Thái.
Tay em bé cầm theo một bó hoa cùng lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng. Và hình ảnh em bé cũng tượng trưng cho sự nối tiếp giữa các thế hệ nhằm góp phần xây dựng vùng đất Tây Bắc ngày càng phồn vinh.